鑑古
一國四維拋棄
必臣折檻披肝
如此江山得治
黎元遠隔饑寒
GIÁM CỔ
Nhất quốc
tứ duy phao khí
Tất thần chiết hạm phi can
Như thử giang san đắc trị
Lê nguyên viễn cách cơ hàn
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 16/4/2025
Tứ duy 四維: tức những tiêu chuẩn đạo đức và quy phạm hành vi nhằm duy
trì ổn định và trật tự xã hội đó là lễ 礼, nghĩa
义, liêm 廉, sỉ 耻 bốn giềng
mối trọng yếu.
Trong “Quản Tử - Mục dân” 管子 - 牧民có đoạn:
国有四维, 一维绝則傾, 二维绝則危, 三维绝則覆, 四维绝則灭. 傾可正也, 危可安也, 覆可起也, 灭不可复错也. 何谓四维: 一曰礼, 二曰义, 三曰廉, 四曰耻. 礼不可逾节, 义不可自进, 廉不蔽恶, 耻不从枉. 故不逾节, 則上位安; 不自进, 則民无巧诈; 不蔽恶, 則行自全; 不从枉, 則邪事不生.
Quốc hữu tứ duy, nhất duy tuyệt tắc
khuynh, nhị duy tuyệt tắc nguy, tam duy tuyệt tắc phúc, tứ duy tuyệt tắc diệt.
Khuynh khả chính dã, nguy khả an dã, phúc khả khởi dã, diệt bất khả phục thố dã. Hà vị tứ duy: Nhất viết lễ, nghị viết nghĩa, tam viết liêm, tứ viết sỉ. Lễ
bất khả du tiết, nghĩa bất khả tự tiến, liêm bất tế ác, sỉ bất tùng uổng. Cố bất
du tiết, tắc thượng vị an; bất tự tiến, tắc dân vô xảo trá; bất tế ác, tắc hành
tự toàn; bất tùng uổng, tắc tà sự bất sinh.
(Nước có bốn giềng, một giềng mất thì
nước nghiêng, hai giềng mất thì nước nguy, ba giềng mất thì nước đổ, bốn giếng
mất thì nước bị tuyệt diệt. Nghiêng thì có thể làm cho thẳng lại, nguy thì có
thể cho cho an, đổ thì có thể vực dậy được, bị tuyệt diệt thì không thể sửa chữa
được. Như thế nào là tứ duy: một là lễ, hai là nghĩa, ba là liêm, bốn là sỉ. Lễ
là không được vượt qua quy phạm lễ tiết cần phải giữ; nghĩa là không được vọng
động cầu tiến; liêm là không được che đậy cái ác, sỉ là không theo xu nịnh kẻ xấu.
Cho nên không vượt lễ tiết thì địa vị ngôi trên được ổn định; không vọng động tự
tiến thì dân không xảo trá; không che đậy cái ác thì hành vi được đoan chính,
không xu phụ kẻ xấu thì tà loạn không thể phát sinh.)
https://baike.baidu.com/item/%E5%9B%9B%E7%BB%B4/3518457
Chiết hạm
折檻: bẻ gãy lan can, ta thường dịch là "bẻ cột". Điển xuất từ trong “Hán
thư – Chu Vân truyện” 汉书 - 朱云传
Thời Thành Đế 成帝triều
Tây Hán, đại thần Trương Vũ 张禹từng là thầy dạy Thành Đế, nhậm
chức Thừa tướng, phong An Xương Hầu 安昌侯. Trương Vũ làm Thừa tướng được
6 năm, tuổi già thoái vị, Thành Đế rất tôn trọng ban cho hàm “Đặc tiến” 特进, trong triều có sự việc trọng đại vẫn mời ông thương nghị.
Trương Vũ lợi dụng quyền thế, mưu tư lợi. Bách quan dâng tấu vạch trần nhóm ngoại
thích chuyên quyền, Thành Đế hỏi Trương Vũ, Trương Vũ sợ liên luỵ, bèn nói tâu
rằng: “Các quan đều nói bậy, không nên tin.”
Có một viên quan nhỏ tên Chu Vân 朱云, không xu nịnh, dám nói thẳng, dâng thư xin triều kiến.
Trước mặt các đại thần, Chu Vân nói thằng:
-Nay nhiều đại thần trong triều, đối với trên không
hết lòng phò tá, đối với dưới không tạo phúc cho bách tính, chỉ biết hưởng bổng
lộc, lại còn khi trá bách tính. Xin bệ hạ ban cho thần thanh “Thượng phương bảo
kiếm” để thần chém lũ gian thần để cảnh giới các quan khác.
Thành Đế hỏi:
-Ai là gian thần?
