Sáng tác: Canh lậu tử - Noãn lô yên (HCH)

 

更漏子

暖爐烟

香盞茗

庭院月來清靜

花鳥睡

只蟲聲

夜临初轉更

瀟碧竹

黄花菊

茅舍繞邊常綠

從子路

學曾參

歡顏恒樂心

CANH LẬU TỬ

Noãn lô yên

Hương trản mính

Đình viện nguyệt lai thanh tĩnh

Hoa điểu thuỵ

Chỉ trùng thanh

Dạ lâm sơ chuyển canh

Tiêu bích trúc

Hoàng hoa cúc

Mao xá nhiễu biên thường lục

Tùng Tử Lộ

Học Tăng Sâm

Hoan nhan hằng lạc tâm

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 02/12/2024 

Tiêu bích 瀟碧: biệt xưng của trúc.

Mính : biệt xưng của trà, viết với bộ “thảo” là loại cây nhỏ, thấp, mọc thành bụi, lá nhỏ,  mọc vào mùa đông, chịu được lạnh, sinh trưởng vùng hàn đới hoặc ôn đới, vị đắng và chát tương đối ít. Tại Trung Quốc các tỉnh ở  khu vực Giang bắc, Giang nam, Đông nam, cùng Nhật Bản, Nga có thể trồng, thích hợp chế biến thành loại lục trà 绿茶 và thanh trà 青茶.

Vũ nhã 雨雅  là bộ từ điển bác vật sớm nhất của Trung Quốc, theo lời chú đương thời (năm 265 – năm 419):

Nam, khổ trà dã ….. Kim hô tảo thái vi trà , vãn thủ vi mính.

, 苦茶也 今呼早采为茶, 晚取为茗

(Nam là khổ trà ….. Nay gọi loại hái sớm là “trà”, loại hái muộn là “mính”)

          (Theo “Trung Quốc trà văn hoá” 中国茶文化của Kha Thu Tiên 柯秋先, 2006)

Tử Lộ 子路 (năm 542 – năm 480 trước công nguyên): Tức Trọng Do 仲由, người Biện Châu 卞州 thời Xuân Thu, học trò của Khổng Tử, lúc nhỏ nhà rất nghèo, nhưng ông thờ cha mẹ hết lòng hiếu thuận.

          Trong Khổng Tử gia ngữ - Trí tư 孔子家語 - 致思 có chép:

          “Tử Lộ bái kiến Khổng Tử, nói rằng:

          Vác nặng mà đường xa, không chọn nơi để nghỉ; nhà nghèo cha mẹ lại tuổi cao, không chọn nơi bỗng lộc nhiều để làm quan. Trước đây, khi Do này thờ cha mẹ thường ăn rau lê rau hoắc, đến nơi xa cả trăm dặm đội gạo về nuôi cha mẹ. Sau khi cha mẹ qua đời, Do này đến nước Sở ở phía nam, khi ra ngoài ngựa xe tuỳ tùng có đến cả trăm chiếc, lương thực chứa cả vạn chung, đệm kê ngồi rất dày, lúc ăn bày ra đỉnh vạc. Bây giờ có muốn được ăn cơm gạo thô, đội gạo về nuôi cha mẹ thì không được nữa rồi. Cá khô treo trên dây, không bị sâu mọt được bao lâu. Thọ mệnh của cha mẹ, thoáng chốc đã như bóng câu qua cửa sổ.”

          Thành ngữ “Tử lộ phụ mễ” 子路負米 (Tử Lộ đội gạo) “phụ mễ dưỡng thân” 負米養親 (đội gạo nuôi cha mẹ) chỉ việc phụng dưỡng cha mẹ.

          Tử Lộ là một trong “Nhị thập tứ hiếu”

Tăng Sâm 曾參 (năm 505 – năm 432? / 435? trước công nguyên): cũng được gọi là Tăng Tử 曾子, người Vũ Thành 武城 nước Lỗ (nay là huyện Phí Sơn Đông 山東), học trò của Khổng Tử 孔子. Tăng Sâm thờ mẹ rất có hiếu. Truyền thuyết kể rằng, ngày nọ Tăng Sâm vào núi đốn củi, ở nhà có khách đến, mẫu thân trông con mau về bèn cắn ngón tay của mình. Lúc bấy giờ Tăng Sâm đột nhiên thấy nhói ở tim, biết là mẹ đang gọi, liền vội gánh củi về nhà. Về đến nhà khách vẫn chưa đi, Tăng Sâm giúp mẹ chiêu đãi khách. Có lời thơ rằng:

Mẫu chỉ tài phương nghiết

Nhi tâm thống bất câm

Phụ tân quy vị vãn

Cốt nhục chí tình thâm

母指才方齧

兒心痛不禁

負薪歸未晚

骨肉至情深

(Tay mẹ vừa mới cắn

Tim con đã nhói đau

Củi gánh về chưa muộn

Cốt nhục tình đậm sâu)

          Thành ngữ “Nghiết chỉ thống tâm” 齧指痛心 (mẹ cắn ngón tay mong con về, tim con nhói đau) ý nói tình cốt nhục sâu đậm.

          Tăng Sâm cũng là một trong “Nhị thập tứ hiếu”.

Tạm dịch

Lò khói ấm

Chén trà thơm

Trăng đến trong sân thanh tĩnh

Hoa và chim đã ngủ

Chỉ có tiếng trùng kêu

Đêm bắt đầu chuyển canh

Trúc tiêu bích

Cúc hoa vàng

Nhà tranh bốn phía luôn xanh

Làm theo Tử Lộ

Học theo Tăng Sâm

Hân hoan lòng luôn vui

 

Previous Post Next Post