Dịch thuật: Lôi - Đại phát lôi đình

 

LÔI – ĐẠI PHÁT LÔI ĐÌNH 

Chữ “lôi” lí thú

Trong “Thuyết văn” 说文có nói:

Lôi là năng lượng âm dương va chạm nhau trên bầu trời, phát ra tiếng, có mưa, khí tượng của sinh vật.

Tự hình là dùng chữ (vũ) đặt trên đầu làm thiên bàng. Lôi lúc ban đầu trong giáp cốt văn là , tức , trùng điệp, tích tụ, biểu thị sấm chớp tích tụ. Trong kim văn, phía trên thêm chữ (vũ), biểu thị trước lúc mưa lớn tích tụ một loạt sấm chớp. Triện văn bỏ hình tượng sấm chớp trong tự hình kim văn , đem tự hình trong kim văn viết thành ở trên và ở dưới. Tục thể của lệ thư đem chữ trong tự hình của triện văn giản hoá thành . Trong cổ tịch đa phần dùng chữ giản thể thay cho chữ phồn thể .

Câu chuyện Hán tự: Đại phát lôi đình 大发雷霆

          Giải thích ý nghĩa

          Thành ngữ “Đại phát lôi đình” 大发雷霆 xuất từ “Tam quốc chí – Ngô thư – Lục Tốn truyện” 三国志 - 吴书 - 陆逊传:

Kim bất nhẫn tiểu nhẫn nhi phát lôi đình chi nộ.

今不忍小忍而发雷霆之怒

(Nay không nhẫn được cái nhẫn nhỏ mà lại phát cơn giận lôi đình)

          Ý nghĩa của “đình” là tiếng sấm vô cùng lớn, dùng để biểu thị vô cùng giận. “Đại phát lôi đình” 大发雷霆 ví cực giận.

          Câu chuyện thành ngữ

          Năm 229, Tôn Quyền 孙权ở Đông Ngô xưng đế, quốc hiệu là Ngô , định đô tại Kiến Nghiệp 建业.

          Thái thú Liêu Đông 辽东nước Nguỵ là Công Tôn Uyên 公孙渊 phái sứ giả đến chúc mừng, đồng thời muốn kết đồng minh với Đông Ngô.

Công Tôn Uyên bản tính hung hãn gian trá, ông ta phát động phản loạn, giết chết người chú đau bệnh là Công Tôn Cung 公孙恭, đoạt lấy chức Thái thú. Việc này của Công Tôn Uyên rõ ràng là khiêu chiến uy tín của Nguỵ Vương Tào Duệ 魏王曹叡. Nhưng nước Nguỵ lúc đó bận đối kháng với Thục và Ngô, không biết cách nào đành chọn thoả hiệp, phong Công Tôn Uyên làm Thái thú Liêu Đông.

Nhưng Công Tôn Uyên ngày đêm nớm nớp bất an, muốn tìm ngoại viện nên mới có sự việc kết minh với Tôn Quyền.

Tôn Quyền vừa mới lên làm hoàng đế, được tin cả mừng, đồng ý phong Công Tôn Uyên làm Yên Vương 燕王. Thủ hạ của Tôn Quyền là đại thần Trương Chiêu 张昭, Lục Tốn 陆逊đều biết con người của Công Tôn Uyên, nên ra sức phản đối việc kết minh. Tôn Quyền thậm chí rút kiếm chặt đứt một góc bàn doạ Trương Chiêu, Trương Chiêu bèn xưng bệnh không lên triều.

Để bày tỏ thành ý, Tôn Quyền phái Tướng quân Trương Di 张弥, Hứa Án  许晏thống lĩnh đội quân mang theo một số lượng lớn vàng bạc châu báu làm lễ vật dâng cho Công Tôn Uyên.

Lúc bấy giờ, Nguỵ Vương cũng nghe được tin, đem đại quân đến biên cảnh. Công Tôn Uyên lập tức thay đổi chủ ý, lấy vàng bạc châu báu mà Tôn Quyền cho mang đến, nhưng lại lấy đầu của Trương Di, Hứa Án dâng lên cho triều đình Tào Nguỵ.

Tôn Quyền sau khi nghe tin, đại phát lôi đình, chuẩn bị binh mã vượt biển thảo phạt Công Tôn Uyên. Các đại thần lúc bấy giờ ra sức ngăn cản, Đại tướng Lục Tốn dâng thư khuyên rằng:

-Công Tôn Uyên giết đại thần của ta, phụ bạc thánh ân, quả thực đáng căm giận. Nhưng thần nghe nói bệ hạ vì chuyện đó mà hưng sư viễn chinh, lấy tấm thân chí tôn vạn thặng mà ngồi thuyền nhỏ vượt biển , thần cho rằng việc đó không nên. Như nay thiên hạ nhiễu loạn, bệ hạ đánh bại Tào Tháo 曹操 tại Xích Bích 赤壁, đại thắng Lưu Bị 刘备tại Tây Lăng 西陵, bắt sống Quan Vũ 关羽ở Kinh Châu 荆州. Ba người này là hùng kiệt đương thời, đều bị bệ hạ đánh bại. Hiện tại chính là thời cơ tốt để bệ hạ bình định thiên hạ, mà bệ hạ lại phát nộ lôi đình, cô thân xông vào nơi nguy hiểm sao?

Tôn Quyền nghe qua, cho mời lại Trương Di, không nhắc đến việc đánh Liêu Đông nữa.

Tri thức: Bất việt Lôi Trì nhất bộ 不越雷池一步

          “Lôi Trì” 雷池 là một địa danh thời cổ, vị trí nay tại bên hồ Long Cảm 龙感  An Huy 安徽. Thời Đông Tấn, Trung thư lệnh Dữu Lượng 中书令庾亮 nắm giữ triều chính, Thái thú Lịch Dương 历阳là Tô Tuấn 苏峻mưu phản, Thứ sử Giang Châu 江州 Ôn Kiều 温峤 muốn đem binh xuống phía đông giúp Dữu Lượng. Dữu Lượng đánh giá không tốt lực lượng Tô Tuấn, tự cho mình thông minh yêu cầu Ôn Kiều chú ý phòng bị Thứ sử Kinh Châu 荆州  là Đào Khản 陶侃ở phía tây, không cho Ôn Kiều vượt qua Lôi Trì dù chỉ một bước. Kết quả kinh đô Kiến Khang 建康 bị Tô Tuấn công phá.

          “Bất việt Lôi Trì nhất bộ” kì thực là chiến lược sai lầm, về sau, dùng để ví không dám vượt qua bất cứ một giới hạn nào. Đa phần chỉ việc bảo thủ, câu nệ; hoặc dùng để chỉ việc làm cho kẻ địch run sợ, không dám tiến đến xâm phạm.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng

                                                                          Quy Nhơn 03/11/2024

Nguồn

HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ

汉字的故事

Tác giả: Khúc Quân Vĩ 曲君伟, Lưu Di Phàm 刘怡帆

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2021

 

Previous Post Next Post