Sáng tác: Nguyễn Trãi - Trí chủ "Quân trung từ mệnh" (HCH)

阮廌

致主軍中詞命

藍山薪膽可當

平吳古今得譽

心上奎藻文章

 NGUYỄN TRÃI

Trí chủ “Quân trung từ mệnh”

Lam Sơn tân đảm khả đương.

“Bình Ngô” cổ kim đắc dự,

Tâm thượng khuê tảo văn chương.

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 26/3/2025

Nguyễn Trãi 阮廌 (1380 – 1442): hiệu Ức Trai 抑齋, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Nguyến Trãi là nhà chính trị, nhà văn, nhà văn hoá lớn của Việt Nam. Ông tham gia tích cực cuộc khởi Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của quân Minh. Nguyễn Trãi được xem là một trong nhưng khai quốc công thần của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam.

Trí chủ 致主: cũng nói là “trí quân” 致君tức hết lòng giúp chủ, hết lòng phò chúa. Trong bài “Cảm hoài” 感懷của Đặng Dung 鄧容 (1373 – 1414) nhà Hậu Trần (Việt Nam) có câu:

Trí chủ hữu hoài phù địa trục,

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.

致主有懷扶地軸

洗兵無路挽天河

(Hết lòng giúp chúa, có hoài bão muốn xoay trục trái đất,

Muốn rửa sạch giáp binh, nhưng không có lối kéo sông ngân.)

Quân trung từ mệnh 軍中詞命: tức “Quân trung từ mệnh tập” 軍中詞命集, tập hợp các văn kiện lịch sử,  binh vận, ngoại giao bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi soạn theo sự uỷ thác và trên danh nghĩa Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1428). 

Tân đảm 薪膽: tức “ngoạ tân thường đảm” 臥薪嚐膽 nằm gai nếm mật. Thành ngữ Ngoạ tân thường đảm dùng để ví một người chịu khổ sở vất vả để phục thù hoặc lập chí tiến thân.

Năm 496 trước công nguyên, Ngô vương Hạp Lư 闔閭 đem binh đánh nước Việt, nhưng bị nước Việt đánh bại. Hạp Lư bị trọng thương rồi mất. Phù Sai 夫差 lên kế vị. Câu Tiễn 勾踐 nước Việt nghe tin nước Ngô xây dựng thuỷ quân, nên đem quân đánh, không nghe lời khuyên của Phạm Lãi 范蠡. Kết quả bị quân Ngô bao vây. Phù Sai bắt Câu Tiễn, Phạm Lãi dâng kế đầu hàng. Phù Sai bỏ qua lời can của Ngũ Tử Tư 伍子胥 không giết Câu Tiễn. Qua 3 năm chịu khổ nhục cuối cùng Câu Tiễn được tha về. Để nhớ lại mối nhục ấy, Câu Tiễn cho treo trong nhà túi mật, hàng ngày nếm vị đắng của nó và khi ngủ  nằm trên củi. Dân nước Việt đều đồng lòng, nước Việt đã dần mạnh lên. Một lần, Phù Sai đem một bộ phận lớn binh lực phó hội, yêu cầu Câu Tiễn đem binh đến để trợ uy. Câu Tiễn thấy thời cơ đã đến, dẫn 3000 quân chiếm lấy thành, giết thái tử nước Ngô, diệt được Ngô vương Phù Sai

          Nguồn http://baike.baidu.com/view/35626.htm

Bình Ngô 平吳: tức “Bình Ngô đại cáo”  平吳大誥được viết bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi soạn vào năm 1428, thay Bình Định Vương Lê Lợi tuyên cáo việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, khẳng định quyền độc lập và tự chủ của Đại Việt ta. Tác phẩm không những mang ý nghĩa chính trị và lịch sử mà còn có giá trị về văn học, được ca ngợi là “thiên cổ hùng văn”.

Dự : khen ngợi.

Tâm thượng khuê tảo văn chương 心上奎藻文章: điển xuất từ câu:

Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo.

抑齋心上光奎藻

(Trong lòng Ức Trai toả sáng văn chương)

trong bài “Quân minh thần lương” 君明臣良 (vua sáng tôi hiền) của Lê Thánh Tông.

          Khuê : sao khuê, một ngôi sao trong nhị thập bát tú. Sao khuê chủ về văn hoá, nên văn vận, văn chương hay dùng chữ “khuê”.

          Tảo : rong, một loại thực vật mọc dưới nước có văn vẻ đẹp, người xưa thường thêu hình “tảo” trên mũ áo trang sức cho đẹp.

          Khuê tảo 奎藻: chỉ văn chương hoa mĩ, tươi đẹp, cũng được dùng để chỉ thi văn thư hoạ của đế vương.

          Về câu “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” ngoài chỉ văn chương của Nguyễn Trãi ra, có lẽ Lê Thánh Tông cũng muốn nói đến tài năng văn chương của Nguyến Trãi khi Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi soạn “Quân trung từ mệnh tập” trong thời gian kháng chiến.

  

Previous Post Next Post