Dịch thuật: Cái chết của phụ thân (Tư Mã Thiên)

 

CÁI CHẾT CỦA PHỤ THÂN 

          Hán Vũ Đế 汉武帝dẫn hết văn võ bách quan trong triều, trên đường đi phong thiện rầm rầm rộ rộ tiến phát.

          Tư Mã Đàm 司马谈là Thái sử lệnh 太史令, cũng tuỳ hành theo đội ngũ, đối với sự nhiệt thành “phong thiện” của Vũ Đế, thái độ ông là im lặng. Một số công việc chuẩn bị rườm rà, ông cảm thấy hoang đường.

          Một số người đều muốn thông qua sự việc “phong thiện” mà Hán Vũ Đế vô cùng hứng thú đã hết lòng nịnh bợ lấy lòng Vũ Đế. Đối với Tư Mã Đàm rất hiểu về lịch sử, trong lòng ông biết rất rõ “phong thiện” là việc phải như thế nào. Trong quan niệm của ông, “phong thiện” là một nghi thức thần thánh trang nghiêm mà hoàng đế hướng đến trời báo cáo tình hình cai trị của mình. Chỉ có bậc quân chủ thánh hiền không hổ thẹn với trời đất mới có tư cách cử hành “phong thiện”. Nếu như Vũ Đế từ giác độ thi chính ái dân để tiến hành hoạt động “phong thiện” thì ông cho rằng đó là việc làm có ý nghĩa, nhưng xuất phát điểm của Vũ Đế lại không phải như thế.

          Để đạt được mục đích trường sinh bất lão, Vũ Đế đã cử hành một cách đại quy mô nghi thức “phong thiện” , căn bản chính là đem đại điểm trang nghiêm thần thánh trong truyền thuyết cổ đại biến thành một trò đùa mê tín hoang đường.

          Tư Mã Đàm không thể chịu đựng được, trong lòng cảm thấy buồn bực. Nếu không can gián hoàng thượng, ông cho rằng mình đã không làm tròn chức trách. Nhưng hoàng thượng đối với sự việc đã coi trọng như thế, làm sao có thể nghe lời ông? Lòng ông tràn đầy mâu thuẫn, không biết bày tỏ ý kiến của mình như thế nào.

          Đội ngũ “phong thiện” đã xuất phát, Tư Mã Đàm rốt cuộc nhẫn không được, nửa đường trong một lần bàn luận tình tiết tế tự, ông đã trực ngôn không kiêng huý trình bày ý kiến của mình. Từ đó đã dẫn đến một trận tranh chấp kịch liệt. Tư Mã Đàm trước sau vẫn kiên trì cho ý kiến mình là đúng. Các đạo sĩ và một nhóm đại thần không có cách nào nói tốt ý kiến của mình, nên đã hướng đến Vũ Đế báo cáo, nói rằng Tư Mã Đàm đối với việc “phong thiện” đã có dị nghị.

          Vũ Đế nghe qua, cảm thấy Tư Mã Đàm trước đây đã lạnh nhạt với “phong thiện”, hiện đại đội nhân mã đều đã lên đường, mà còn nói này nói nọ, vì thế đột nhiên đại nộ, lệnh Tư Mã Đàm lưu lại Lạc Dương 洛阳để suy nghĩ lỗi lầm, không cho đi theo “phong thiện”.

          Đại điển mà quốc gia cử hành phải là long trọng, Tư Mã Đàm thân là Thái sử lệnh, ý kiến nêu ra lại không được hoàng thượng tiếp nhận, cũng không được tuỳ hành để ghi chép tình hình, đây quả là một sự sỉ nhục và miệt thị. Nghĩ đến đó, tâm tình bi phẫn của Tư Mã Đàm không có cách nào bình lặng được, miệng ông đã thổ huyết, rồi ngã lăn ra đất hôn mê, bệnh nặng không trở dậy được.

          Vũ Đế dẫn đại đội nhân mã ngày hôm sau rời Lạc Dương, tiếp tục tiến về phía đông, để Tư Mã Đàm một thân trơ trọi trên giường bệnh ở Lạc Dương, tiến hay thoái đều không thể. Tư Mã Đàm mong Tư Mã Thiên mau đến, theo cùng đội ngũ của hoàng thượng, như thế hai cha con, chi ít cũng có người tận mắt thấy được nghi thức “phong thiện”, đồng thời ghi chép lại.

          Tư Mã Thiên đã hoàn thành nhiệm vụ đi sứ phía tây nam, lúc này cũng đang gấp rút trở về để báo cáo tình hình lên Vũ Đế. Từ dịch trạm ông được tin Vũ Đế đã đi đến Thái sơn 泰山, liền đi thẳng đến Lạc Dương, đây là nơi mà Vũ Đế nhất định phải đi qua, nhưng không ngờ đã chậm một bước, ông đến Lạc Dương đã không đuổi theo kịp đội ngũ “phong thiện” của Vũ Đế, nhưng lại phát hiện phụ thân đang ở nơi đây, không theo ngự giá mà bệnh tình lại rất nặng…..

                                                                   (còn tiếp)

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 03/4/2025

Nguồn

TƯ MÃ THIÊN

司马迁

 Tác giả: Đặng Tương Tử 邓湘子

Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.

 

Previous Post Next Post