Dịch thuật: Thế nào là "lộng chương" và "lộng ngoã"

 

THẾ NÀO LÀ “LỘNG CHƯƠNG” VÀ “LỘNG NGOÔ

          Trước đây, nhà ai sinh cháu bé, hàng xóm bạn bè đều đến chúc mừng. Có hai phương thức chúc mừng:

-Một là miệng nói chúc mừng, sau đó tặng bao lì xì, nói một cách  hoa mĩ là “đả hỉ nhi” 打喜儿.

-Hai là tặng bức trướng đỏ, nếu sinh bé trai, trên bức trước sẽ viết “Lộng chương chi hỉ” 弄璋之喜; nếu là bé gái, trên bức trướng sẽ viết “Lộng ngoã chi hỉ” 弄瓦之喜.

“Lộng chương” 弄璋là chỉ con trai, “lộng ngoã” 弄瓦là chỉ con gái. Sinh con sao lại là “lộng chương” “lộng ngoã”?

Hoá ra là hai từ đó có xuất xứ từ “Thi kinh – Tiểu nhã – Tư can” 诗經 - 小雅 - 斯干:  

Nãi sinh nam tử

Tái tẩm chi sàng

Tái ý chi thường

Tái lộng chi chương

乃生男子

载寝之床

载衣之裳

载弄之璋

(Nếu sinh con trai

Thì cho nằm ngủ trên giường có chạm trỗ

Thì mặc cho quần áo đẹp

Thì cho chơi đùa với ngọc)

          “Chương” là một loại ngọc thời cổ. “Lộng chương” 弄璋chính là cho đứa trẻ chơi đùa với ngọc.

          Đoạn tiếp theo là:

Nãi sinh nữ tử

Tái tẩm chi địa

Tái ý chi tích

Tái lộng chi ngoã

乃生女子

载寝之地

载衣之裼

载弄之瓦

(Nếu sinh con gái

Thì cho nằm ngủ trên đất

Thì bọc cho tấm tã

Thì cho chơi với viên ngói dùng trong khi dệt)

          “Ngoã” ở đây không phải là viên ngói chúng ta dùng để lợp mái nhà, mà nó là viên ngói nhỏ mà phụ nữ dùng trong lúc dệt vải, cũng gọi là “phưởng truy” 纺錘.

          Cho bé gái chơi đùa với “phưởng truy” ý nghĩa là sau khi bé trưởng thành sẽ làm tốt nữ công. Xã hội thời cổ là xã hội nông canh, rất chú trọng “nam canh nữ chức” 男耕女织.

          Sinh bé trai, đặt bé trên giường, mặc cho quần áo đẹp, tay bé cho cầm ngọc. Sinh bé gái, đặt bé trên mặt đất, tay bé cho cầm viên ngói. “Lộng chương” 弄璋 “lộng ngoã” 弄瓦là sự thể hiện nam sự trọng nam khinh nữ điển hình trong xã hội phong kiến.

          Cách nói trọng nam khinh nữ này, từ sau phong trào tân văn hoá đã gặp phải sự phê phán của mọi người. Trong xã hội hiện đại, chú trọng nam nữ bình đẳng, sinh bé trai hay bé gái đều như nhau, không có sự phân biệt cao sang hay thấp hèn, cho nên không còn cách nói “lộng chương” “lộng ngoã” nữa.

          Nhưng, thỉnh thoảng chúng ta cũng có khi gặp phải trường hợp ai đó chúc mừng nhà bạn bè có thêm người, đã có dùng “Lộng chương chi hỉ” 弄璋之喜hoặc “Lộng ngoã chi hỉ” 弄瓦之喜. Người hiện đại sử dùng cách nói này thì chỉ là mang ý nghĩa cung kính chúc mừng mà thôi, không hẳn có ý trọng nam khinh nữ.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 20/01/2025

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH XƯNG HÔ

中国人的称呼

Biên soạn: Lưu Nhất Đạt 刘一达

Tranh vẽ: Mã Hải Phương 马海方

Bắc Kinh: Trung dịch xuất bản xã, 2022

Previous Post Next Post