Dịch thuật: Lễ là hạt nhân của văn hoá truyền thống Trung Quốc

LỄ LÀ HẠT NHÂN CỦA VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG

TRUNG QUỐC 

          Trung Quốc là đất nước của lễ nghi (lễ nghi chi bang 礼仪之邦), văn hoá cổ đại là văn hoá lễ nhạc, cho nên, “lễ” là một chương không thể tách rời trong văn hoá truyền thống. Thế thì, “lễ” rốt cuộc là gì?

          Xem hết những cổ tịch Trung Quốc, đọc đến “lễ”, hàm nghĩa của nó thiên tư vạn thái, nội dung của nó bao la vạn tượng, nói một cách khái quát, chủ yếu bao gồm nội dung của một số phương diện như sau.

“Lễ” là tiêu chí khu biệt giữa con người và thú vật

          Con người là loại động vật linh trưởng, có tính chung với động vật, những cũng có sự khu biệt rất lớn. Sự khu biệt đó rốt cuộc ở chỗ nào?

          Trong “Lễ kí – Quán nghĩa” 礼记 - 冠义 có nói:

Phàm nhân chi sở dĩ nhân giả, lễ nghĩa dã. (1)

凡人之所以人者, 礼义也

(Phàm con người sở dĩ là con người đó là do có lễ nghĩa)

          Trong “Lễ kí – Khúc lễ” 礼记 - 曲礼cũng có nói:

          Anh vũ năng ngôn, bất li phi điểu, tinh tinh năng ngôn, bất li cầm thú. Kim nhân nhi vô lễ, tuy năng ngôn, bất diệc cầm thú chi tâm hồ? Phù duy cầm thú vô lễ, cố phu tử tụ ưu. Thị cố thánh nhân tác, vi lễ dĩ giáo nhân, tri tự biệt vu cầm thú. (2)

          鹦鹉能言, 不离飞鸟, 猩猩能言, 不离禽兽. 今人而无礼, 虽能言, 不亦禽兽之心乎? 夫唯禽兽无礼, 故夫子聚麀. 是故圣人作, 为礼以教民, 知自別于禽兽.

          (Chim két tuy có thể nói, nhưng vẫn không thể rời xa loài phi điểu; tinh tinh có thể nói, những vẫn không thể rời xa loài cầm thú. Nay con người mà không có lễ nghĩa, tuy có thể nói năng, nhưng cũng chẳng phải có lòng cầm thú hay sao? Phàm chỉ có loài cầm thú không có lễ nghĩa, nên cha con loạn dâm. Vì thế bậc thánh nhân hưng khởi, chế định lễ pháp để giáo hoá con người, (khiến con người có lễ) biết được mình khác với loài cầm thú.)

          Người xưa cho rằng, sự khu biệt giữa con người với loài cầm thú không phải ở chỗ biết nói hay không biết nói, mà là ở chỗ hiểu được “lễ”. Động vật không có “lễ”, cho nên cha con chung một phối ngẫu. Con người thì không như thế, con người hiểu được đạo lí cùng một họ không thể thông hôn, chế định ra lễ nghi hôn nhân giá thú, cho nên, trong sự tiến hoá không ngừng của nhân loại đã rời xa loài cầm thú.

Lễ là phép tắc tự nhiên tối cao

          Trong “Lễ vận” 礼运  có nói:

Phù lễ tất bổn vu thiên, động nhi chi địa, liệt nhi chi sự, biến nhi tùng sự, hiệp vu phân nghệ. (3)

夫礼必本于天, 动而之地, 列而之事, 变而从, 协于分艺.

(Phàm lễ tất gốc ở trời, động dụng khắp mặt đất, phân đến mọi việc, biến hoá theo bốn mùa, hiệp với các nghề)

Trong “Tả truyện – Chiêu Công nhị thập ngũ niên” 左传 - 昭公二十五có chép đoạn đối thoại giữa Triệu Giản Tử 赵简子 và Tử Thái Thúc 太叔:

Phù lễ, thiên chi kinh dã, địa chi nghĩa dã, dân chi hành dã.

夫礼, 天之經也, 地之义也, 民之行也.

(Phàm lễ là quy phạm của trời, chuẩn tắc của đất, là chỗ dựa để hành động của dân)

          Những câu trên đều nói rõ “lễ” là mô phỏng theo phép tắc tự nhiên mà chế định ra, cho nên là “thượng hạ chi kỉ, thiên địa chi kinh vĩ” 上下之纪, 天地之經纬.

Lễ là phương pháp và là căn bản của việc trị quốc

          “Lễ” ở các dân tộc khác trên thế giới nói chung chỉ lễ mạo, lễ tiết, nhưng ở Trung Quốc lại dùng trong việc trị quốc, có thể nói đó là điểm đặc sắc lớn trong văn hoá truyền thống Trung Quốc. Trong “Tả truyện - Ẩn Công thập ngũ niên” 左传 - 隐公十 có nói:

Lễ, kinh quốc gia, định xã tắc, tự dân nhân, lợi hậu tự giả dã. (4)

, 經国家, 定社稷, 序民人, 利后嗣者也.

(Lễ là để trị lí quốc gia, ổn định xã tắc, khiến nhân dân được thứ tự, có lợi cho đời sau) 

          Trong “Quốc ngữ - Tấn ngữ” 国语 - 晋语cũng có nói:

Phù lễ, quốc chi kỉ dã, quốc vô kỉ bất khả dĩ chung.

夫礼, 国之纪也, 国无纪不可以终.

