Dịch thuật: Yểm hồ ki phục, thực vong Chu quốc

 

YỂM HỒ KI PHỤC, THỰC VONG CHU QUỐC

          Đây đại khái là câu đồng dao mang tính dự ngôn sớm nhất thời cổ Trung Quốc, nhân vì căn cứ vào sự xuất hiện của nó vào thời Tuyên Vương 宣王nhà Tây Chu. Mặc dù quyển sách ghi chép đồng dao này là “Quốc ngữ” 国语 thời Chiến Quốc ở mấy trăm năm sau, cách nay cũng đã hơn 2000 năm.

          Trịnh Hoàn Công 郑桓公là quốc quân nước Trịnh vào những năm cuối đời nhà Chu, đồng thời kiêm nhiệm chức Tư đồ 司徒của Chu thiên tử tức Chu U Vương 周幽王, ông có lẽ nhìn thấy sự suy yếu của vương triều Chu, liền hướng đến Sử Bá 史伯đề xuất vấn đề:

          “Vương triều Chu có lẽ là sắp mất rồi chăng?”

          Sử Bá 史伯là vị sử quan của nhà Chu, sử quan lúc bấy giờ kiêm luôn chức vu sư, cho nên Sử Bá không chỉ nắm giữ văn hiến sử tịch của vương triều Chu, mà còn phụ trách chiêm bốc sự vụ cát hung của quốc gia. Sử Bá cũng là người bi quan, ông đối với y cứ tự nhiên về hình thế bi quan có nhiều, như U Vương 幽王tin dùng sàm nịnh, sủng ái Bao Tự 褒姒, triều chính hôn loạn, mà nhận định triều Chu nhất định sắp mất, bài đồng dao này đã lưu truyền từ thời Chu Tuyên Vương.

          Chu Tuyên Vương là cha của Chu U Vương, lúc ông tại vị, từng khiến cho triều Chu sớm đã bước trên con đường gian nan được phấn chấn trở lại, cho nên sử xưng là “trung hưng”. Nhưng chính vào lúc Chu Tuyên Vương đông chinh tây thảo, thể hiện uy phong, trong nước của mình lại xuất hiện yêu ngôn:

          Yểm hồ ki phục, thực vong Chu quốc (“Quốc ngữ - Trịnh ngữ”)

          檿弧箕服, 实亡周国. (“国语 - 郑语”)

          “Yểm hồ” 檿弧chính là cây cung dùng trong săn bắn được làm từ gỗ dâu núi (sơn tang mộc 山桑木); còn “ki phục” 箕服 là túi đựng mũi tên được làm bằng gỗ ki. Chu Tuyên Vương cho người dò thám, quả nhiên phát hiện có một đôi vợ chồng đang bán hai thứ đó trong quốc đô, bèn hạ lệnh bắt giết. Hai vợ chồng này không biết đã nghe phong thanh từ đâu, liền đào thoát rời khỏi đô thành. Sự kiện xảy ra cũng khéo, Chu Tuyên Vương có một cung nữ, tuổi hãy còn nhỏ, chẳng biết sao lại có thai. Ngay lúc hai vợ chồng nọ đào vong, cung nữ này đã sinh ra một bé gái. Cung nữ không dám giữ đứa bé mà không minh bạch này lại trong cung, nhờ người đem bỏ đứa bé ngoài thành. Đôi vợ chồng đào vong nọ không có con, thấy đứa bé bị vứt bỏ, liền nhặt mang chạy theo đến nước Bao , đây là vùng Hán trung hiện nay.

          Người cung nữ chưa có chồng mà đã có mang rốt cuộc làm sao mà có thai được? Điều đó càng thêm li kì.

