Sáng tác: Bát nguyệt chi dạ - Kim thu bát nguyệt quế hương nùng (HCH)

 

八月之夜

金秋八月桂香濃

瑟瑟風來動碧松

夜幕深沉花睡去

模糊玉兔現蟾宮

BÁT NGUYỆT CHI DẠ

Kim thu bát nguyệt quế hương nùng

Sắt sắt phong lai động bích tùng

Dạ mạc thâm trầm hoa thuỵ khứ

Mô hồ ngọc thố hiện thiềm cung

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 05/12/2024

Kim thu 金秋: tức mùa thu. Thời cổ, theo thuyết ngũ hành, thu thuộc kim , cho nên mùa thu gọi là “kim thu” 金秋, cũng gọi là “kim thiên” 金天, “kim tố” 金素.

          Mùa thu vào tháng Tám âm lịch là lúc hoa quế nở rộ, nên “quế nguyệt” 桂月cũng là biệt xưng của tháng Tám.

Sắt sắt 瑟瑟: hình dung tiếng gió nghe xào xạc. “Thu phong sắt sắt” 秋風瑟瑟: gió thu xào xạc.

Mô hồ 模糊: mơ hồ, nhìn không thấy rõ.

Ngọc thố 玉兔: thỏ ngọc, cũng gọi là “nguyệt thố” 月兔. Theo truyền thuyết, thỏ ngọc ở trên cung trăng chuyên quản việc giã thuốc trường sinh.

Thiềm cung 蟾宮: cũng gọi là “Quảng Hàn cung” 广寒宮là cung điện nơi Thường Nga 嫦娥cư trú trong thần thoại Trung Quốc.

          Theo thần thoại, Hậu Nghệ 后羿xin được thuốc trường sinh bất lão ở chỗ Tây Vương Mẫu 西王母, vợ Hậu Nghệ là Thường Nga sau khi lén uống đã bay lên cung trăng biến ra con cóc (thiềm thừ 蟾蜍), trở thành nguyệt tinh, cho nên người ta gọi Quảng Hàn cung là Thiềm cung, tức mặt trăng.

https://www.zdic.net/hans/%E8%9F%BE%E5%AE%AB

Cung thiềm bóng đã cao giơ

Mải vui bẻ quế ngại thưa thớt nhàn

(“Lưu nữ tướng”)

          Và cũng theo truyền thuyết, trên mặt trăng có cây quế, nên trong thơ văn Việt Nam thường cũng dùng “cung quế” để chỉ mặt trăng.

Cung quế cao xanh đượm khói

Dòng Ngân tĩnh biếc in tàu

(“Hồng Đức quốc âm thi tập”)

(Theo “Tiếng Việt trong thư tịch cổ Việt Nam” quyển 1 của Nguyễn Thạch Giang)

Tạm dịch

ĐÊM THÁNG TÁM

Tháng Tám mùa thu, hoa quế toả hương thơm ngát

Gió thổi qua ngọn tùng, lá tùng kêu xào xạc

Màn đêm thâm trầm, muôn hoa đã ngủ

Mơ hồ dường thấy thỏ ngọc ẩn hiện trong trăng

Previous Post Next Post