Dịch thuật: Có phải Trương Phi lỗ mãng, không biết chữ

 

CÓ PHẢI TRƯƠNG PHI LỖ MÃNG, KHÔNG BIẾT CHỮ

Trương Phi 张飞là một trong ngũ hổ thượng tướng của Thục, trong “Tam quốc diễn nghĩa” 三国演义miêu tả ông “đầu beo mắt lồi, hàm én râu cọp”, có sức mạnh vạn người không địch lại, ở trận Đương Dương Trường Phản 当阳长坂 (1), ông hét lên một tiếng mà làm thoái lui cả mười vạn quân Tào. Con người ông lỗ mãng cộc cằn, trong “Tam quốc diễn nghĩa” nhiều chỗ có ghi chép. Trong “Tam quốc chí bình thoại” 三国志评话lại càng nói ông không chỉ tuỳ tiện giết người, mà còn đánh chết con của Viên Thuật 袁术. Trong hí kịch, Trương Phi đầu đen mặt vằn, mù chữ, bước ra sân khấu liền hát:

Đại tự hắc ma ma, tiểu tự ngã nhận bất đắc tha.

大字黑麻麻, 小字我认不得它

(Chữ lớn thì đen thui thui, chữ nhỏ thì ta nhận không ra)

Trương Phi trong lịch sử có thật là như thế không?

          Kì thực, Trương Phi ngoài tác chiến dũng mãnh ra, ông còn có mưu lược. Trong trận Đương Dương Trường Phản 当阳长坂, ông không chỉ dựa vào sự dũng cảm, nếu không, thì có hét khan cả giọng e là cũng không cứu được tình thế. Đương thời thủ hạ của ông có hơn hai chục kị binh, để tạo kế nghi binh, ông lệnh cho sĩ binh thủ hạ cột cành cây vào đuôi ngựa, chạy tới chạy lui trong rừng, trong phút chốc “trong rừng phía đông cây cầu, bụi mù bốc lên”. Sau đó quân Tào đến, quả nhiên không dám đến gần. Trên đường tấn công, Trương Phi làm tiên phong, cho phát tán tin tức giả, đồng thời dùng thế thân gạt Nghiêm Nhan 严颜 hoa mắt phải chuyển hướng. Sau khi bắt được Nghiêm Nhan, ông bèn “vì nghĩa phóng thích”. Như vậy Nghiêm Nhan quy thuận Lưu Bị 刘备, dẹp đường để bình định Tây Xuyên 西川. Trong trận Ngoã Khẩu ải 瓦口隘, Trương Phi lợi dụng chuyện người khác biết ông có khuyết điểm ham rượu, khéo đặt ra kế liên hoàn, dánh nhừ tử Trương Cáp 张郃, người có hiệu trí dũng song toàn. Ngay cả Chư Cát Lượng cũng khen ông “Trương tương quân giỏi dùng mưu”.

          Trương Phi xuất thân “đồ tể”, thế thì có thật là người “đại lão thô” 大老粗, chữ lớn không biết chăng? Theo khảo chứng, Trương Phi không chỉ là thư pháp gia, mà còn là một hoạ gia sở trường vẽ mĩ nhân. Theo ghi chép trong “Đao kiếm lục” 刀剑录của Đào Hoằng Cảnh 陶弘景thời Nam Bắc triều: Trương Phi được bái làm Tân Đình Hầu 新亭侯, đích thân viết minh văn đao kiếm:

Tân Đình Hầu, Thục đại tướng dã.

新亭侯, 蜀大将也

(Tân Đình Hầu là đại tướng của nước Thục)

          Theo ghi chép trong “Đan diên tổng lục” 丹铅总录đời Minh:

Phù Lăng hữu Trương Phi điêu đẩu minh. Kì văn tự thậm công, Phi sở thư dã.

涪陵有张飞刁斗铭. 其文字甚工, 飞所书也.

(Ở Phù Lăng có bài minh điêu đẩu của Trương Phi. Chữ viết rất đẹp, là do Trương Phi viết)

Nhưng những vật chứng này đã bị mất, không còn cách nào để khảo cứu. Nhưng hiện tồn một thác bản triều Quang Tự 光绪 đời Thanh, là “Trương Phi lập mã minh” 张飞立马铭. Về việc Trương Phi sở trường vẽ mĩ nhân, trong quyển “Hoạ tuỷ nguyên thuyên” 画髓元诠do Trác Nhĩ Xương đời Minh biên soạn có nói Trương Phi:

Hỉ hoạ mĩ nhân, thiện thảo thư.

喜画美人, 善草书

(Thích vẽ mĩ nhân, giỏi về thảo thư)

          Trong “Lịch đại hoạ trưng lục” 历代画征录 đời Thanh có viết:

Trương Phi, Trác Châu nhân, thiện hoạ mĩ nhân.

张飞, 涿州人, 善画美人

(Trương Phi người Trác Châu, giỏi vẽ mĩ nhân)

          Xem ra, Trương Phi trong lịch sử trừ tính khí cộc cằn nóng nảy, làm việc lỗ mãng ra, ông cón có mưu lược nhất định, ngoài ra còn giỏi viết giỏi vẽ, cơ hồ có nét phong lưu nho nhã đứng đầu trong ngũ hổ thượng tướng. Nhưng tướng mạo và xuất thân đồ tể, khiến người ta có sự hiểu lầm nhất định. Cho nên, người đời sau nhìn thấy chỉ là “mãnh Trương Phi” 猛张飞, mà đã bỏ sót ưu điểm ở những phương diện khác của ông.

Chú của người dịch

1-Về âm Hán Việt của chữ .

          - Theo Khang Hi tự điển

          Chữ bính âm fǎn       

          Quảng vận 廣韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會đều phiên thiết là 甫遠 (phủ viễn). Âm (phản).

          Và ghi rằng:

          Hựu địa danh. Bồ Phản, tại Bồ Thành đông. “Đế Vương thế kỉ”: Thuấn đô Bồ Phản.

          又地名. 蒲坂, 在蒲城東帝王世紀”: 舜都蒲坂.

          (Và là địa danh. Bồ Phản, tại phía đông Bồ Thành, Trong “Đế vương thế kỉ” có ghi: Ông Thuấn kiến đô tại Bồ Phản).

(“Khang Hi tự điển”, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 156)

- Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, chữ cũng có âm đọc là “phản”, không có âm “bản”.

          - Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyến Tôn Nhan chữ có âm đọc là “phản”, cũng không có âm “bản”.

                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 04/01/2025

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post