Dịch thuật: Khổng Miếu

 

KHỔNG MIẾU

          Khổng Miếu 孔庙là ngôi miếu mà đế vương các đời ở Trung Quốc tế tự Khổng Tử 孔子.

Từ đời Hán về sau, đế vương các đời đa phần đều tôn sùng Nho học, triều đình đã sắc lệnh tại kinh thành và các châu huyện kiến lập Khổng Miếu. Khổng Miếu hiện tồn tại quê hương Khổng Tử (Khúc Phụ 曲阜 Sơn Đông 山东) là sớm nhất, lớn nhất.

Khổng Tử qua đời, vào năm sau tức năm thứ 17 đời Lỗ Ai Công 鲁哀公(năm 478 trước công nguyên) lập miếu trên nền nhà cũ của Khổng Tử. Năm Vĩnh Hưng 永兴 nguyên niên thời Đông Hán (năm 153), chính thức lập Khổng miếu mang tính chất quốc gia. Trải qua các đời tăng gia tu sửa, đến giữa thời Minh đã mở rộng quy mô như hiện nay. Miếu toạ lạc chếch về phía tây trong thành Khúc Phụ hiện nay, chiếm diện tích khoảng 10 vạn m2, với 466 gian điện đường. Kiến trúc chủ yếu có bi đình 碑亭 (nhà bia) của hai triều Kim và Nguyên, Khuê Văn Các 奎文阁xây vào đời Minh và Đại Thành Điện 大成殿trùng tu vào đời Thanh. Hạnh đàn 杏坛 trước Đại Thành Điện, tương truyền là nơi Khổng Tử dạy học. Khổng Miếu là một quần thể kiến trúc  cổ đại khí thế hùng vĩ, mang nét đặc sắc kiến trúc phương đông với quy mô to lớn, cũng là một bảo tàng tổng hợp điển hình thu tập các loại hình nghệ thuật như điêu khắc kiến trúc, hội hoạ, thư pháp của Trung Quốc. Khổng Miếu là đơn vị văn vật trọng điểm của cả nước được bảo hộ, cũng gọi là Văn Miếu 文庙.

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 05/3/2025

Nguồn

TRUNG HOA TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ

GIẢN MINH TỪ ĐIỂN

中华传统文化

简明词典

Chủ biên: Lí Hành KIện 李行健

Bắc Kinh: Trung Quốc đại bách khoa toàn thư xuất bản xã, 2021

Previous Post Next Post