Sáng tác: Văn trường chế khoa cơ ngộ (HCH)

 

文場制科機遇

王金春榜題名

上天青雲舉步

梓枌萬里香爭

Văn trường chế khoa cơ ngộ

Vương Kim xuân bảng đề danh

Thướng thiên thanh vân cử bộ

Tử phần vạn lí hương tranh

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 30/10/2024

Tạm dịch từ bốn câu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

Chế khoa gặp hội trường văn

Vương, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày

Cửa trời rộng mở đường mây

Hoa chào ngõ hạnh, hương bay dặm phần

(câu 2859 – 2862)

( “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh)

Bản dịch sang Trung văn của Hoàng Dật Cầu 黄軼球

有一年, 恰値制科会試

王金两人, 同登春榜

天門敞开, 青云有路

御园游宴, 天下名揚

Hữu nhất niên, kháp trị chế khoa Hội thí

Vương Kim lưỡng nhân, đồng đăng xuân bảng

Thiên môn sưởng khai, thanh vân hữu lộ

Ngự viên du yến, thanh hạ danh dương

(In tại nhà in Nhật báo Giải phóng, 1976)

Văn trường 文場: tức “trường văn”, trường thi văn.

Chế khoa 制科:

          -Theo “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh:

          Khoa thi đặc biệt ở đời khoa cử, do ý vua đặc định, như khoa Cát sĩ, Hành từ v.v

          -Theo “Hán Việt từ điển” của Nguyễn Văn Khôn:

          Khoa thi đặc biệt do vua định ra.

          -Theo “Hán Việt tân từ điển” của Nguyễn Quốc Hùng:

          Kỳ thi do ý vua cho tổ chức, không thường xuyên.

-Trong “Tự điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh ghi rằng:

          Là khoa thi do chính thiên tử chấm (Từ nguyên). Sau này thi hương, thi hội đều gọi là chế khoa.

Cơ ngộ 機遇: cơ hội gặp được.

Xuân bảng 春榜: thi Hội tổ chức vào mùa xuân, nên bảng danh sách những người thi đậu Tiến sĩ trong kì thi Hội được gọi là “xuân bảng”.

 Thanh vân 青雲: Mây xanh. “Thanh vân” 青雲 hoặc “Bình bộ thanh vân” 平步青雲, “Trực thướng thanh vân” 直上青雲thường được dùng để ví cao quan hiển tước, quan vận hanh thông.  

Trong Sử kí – Phạm Thư Sái Trạch liệt truyện 史记 - 范雎蔡泽列传 có ghi:

          Phạm Thư 范雎 tự là Thúc , người nước Nguỵ, thường du thuyết chư hầu hi vọng Nguỵ Vương trọng dụng, nhưng vì nhà nghèo, tự mình không có cách nên đã đến làm việc tại nhà Trung đại phu nước Nguỵ là Tu Giả 须贾. Tu Giả đi sứ nước Tề, Phạm Thư cùng đi theo, cả hai lưu lại nước Tề mấy tháng mà không có kết quả. Tề Tương Vương nghe nói Phạm Thư là người có tài biện luận bèn sai người ban cho Phạm Thư 10 cân vàng cùng rượu thịt. Phạm Thư từ chối không dám nhận. Tu Giả biết được vô cùng phẫn nộ, cho rằng Phạm Thư đã bí mật bán đứng nước Nguỵ cho Tề cho nên mới được tặng phẩm như thế. Tu Giả bảo Phạm thư nhận rượu thịt, trả lại vàng. Sau khi về lại nước Nguỵ, Tu Giả đem việc đó báo lên Tướng quốc nước Nguỵ là Nguỵ Tề 魏齐. Nguỵ Tề cả giận, sai người đánh Phạm Thư đến trọng thương. Phạm Thư giả chết, bị dùng chiếu cuốn lại bỏ nơi nhà xí. Tân khách sau khi uống say, thay nhau đến nhà xí tiểu tiện lên người Phạm Thư để sỉ nhục. Phạm Thư lén nói với nô bộc canh cửa: “Nếu có thể cứu được ngày sau nhất định sẽ báo đáp.” Thế là nô bộc xin được vất người chết trong chiếu đi. Nguỵ Tề uống say, đồng ý. Trịnh An Bình 郑安平người nước Nguỵ nghe được, liền đem Phạm Thư đi trốn, Phạm Thư đổi tên là Trương Lộc 张禄.

          ...............

