THẾ NÀO LÀ “HOÀNG ĐẠO CÁT NHẬT”
Thời trước trong dân gian, ở những
nghi thức như cưới hỏi, động thổ, xuất hành, an táng v.v… đều chọn ngày “hoàng
đạo” 黄道. Người xưa cho rằng, cử hành
nghi thức vào ngày hoàng đạo có thể tránh được tai hoạ, mọi việc đều thuận lợi.
Thế thì, như thế nào là “hoàng đạo” 黄道.
“Hoàng đạo cát nhật” 黄道吉日cụ thể
chỉ gì?
Từ “hoàng đạo” 黄道là thuật ngữ thiên văn học cổ đại,
không phải bắt nguồn từ Trung Quốc. Thiên văn học gia Babylon cổ đại cho rằng,
hoàng đạo là quỹ đạo của mặt trời trong một năm trên thiên cầu. Lúc Hạ chí, mặt
trời ở vào điểm cao nhất; lúc Đông chí, ở vào điểm thấp nhất. Mặt trời mỗi ngày
đi quanh thiên cầu khoảng một vòng, đồng thời các tinh thể chung quanh hình
thành hợp lực, đối với con người trên địa cầu hình thành ảnh hưởng. Những tinh
tượng này có cát có hung, vị trí của những tinh tượng có lợi chính là “hoàng đạo
cát nhật” 黄道吉日. Đó là khởi nguồn của thuật
chiêm tinh tây phương, trên cơ sở thuyết trung tâm địa cầu. Về sau, tri thức
thiên văn của người Babylon cổ đại truyền đến Hi Lạp, Ấn Độ, đồng thời cũng truyền
vào Trung Quốc vào thời Tuỳ Đường.
Thiên văn học gia cổ đại trung Quốc
căn cứ vào đó phân làm 12 “thần sát” 神煞, lần
lượt là:
-Thanh long 青龙
-Bạch hổ 白虎
-Minh đường 明堂
-Thiên hình 天刑
-Chu tước 朱雀
-Kim quỹ 金匱
-Thiên đức 天德
-Ngọc đường 玉堂
-Thiên lao 天牢
-Nguyên Vũ 元武
-Tư mệnh 司命
-Câu trần 勾陈
Trong đó có 6 cát 6 hung. Thanh long 青龙, Minh đường 明堂, Kim quỹ 金匱, Thiên đức 天德, Ngọc đường 玉堂, Tư mệnh 司命được xưng là “lục hoàng đạo” 六黄道. Gọi là “hoàng đạo cát nhật” 黄道吉日 chính là lục thần này quản lí ngày hôm đó. Về sau ý nghĩa có sự biến hoá, phiếm chỉ ngày tốt thích hợp khi làm công việc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/12/2024
Nguồn
TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN
中国文化 1000 问
Tác giả: Địch Văn Minh 翟文明
Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều
xuất bản xã, 2010