Sáng tác: Canh lậu tử - Nguyệt tây di (HCH)

 

更漏子

月西移

更漏靜

秋節美香幽徑

花未掃

小螢飛

草廬霜霧披

東籬綠

黏黄菊

粉蝶羅浮往復

處知足

樂其中

安然乎始終

CANH LẬU TỬ

Nguyệt tây di

Canh lậu tĩnh

Thu tiết mĩ hương u kính

Hoa vị tảo

Tiểu huỳnh phi

Thảo lư sương vụ phi

Đông li lục

Niêm hoàng cúc

Phấn điệp La Phù vãng phục

Xử tri túc

Lạc kì trung

An nhiên hồ thuỷ chung

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 14/4/2025

Canh lậu tử 更漏子: từ bài danh, cũng có tên là “Phó kim thoa” 付金钗, “Độc ỷ lâu” 独倚楼, “Phiên thuý tụ” 翻翠袖. Điệu từ này lấy bài “Canh lậu tử - Ngọc lô hương” 更漏子 - 玉炉香 của Ôn Đình Quân 温庭筠làm chính thể, gồm song điệu 46 chữ, đoạn đầu 6 câu với 2 vần trắc, 2 vần bằng; đoạn sau 6 câu với 3 vần trắc 2 vần bằng. Ngoài ra còn có các biến thể khác.

Canh lậu 更漏: người thời Đường gọi đêm là “canh lậu”.

Hoa vị tảo 花未掃: mượn ý từ  hai câu trong bài “Khách chí” 客至 của Đỗ Phủ 杜甫:

花徑不曾緣客掃

蓬門今始爲君開

Hoa kính bất tằng duyên khách tảo

Bông môn kim thuỷ vị quân khai

(Lối hoa chưa từng vì ai mà quét,

Cửa bồng hôm nay vì anh mà mở)

Huỳnh : con đom đóm.

Phấn điệp 粉蝶: mượn từ điển “Trang Chu mộng điệp” 庄周梦蝶, xuất xứ từ “Trang Tử - Tề vật luận” 庄子 - 齐物论.

          昔者庄周梦为胡蝶, 栩栩然胡蝶也, 自喻适志与! 不知周也. 俄然觉, 則蘧蘧然周也. 不知周之梦为胡蝶与, 胡蝶之梦为周与? 周与胡蝶, 則必有分矣. 此之谓物化.

          Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp, hủ hủ nhiên hồ điệp dã, tự dụ thích chí dư! Bất tri Chu dã. Nga nhiên giáo, tắc cừ cừ nhiên Chu dã. Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư, hồ điệp chi mộng vi Chu dư? Chu dữ hồ điệp, tắc tất hữu phân hĩ. Thử chi vị vật hoá.

          (Ngày trước, Trang Chu nằm mộng thấy mình hoá thành con bướm, bướm sinh động đáng yêu, tự cảm thấy đắc ý vui thích, mà không biết bản thân mình vốn là Trang Chu. Đột nhiên thức giấc, kinh hoàng thấy rõ mình là Trang Chu. Không biết là Trang Chu nằm mộng biến thành con bướm, hay bướm nằm mộng biến thành Trang Chu. Trang Chu và bướm nhất định phải có sự khu biệt. Đây có thể gọi là vật hoá.)

https://www.gushiwen.cn/shiwenv_152c3b2ca31e.aspx

          Từ câu chuyện trên, thành ngữ Trung Quốc có câu “Trang Chu mộng điệp” 庄周梦蝶, thường được mượn để chỉ giấc mộng kì diệu, hoặc dùng để ví nhân sinh biến hoá vô thường.

La phù 羅浮: Truyền thuyết kể rằng, khoảng niên hiệu Khai Hoàng 開皇 nhà Tuỳ, Triệu Sư Hùng 趙師雄đến núi La Phù 羅浮gặp được một cô gái xinh đẹp, cả hai cùng uống rượu chuyện trò. Sư Hùng cảm thấy mùi thơm vây lấy cô gái, ngôn ngữ thanh lệ, bèn uống đến say. Lúc tỉnh dậy, thấy mình đang nằm dưới gốc cây mai lớn. Về sau người ta dùng “La Phù mộng” 羅浮夢 để chỉ hoa mai.

          “La Phù” 羅浮ở đây mượn chỉ giấc mộng.

Tri túc 知足: Điển xuất từ Đạo đức kinh 道德經 của Lão Tử 老子:

          Chương 44:

Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi

知足不辱, 知止不殆

(Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên dừng thì không nguy)

          Chương 45:

Hoạ mạc đại ư bất tri túc

禍莫大於不知足

(Không hoạ nào lớn bằng không biết thế nào là đủ)

          Trong bài “Chữ nhàn”, Nguyễn Công Trứ cũng đã viết:

知足便足, 待足何時足

知閒便閒, 待閒何時閒

Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc?

Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?

(Biết đủ thì là đủ, đợi cho đủ thì biết khi nào mới đủ?

Biết nhàn thì là nhàn, đợi được nhàn thì biết khi nào mới nhàn?)

Lạc kì trung 樂其中: niềm vui ở trong đó, xuất từ thành ngữ “Tri túc thường lạc” 知足常樂 (biết đủ thường vui).

An nhiên 安然: bình an vô sự.

Tạm dịch

Trăng chuyển dần về phía tây,

Đêm yên tĩnh.

Tiết thu về, lối đi nhỏ thêm đẹp thêm thơm.

Hoa rụng nơi lối đi vẫn chưa quét,

Đom đóm lập loè.

Gian nhà cỏ sương đêm bao phủ.

Bờ giậu phía đông xanh xanh,

Thêm sắc vàng hoa cúc.

Giấc mộng La Phu thường đến,

Biết  được đâu là đủ

Có niềm vui trong đó.

Trước sau luôn vô sự bình an.

Previous Post Next Post