          Về sau, Trịnh An Bình giới thiệu Phạm Thư lên Tần Vương, Tần Vương mệnh ông làm Tướng quốc. Phạm Thư chủ trướng đánh Nguỵ, Nguỵ Vương lo sợ, sai Tu Giả đi sứ nước Tần. Phạm Thư hay tin, bèn giấu thân phận cải trang xuất hành đến khách quán gặp Tu Giả. Tu Giả kinh ngạc, hỏi Phạm Thư có phải đến Tần du thuyết. Phạm Thư đáp ngày trước đắc tội với Tướng quốc nước Nguỵ nên lưu lạc đến Tần, không dám du thuyết. Nhân lúc này, Tu Giả hỏi Phạm Thư có biết Tướng quốc nước Tần, lần này đến Tần, thành hay bại đều do ở Trương quân. Phạm Thư đem xe ngựa đến cho Tu Giả, đích thân đánh xe đến phủ Tướng quốc. Người ở phủ Tướng quốc thấy Phạm Tu đánh xe, liền tránh. Tu Giả cảm thấy kì lạ. Đến cổng, Phạm Thư bảo Tu Giả đợi để mình vào báo với Tướng quốc. Tu Giả đợi mãi không thấy Phạm Thư ra, bèn hỏi lính canh, lính canh bảo rằng không có Phạm Thư, người ngồi xe lúc nãy chính là Tướng quốc. Tu Giả nghe qua thất kinh liền cởi áo ngoài để lộ cánh tay, quỳ gối mà đi, nhờ lính vào hướng đến Phạm Thư nhận tội. Phạm Thư cho giăng màn trướng, triệu nhiều thị vệ đến, lúc đó mới cho Tu Giả vào gặp. Tu Giả nhìn thấy Phạm Thư liền dập đầu nhận tội, nói rằng:

          Giả bất ý quân năng tự trí vu thanh vân chi thượng, Giả bất cảm phục độc thiên hạ chi thư, bất cảm phục dự thiên hạ chi sự. Giả hữu thang hoạch chi tội, thỉnh tự bình vu hồ lạc chi địa, duy quân tử sinh chi!

          贾不意君能自致于青云之上贾不敢复读天下之书不敢复与天下之事贾有汤镬之罪请自屏于胡貉之地唯君死生之

          (Không ngờ ngài có thể tự mình lên đến mây xanh, tôi không dám đọc sách thiên hạ nữa, cũng không dám dự việc thiên hạ nữa. Tội của Giả tôi đáng bỏ vào vạc dầu, xin ném tôi ra ngoài man dã tôi cũng cam lòng, sống hay chết do ngài ngài định đoạt.)

https://baike.baidu.com/item/%E8%8C%83%E9%9B%8E%E8%94%A1%E6%B3%BD%E5%88%97%E4%BC%A0

Tử phần 梓枌: Chỉ quê hương.

          Tử : cây tử tức cây thị. Trong Kinh – Tiểu nhã – Tiểu biền  - 小雅 - 小弁có câu:

Duy tang dữ tử

Tất cung kính chỉ

維桑與梓

必恭敬止

(Nhìn thấy cây dâu và cây thị của cha mẹ trồng

Tất phải cung kính khi đứng trước cây)

          Theo chú giải của Chu Hi, ngày xưa ở khu đất năm mẫu để làm nhà, cây dâu cây thị được trồng ở dưới tường dành truyền cho con cháu để có lá dâu mà nuôi tằm, có gỗ thị mà làm vật dùng.

          (Kinh Thi – quyển 2: bản dịch của Tạ Quang Phát.)

Phần : cây phần, Phần Du 枌榆 là quê hương của Hán Cao Tổ Lưu Bang, “phần du” cũng phiếm chỉ quê hương.

Ở bài Tác Tân Phong di cựu xã 作新豐移舊社 trong Tây Kinh tạp kí 西京雜記  quyển 2 của Cát Hồng 葛洪 đời Tấn, mục chú thích Phần du 枌榆 có ghi:

          Lưu Bang vi Phong ấp Phần Du hương nhân. Sơ khởi binh thời, tằng kì đảo ư Phần Du chi Xã.

劉邦為豐邑枌榆鄉人初起兵時曾祈禱於枌榆之社

(Lưu Bang là người ở làng Phần Du, ấp phong. Lúc mới khởi binh, từng cầu đảo nơi đền thờ Xã ở Phần Du.)

(“Tây Kinh tạp kí” 西京雜記Cát Hồng 葛洪biên soạn; Thành Lâm 成林, Trình Chương Xán 程章燦 dịch chú. Đài Bắc – Địa Cầu xuất bản xã, năm Dân Quốc thứ 83)

          Câu “Tử phần vạn lí hương tranh” ý nói thi đậu vinh hiển trở về lại quê nhà.

 

Previous Post Next Post