LỖ CUNG
Lỗ Cung 鲁恭 (năm 32 – năm 112), tự Trọng Khang 仲康. Tể tướng triều Hoà Đế 和帝, An Đế 安帝 nhà Đông Hán, một trong những hiền tướng. Ông bệnh và qua đời, hưởng niên 81 tuổi.
Lỗ Cung 鲁恭, người Bình Lăng 平陵Phù Phong 扶风 (nay là phía tây bắc thành phố Tây An 西安Thiểm Tây 陕西). Phụ thân là Thái thú Vũ Lăng 武陵vào những năm đầu
thời Quang Vũ Đế 光武帝, bệnh mất lúc đương chức. Lỗ Cung lúc còn nhỏ
sau khi mất cha, đã cùng mẹ và em trai Lỗ Phi 鲁丕 cư trú ở nhà Thái
học 太学, nhiều năm đóng cửa nghiên cứu “Lỗ thi” 鲁诗. Sau khi học thành, ông được các Nho sinh xưng tụng, nhiều người
tranh nhau đến bái ông làm thầy. Lỗ Cung rất có chí khí, nhân cùng chí bất
cùng. Thái uý Triệu Hi 赵熹nghe tiếng ông, biết
ông nghèo, hằng năm đều sai người đến tặng cho lương thực cùng rượu, ông đều
khéo léo từ chối. Đối với em trai, ông cũng rất thương yêu. Để quan tâm em
trai, ông luôn mượn cớ có bệnh từ chối đi làm quan. Về sau dưới mệnh lệnh của mẹ,
ông mới đến Tân Phong 新丰làm giáo thụ Kinh
học 經学, rồi chuyển sang làm Quận lại 郡吏. Về sau dưới sự tiến cử của Triệu Hi, ông ra nhậm chức Huyện lệnh
huyện Trung Mâu 中牟.
Lỗ Cung trị lí địa
phương không dùng hình phạt để áp chế, mà lấy việc giáo hoá để thu phục. Có một
người tên Hứa Bá 许伯, vì ranh giới ruộng đất mà tranh tụng nhiều
năm với người khác, trải các đời Huyện lệnh đều không có cách giải quyết. Sau
khi Lỗ Cung đến nhậm chức, ông cho gọi nhóm Hứa Bá đến dùng lời lẽ khuyên can,
dựa theo lí mà thuyết phục, khiến họ vui lòng cảm phục ngừng việc kiện tụng, đồng
thời cùng nhường nhịn nhau, đối xử một cách hoà mục. Có một vị Đình trưởng kiếm
cơ mượn trâu của người khác mà không trả, chủ nhân của trâu đi kiện, Lỗ Cung
hai ba lần lệnh cho Đình trưởng đem trả, Đình trưởng vẫn không quan tâm. Lỗ
Cung than rằng:
-Là ta không
giáo dục tốt mọi người.
Ông chuẩn bị từ quan ra đi. Bọn Duyện lại 掾吏thủ hạ đều khóc lóc níu kéo lại, Đình trưởng cũng vô cùng xấu hổ,
lập tức đem trâu đi trả, lại còn chủ động báo án, cam chịu phạt tội. Lỗ Cung
khoan thứ, tha cho về nhà.
Một năm nọ, cả
vùng Hà Nam 河南bị nạn châu chấu, chỉ có mùa màng ở huyện
Trung Mâu là không bị. Hà Nam doãn là Viên An 袁安nghi ngờ Lỗ Cung
báo cáo không thực, liền sai người đi xem xét. Lỗ Cung theo cùng người đó đi tuần
thị ruộng đồng, quả nhiên người đó thấy mùa màng tươi tốt, không bị tai hoạ. Lỗ
Cung đi đường mệt, ngồi nghỉ dưới gốc cây, có một con gà rừng bay đến, đậu lại
bên cạnh Lỗ Cung, có đứa bé đang chơi đùa bêb cạnh. Người đó đến hỏi đứa bé;
-Sao không
nhanh chóng bắt nó lại?
Đứa bé đáp rằng:
-Con gà rừng
đó sắp sinh con, không nên bắt nó.
Người nọ nghe qua, lập tức đứng lên chuyển người hướng đến Lỗ
Cung hành lễ, nói rằng:
-Ngài giáo hoa
bách tính lòng nhân được như thế, ngay cả đứa trẻ đối với chim chóc cũng có
lòng nhân, quả là ân đức đến cả cầm thú, hèn nào quý huyện không bị tai hoạ.
Viên An sau khi
nghe qua, liền đem sự việc đó tâu lên Chương Đế 章帝, Chương Đế cũng rất
tán thưởng chính tích của Lỗ Cung. Ba năm sau triệu ông làm Thị ngự sử 侍御史.
Sau khi Hoà Đế 和帝 lên ngôi, Lỗ Cung trước sau nhậm các chức vụ Bác sĩ 博士, Thị trung 侍中, Lạc An tướng 乐安相, Nghị lang 议郎, Quang lộc huân 光禄勛. Thời gian này, ông từng ổn định trật tự xã hội vùng Lạc An 乐安, chủ trì việc tuyển chọn nhân tài. Đầu năm 102, ông được bái
làm Tư đồ 司徒, tiếp thế cho Lữ Cái 呂盖làm Tể tướng 宰相. Ba năm sau, vì có liên luỵ với người em họ là Hoằng nông Đô uý
Lỗ Bính 弘农都尉鲁炳, nên bị miễn chức Tướng.
Sau khi Thương Đế
殇帝lên ngôi, Lỗ Cung được khởi dụng làm Trường Lạc Vệ uý 长乐卫尉.
Năm 107, An Đế 安帝lên ngôi, Lỗ Cung lại được bái làm Tư đồ. Thời gian nhậm chức Tướng,
ông từng dâng tấu xin khoan nhẹ hình phạt, đơn giản pháp luật, đồng thời ra sức
tuyển chọn nhân tài. Liệt khanh và Quận thú mà ông tiến cử và nhậm dụng đông đến
mấy chục người. Có một số con em danh môn đại tộc không được ông tiến cử đã oán
hận, ông nói với bọn họ:
-Điều mà tôi
lo chính là các anh học mà không tập. Nếu sau khi học mà thêm nghiên cứu luyện
tập, xác định có tài thực học, thì tự có Hương cử tiến cử các anh, hà tất nhất
định phải đợi Tam công đến mời các anh?
Năm 109, Lỗ Cung vì tuổi già nhiều bệnh được miễn chức Tướng. Ba năm sau, ông bệnh và qua đời tại nhà.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 07/01/2025
Nguyên tác Trung văn
LỖ CUNG
鲁恭
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ
TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm
Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất
bản xã, 1999