SAO GỌI LÀ “THƯỢNG PHƯƠNG BẢO KIẾM”
“Thượng phương” 尚方 là thuộc quan của Thiếu phủ 少府 thời cổ (một cơ cấu của chính
phủ), có “Thượng phương lệnh” 尚方令 và “Thượng
phương thừa” 尚方丞, phụ trách chế tạo vật phẩm ngự
dụng cho hoàng đế hoặc cung đình. “Thượng phương kiếm” 尚方剑chỉ thanh bảo kiếm được chế tạo tinh xảo mà hoàng đế sử
dụng, nghe nói cực bén có thể chém được ngựa, cho nên cũng gọi là “Thượng
phương trảm mã kiếm” 尚方斩马剑.
Từ “Thượng phương bảo kiếm” 尚方宝剑 được thấy sớm nhất trong “Hán
thư – Chu Vân truyện” 汉书 - 朱云传:
-Thần nguyện tứ Thượng phương trảm
mã kiếm, đoạn nịnh thần nhất nhân Trương Vũ chi đầu.
臣愿赐尚方斩马剑, 断佞臣一人张禹之头.
(Thần mong bệ hạ ban cho thanh Thượng
phương trảm mã kiếm để chém đầu tên nịnh thần Trương Vũ)
Thời Hán Thành Đế 汉成帝, Tể tướng Trương Vũ 张禹từng là thầy của Thành Đế Lưu
Ngao 刘骜, rất được sủng hạnh. Ông ta
chiếm một số lượng lớn đất đai và tài vật làm của riêng, cuộc sống vô cùng xa xỉ.
Chu Vân 朱云là vị đại thần dám can gián, từng
nói với Thành Đế rằng:
-Mong bệ hạ ban cho thần thanh Thượng
phương trảm mã kiếm để chém lấy đầu tên Trương Vũ.
Thành Đế nghe qua, rất không vui, sau
Ngự sử trói Chu Vân lại. Chu Vân ôm chặt lan can, ra sức giằng lại, đến nỗi lan
can bị gãy, đây chính là câu chuyện “Chiết hạm Chu Vân” 折槛朱云.
Trong “Hán thư – Thái Luân truyện” 汉书 - 蔡伦传có chép:
Trung thường thị Thái Luân được làm
Thượng phương lệnh, giám sát việc chế tác Thượng phương kiếm, đồ ngự dụng, bề
tôi không được dùng riêng, cho nên nói, kiếm cùng các loại khí giới, không loại
nào mà không chế tạo tinh xảo, làm phép tắc cho đời sau.
Thái Luân từng làm qua chức quan giám
sát việc chế tác Thượng phương kiếm, đời sau thiên tử hoặc ban cho Khâm sai đại
thần Thượng phương kiếm để sát phạt. Trong “Hậu Hán thư – Bành Sủng truyện” 后汉书 - 彭宠传 cũng có chép:
Chu Phù 朱浮nói với Quang Vũ 光武rằng:
-Trước đây Ngô Hán lúc phát binh, đại
vương theo lễ ban cho ân sủng tất dùng thanh kiếm.
Trong “Phùng Dị truyện” 冯异传:
Quân Xích Mi 赤眉 Diên Sầm 延岑 bạo loạn vùng Tam phụ 三輔, dùng Phùng Dị làm chính tây
tướng quân đi thảo phạt. Xa giá tiễn đến Hà Nam 河南, ban cho xe cùng thanh kiếm 7
xích chạm ngọc.
Trong “Tấn thư” 晋书 :
Trương Quỹ 张轨trấn thủ Lương Châu 凉州, Nam Dương Vương 南阳王dùng thanh kiếm mà hoàng đế tặng
đem tặng cho Quỹ, nói với Quỹ rằng: ‘Chinh phạt Lũng tây, lấy tấm lòng uỷ thác
cho nhau, như thanh kiếm này.’
Có thể thấy, “Thượng phương bảo kiếm” lúc ban đầu chẳng qua chỉ là một loại kiếm kích đao thương do cung đình chế tạo, về sau chuyên chỉ thanh kiếm mà đế vương mang bên người, tượng trưng cho quyền lực chí cao vô thượng. Có khi hoàng đế lấy kiếm đeo bên người xuống giao cho quan Khâm sai để hoàn thành sứ mệnh hoặc nhiệm vụ trọng yếu, tượng trưng cho quyền lực và sự uy nghiêm, có lúc còn có quyền “tiên trảm hậu tấu” 先斩后奏.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 13/11/2024
Nguồn
TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN
中国文化 1000 问
Tác giả: Địch Văn Minh 翟文明
Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều
xuất bản xã, 2010