Dịch thuật: Vì sao quân đội thời cổ gọi đầu người là "thủ cấp"

 

VÌ SAO QUÂN ĐỘI THỜI CỔ GỌI ĐẦU NGƯỜI LÀ “THỦ CẤP” 

          (thủ) là chữ tượng hình, ý nghĩa trong Hán ngữ cổ đại chính là cái đầu. Trong kim văn, nửa phần trên chỉ da đầu và tóc, nửa phần dưới chỉ phần mặt với ngũ quan. “Thủ cấp” 首级cũng có hàm nghĩa biểu thị đầu lâu. Thế thì, “thủ” và “cấp” từ khi nào được đi liền với nhau? Điều này có liên quan mật thiết không thể tách rời với chế độ quân công thời cổ của Trung Quốc. Thời cổ khi đánh nhau, bất luận là tướng hay quân sĩ, đều hi vọng có thể lập được công nghiệp. Đánh giá quân công lớn hay nhỏ chủ yếu là nhìn vào tình hình giết địch nhiều hay ít. Thời Chiến Quốc để tính điểm ghi công, dùng phương thức cắt tai trái của quân địch, như trong “Tả truyện – Tuyên Công nhị niên” 左传 - 宣公二年có ghi:

Phu nhị bách ngũ thập nhân, quắc bách nhân

俘二百五十人, 馘百人

(Bắt được 250 tù binh, cắt tai trăm người)

“quắc” ở đây mang hàm nghĩa cắt tai của quân địch. ý là đã giết hơn 100 người.

          “Thủ” và “cấp” liên hệ với nhau bắt nguồn từ biến pháp của Thương Ưởng 商鞅 nước Tần. Thương Ưởng phế bỏ chế độ thế tập tước vị vốn có trước đó, thay thế bằng chế độ quân công 20 cấp. Từ thấp đến cao lần lượt là: Công sĩ 公士, Thượng tạo 上造, Trâm niểu 簪袅, Bất canh 不更, Đại phu 大夫, Quan đại phu 官大夫, Công đại phu 公大夫, Công thặng 公乘, Ngũ đại phu 五大夫, Tả thứ trưởng 左庶长, Hữu thứ trưởng 右庶长, Tả canh 左更, Trung canh 中更, Hữu canh 右更, Thiếu thượng tạo 少上造, Đại thượng tạo 大上造, Tứ xa 驷车, Đại thứ trưởng 大庶长, Quan nội hầu 关内侯, Triệt hầu 彻侯.

          Quy định cụ thể là sĩ binh nước Tần chỉ cần chém được 1 thủ cấp “giáp sĩ” 甲士 (quân quan 军官) của quân địch, thì có thể có được 1 cấp, tước vị “Công sĩ” 公士, 1 khoảnh ruộng, một ngôi nhà và 1 người phục dịch. Lấy được thủ cấp càng nhiều thì tước vị càng cao, chứng cứ là đầu của quân địch (thủ cấp). Chính là nói sau chiến trận, chém đầu quân địch đem về doanh trại để làm chứng cứ. Nếu một binh sĩ tại chiến trường chém được 2 thủ cấp “giáp sĩ” 甲士của quân địch, nếu cha mẹ của anh ta là tù phạm thì có thể được phóng thích ngay lập tức. Nếu vợ của anh ta là nô lệ thì cũng có chuyển đổi làm bình dân . Giết 5 “giáp sĩ” 甲士 thì có thể có được 5 hộ làm nô bộc.

          Như vậy, chém được đầu kẻ địch và cấp bậc liên hệ lại với nhau, nhân đó mà gọi là “thủ cấp” 首级. Chế độ quân công 20 cấp của nước Tần bảo đảm sức chiến đấu của quân Tần, quân Tần nhân đó mà trở thành “hổ lang chi sư” 虎狼之师 (đội quân hổ lang), đặt cơ sở vững chắc cho sau này. Nhưng chế độ đó cũng có tệ đoan, sau này phát sinh tình hình tướng lĩnh đồ sát bách tính lấy đầu để ghi công  hoặc sĩ binh vì tranh đoạt công mà tương tàn lẫn nhau. Thời Bắc Tống, Đại tướng Địch Thanh 狄青đã kiến nghị phế bỏ chế độ này.

                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 20/12/2024

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post