Sớm vào những năm cuối triều Hạ, trong vương cung xuất hiện hai con rồng, đó là tinh hồn của hai vị quốc quân nước Bao sau khi chết hoá thành. Hạ Vương sai vu sư chiêm bốc, xem thử nên giết hay đuổi đi, hoặc giả cho lưu lại trong cung. Vu sư bói cả nửa ngày, cũng không có kết quả, nên đành phải nghe sao làm nấy, để hai con rồng này tự quyết định đi hay ở. Hạ Vương lại đa sự, sai người thu thập nước dãi của rồng, đựng vào trong một chiếc hộp gỗ cất vào quốc khố. Qua mấy trăm năm, triều Thương chẳng có ai động vào, trải qua triều Chu mấy trăm năm, đến thời Chu Tuyên Vương, ông trời khởi động lòng hiếu kì của một người nào đó, cuối cùng chiếc hộp được mở ra. Nước dãi rồng mấy trăm năm trong hộp không những không khô mà lại còn thành tinh, tự bò từ trong hộp ra, bò đến trong sân rồi bất động. Mọi người đang rầu sao nó lại bò đi được, rốt cuộc nó biến thành một con giải chốc đầu, từ từ bò vào vương cung. Trong cung, một đứa bé gái khoảng bốn năm tuổi đạp phải con giải này, trong phút chốc không thấy con giải đâu. Lúc bấy giờ bé gái cũng chẳng có dấu hiệu gì, nhưng đến năm 15 tuổi, đột nhiên lại mang thai, thế là sinh ra bé gái này.

Nói về hai vợ chồng bán cung tên nọ dẫn bé gái đến nước Bao, qua nhiều, năm, bé trưởng thành xinh đẹp như hoa như ngọc, không ai sánh bằng. Lúc bấy giờ là thời Chu U Vương 周幽王. Nước Bao có người tên Bao Hu 褒姁 đắc tội với U Vương. U Vương muốn bắt trị tội, Bao Hu bèn đem cô gái làm lễ vật tặng cho U Vương. U Vương vừa trông thấy lập tức “tam thiên sủng ái tại nhất thân” 三千宠爱在一身 (1), đương nhiên tội của Bao Hu cũng được chuộc. Cô gái được sủng ái đó chăng phải là ai khác, mà chính là Bao Tự  褒姒 “phong hoả hí chư hầu, nhất tiếu khuynh tông Chu” 烽火戏诸候, 一笑傾宗周.

Như vậy, trách nhiệm Tây Chu bị diệt vong do U Vương hôn loạn lại chuyển đến bé gái bị bỏ rơi đáng thương. Nhưng căn cứ câu chuyện đó, triều Chu vong quốc là do thiên ý, hơn nữa vào cuối triều Hạ sớm đã bị ông trời chôn vùi gốc mầm.

Nhưng chúng ta cũng nên hỏi: Đô thành triều Hạ ở đâu? Vương cung triều Chu ở đâu? Từ cuối triều Hạ đến đời Chu Tuyên Vương, khoảng thời gian đó chí ít cũng đến 800 năm. Văn hiến hồ sơ của 800 năm trước đều không tồn tại, lẽ nào một chiếc hộp gỗ trân quý như thế, bị liệt tổ liệt tông của triều Thương dọn đi, cất giữ một cách cẩn thận? Nếu quả nó là trân quý, tại sao 800 năm trôi qua không có ai mở ra xem thử? Cho nên câu chuyện của Sử Bá cũng chỉ là một bộ “Phong thần diễn nghĩa” 封神演义mà thôi.

Chú của người dịch

1-Tam thiên sủng ái tại nhất thân 三千宠爱在一身: Sự sủng ái ba ngàn người đẹp chốn hậu cung nay dồn hết lên một thân nàng.

          Câu này trong bài “Trường hận ca” 长恨歌của Bạch Cư Dị 白居易.

Phụ lục của người dịch

          “Dao ngôn” 谣言 và “sấm ngữ” 谶语 đều là loại xưng hô của người xưa đối với những dự ngôn. Nếu lấy hình thức xuất hiện như dân gian dao 民间谣, ca , ngạn , thì gọi là “dao ngôn” 谣言; còn nếu những dự ngôn có lợi cho kẻ thống trị, nó sẽ thay đổi tên, hoặc là “sấm” mang tính chất trung tính; hoặc là “phù mệnh” 符命thẳng thắng minh bạch; nếu những dự ngôn không có lợi cho kẻ thống trị, đương nhiên sẽ gọi là “yêu ngôn” 妖言. Danh xưng tuy có khác nhau, nhưng tính chất dự ngôn của chúng không khu biệt, đều là những dự báo mang tính cảnh cáo của trời đối với nhân gian.

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 14/4/2025

Nguồn

TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI ĐÍCH DAO NGÔN DỮ SẤM NGỮ

中国古代的谣言与谶语

Tác giả: Loan Bảo Quần 栾保群

Nam Kinh: Giang Tô Phụng Hoàng văn nghệ xuất bản xã, 2018

 

Previous Post Next Post