(Phàm lễ là kỉ cương của đất nước, nước mà không có kỉ cương thì không thể được trọn vẹn)

Từ đó có thể thấy, trong mắt người xưa, trong việc an bang định quốc, lễ có tác dụng mang tính cương lĩnh.

Lễ là thông danh của pháp độ

          Văn nhân Kỉ Hiểu Lam 纪晓嵐đời Thanh có nói:

Cái lễ giả lí dã, kì nghĩa chí đại, kì sở bao giả chí quảng.

盖礼者理也, 其义至大, 其所包者至广.

(Lễ là lí vậy, nghĩa của nó cực lớn, những thứ mà nó chứa đựng rất rộng)

          Pháp luật của quốc gia, tất cả như lễ nghi pháp thậm chí cả hành chính pháp đều có thể gọi chung là “lễ”. Trung Quốc cổ đại, cả trung ương và địa phương, thượng cấp và hạ cấp, cùng với những nguyên tắc xử lí các mối quan hệ đều dùng hình thức của “lễ” để thể hiện.

Lễ là chuẩn tắc của các hoạt động xã hội

          Thời Tiên Tần, học giả cho rằng hoạt động của con người cần phải phù hợp với yêu cầu của “đức” , tức thể hiện yêu cầu nhân, nghĩa, văn, hạnh, trung, tín. Vì thế học giả chế định ra những quy phạm về hành vi, như hôn lễ cần phải cử hành như thế nào, tang phục phải như thế nào, đối với cha mẹ phải thờ kính như thế nào, đối với thầy phải tôn kính như thế nào ….. Những quy phạm hành vi này cũng được gọi là “lễ”, “lễ” trở thành thước đo những hoạt động xã hội.

Lễ là phương thức giao tiếp của người với người

          Trong sự giao tiếp giữa người với người, đối với những người ta cần phải có thái độ như thế nào, phương thức, cùng với ngôn ngữ cử chỉ biểu hiện như thế nào khi tụ tập, ở trạng thái không gặp mặt, biểu đạt tình cảm như thế nào, thái độ ….. những điều này đều thuộc về phạm vi mà “lễ” quy định. Nếu hành vi hợp với quy định thì sẽ tạo ấn tượng có giáo dục với người khác, ngược lại người ta có thể chê trách. “Lễ” đó là một khái niệm ngày nay vẫn như xưa thể hiện vô cùng rộng.

          Hàm nghĩa của “lễ” phong phú, rộng rãi như thế, cơ hồ luôn tồn tại, mọi việc đều tồn tại “lễ”. Vị học giả về lễ nối tiếng đã mất là Tiền Huyền 钱玄(5) có nói, phạm vi của “lễ” rộng, so với khái niệm “văn hoá” ngày nay, thì không có gì mà không có. Đại sư sử học nổi tiếng Tiền Mục 钱穆 cũng có nói:

          -Muốn hiểu văn hoá Trung Quốc, cần phải đứng nơi thật cao để nhìn thấy được “tâm” của Trung Quốc. Tư tưởng hạt nhân của Trung Quốc chính là “lễ”.

Chú của người dịch

1- Theo“Lễ kí dịch giải” 禮記譯解của Vương Văn Cẩm 王文錦, câu này thiếu chữ (vi).

Phàm nhân chi sở dĩ vi nhân giả, lễ nghĩa dã.

凡人之所以人, 禮義也.

2-Đoạn này cũng khác so với “Lễ kí dịch giải” 禮記譯解

Anh vũ năng ngôn, bất li phi điểu, tinh tinh năng ngôn, bất li cầm thú. Kim nhân nhi vô lễ, tuy năng ngôn, bất diệc cầm thú chi tâm hồ? Phù duy cầm thú vô lễ, cố phụ tử tụ ưu. Thị thánh nhân tác, vi lễ dĩ giáo nhân, sử nhân dĩ hữu lễ, tri tự biệt ư cầm thú.

鸚鵡能言, 不離飛鳥, 猩猩能言, 不離禽獸. 今人而無禮, 虽能言, 不亦禽獸之心乎? 夫唯禽獸無禮, 故父子聚麀. 聖人作, 爲禮以教民, 使人以有禮,知自別于禽獸.

3-Và đoạn này cũng khác so với“Lễ kí dịch giải” 禮記譯解

Phù lễ tất bổn ư thiên, động nhi chi địa, liệt nhi chi sự, biến nhi tùng thời, hiệp ư phân nghệ.

夫禮必本於天, 動而之地, 列而之事, 變而從, 協於分藝.

4-Câu này trong nguyên tác in nhầm là “Ẩn Công năm thứ 15” (Ẩn Công thập ngũ niên 隐公十五年

5-Tiền Huyền 钱玄ở đây không biết là Trịnh Huyền hay Tiền Huyền Đồng.

          Trịnh Huyền 郑玄(127 – 200) tự Khang Thành 康成, đại sư về Kinh Dịch, tinh thông ngũ hành. Ông người Cao Mật 高密 Bắc Hải 北海thời Đông Hán.

Tiền Huyền Đồng 钱玄同 (1887 – 1939), văn học lí luận gia nổi tiếng. Ông vốn tên là Tiền Hạ 钱夏, tự Đức Tiềm 德潜, hiệu Nghi Cổ 疑古, Dật Cốc 逸谷, đêm trước phong trào Ngũ tứ, ông đổi tên là Huyền Đồng 玄同, người Ngô Hưng 吴兴, Chiết Giang 浙江.

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 13/01/2025

Nguồn

LỄ NGHI VĂN HOÁ THẬP GIẢNG

礼仪文化十讲

Tác giả: La Thê 罗栖

Bắc Kinh: Đương đại thế giới xất bản xã, 2018 

Previous Post Next Post