Chu Vân chỉ thẳng vào “Đặc tiến”, nói rằng:
-Chính là An Xương Hầu Trương Vũ.
Thành Đế đại nộ nói rằng:
-Khanh chỉ là một viên quan nhỏ, dám phỉ báng đại thần,
lại còn vào triều nhục mạ thầy của trẫm, tội đáng xử tử, không thể tha thứ.
Quan Ngự sử tuân chỉ tiến lên bắt Chu Vân. Chu Vân
không chịu để cho bắt, hai tay nắm chặt lan can trước điện, ra sức vùng vẫy, cuối
cùng bẻ gãy lan can, nói rằng:
-Thần may mắn được nhập vào đội ngũ Long Bàng 龙逄, Tỉ Can 比干cùng dạo
chơi địa phủ, cũng đã thoả mãn trong lòng. Thần không ngờ triều Hán cai trị
thiên hạ lại có ngày như thế này?
(Long Bàng là trung thần của triều Hạ, nhân vì trực
gián mà bị Hạ Kiệt giết chết. Tỉ Can là tránh thần (bề tôi can gián) của triều
Thương, cũng vì trực gián mà bị Thương Trụ cho moi tim mổ bụng. Chu Vân tự cho
mình cũng như hai vị trung thần đó, khiến Thành Đế chấn động.)
Lúc bấy giờ Tả tướng quân Tân Khánh Kị 辛庆忌mạnh dạn bước ra, dập đầu nơi đan bệ can rằng:
-Chu Vân trước giờ luôn nói thẳng,
nếu ông ta nói đúng thì không thể giết, còn như nói không đúng thì cũng nên
khoan thứ. Thần xin lấy cái chết ra bảo đảm.
Tân Khánh Kị dập đầu đến chảy máu,
Thành Đế cảm động, liền xá miễn cho Chu Vân.
Sau sự kiện đó, triều đình sai người sửa
lại lan can, Hán Thành Đế nói rằng:
-Không nên thay cái mới, trẫm muốn
giữ lại nguyên trạng như thế để biểu dương bề tôi dám nói thẳng.
Người đời sau dùng “phan hạm” 攀槛, “chiết hạm” 折槛, “hạm chiết” 槛折để chỉ việc thẳng thắn can gián hoặc hình dung can gián kịch
liệt; dùng “Chu Vân tiết” 朱云节, “Chu Vân chiết hạm” 朱云折槛để ca tụng bề tôi dám dâng lời nói thằng.
https://baike.baidu.com/item/%E6%9C%B1%E4%BA%91%E6%8A%98%E6%A7%9B/5619809
Phi can
披肝: phơi gan. Trong “Sử kí – Hoài Âm
Hầu liệt truyện” 史记 - 淮阴侯列传của Tư Mã Thiên 司马迁 có đoạn:
臣愿披腹心, 输肝胆, 效愚计, 恐足下不能用也.
Thần nguyện phi phúc tâm, thâu can
đảm, hiệu ngu kế, khủng túc hạ bất năng dụng dã.
(Tôi nguyện phơi tim, phơi gan bày hết
mưu kế ngu muội, chỉ e là ngài không dùng mà thôi.)
Đời sau theo điển này có thành ngữ
“phi can lịch đảm” 披肝沥胆 (phơi gan trải mật) để ví hết lòng trung thành, hoặc thành
thực tương kiến.
https://baike.baidu.com/item/%E6%8A%AB%E8%82%9D%E6%B2%A5%E8%83%86/1478870
Trong bài “Hồ trường” được cho
là của Nguyễn Bá Trác (nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân cho là Nguyễn Bá Trác đã
dịch thoát từ một khúc ca của Trung Quốc) có dùng hai điển này:
Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế
phù cương thường,
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương
(Kẻ trượng phu sống mà không vạch gan, bẻ cột lo giềng
mối cho đời,
Rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu?)
(Theo Thi viện)
Lê nguyên 黎元: Tức bách tính, dân chúng. Điển xuất từ trong Xuân Thu phồn lộ 春秋繁露 của
Đổng Trọng Thư 董仲舒đời Hán:
Cứu
chi giả, tỉnh cung thất, khứ điêu văn, cử hiếu đễ, tuất lê nguyên.
救之者, 省宮室, 去雕文, 舉孝悌 恤黎元
(Cách để cứu giúp đó là giảm bớt cung thất, bỏ đi những chạm khắc rườm rà, tuyển chọn tiến cử những người hiếu đễ, chu cấp cho dân nghèo khổ)
Tạm dịch
XÉT CHUYỆN XƯA
Một nước mà bốn giềng vứt bỏ,
Thì bề tôi phải bẻ cột phơi
gan.
Có như thế, giang san mới được
bình trị,
Bách tính mới thoảt cảnh cơ
hàn.