Dịch thuật: Sát kê cấp hầu khán

 

“SÁT KÊ CẤP HẦU KHÁN”

          “Sát kê cấp hầu khán” 杀鸡给猴看 (giết gà cho khỉ coi) là câu nói thông tục, bắt nguồn thành ngữ “sát kê cảnh hầu” 杀鸡儆猴 (giết gà răn khỉ). Dùng để ví với việc dùng biện pháp trừng phạt một người nào đó để cảnh cáo người khác. Thế thì tại sao phải giết gà cho khỉ coi, có đúng là “cảnh hầu” 儆猴(răn khỉ) có tác dụng không?

          Khỉ là loài vật rất thông minh, muốn bắt được nó không phải dễ, nó cũng không dễ tuân theo sự chi phối những động tác đã quy định. Thế là có người đã nghĩ ra chiêu “sát kê cảnh hầu” (giết gà răn khỉ). Loài khỉ rất sợ máu, người thuần dưỡng khỉ chỉ cần giết gà trước mặt khỉ, khỉ nhìn thấy rất sợ sẽ rất nghe lời.

          “Sát kê cảnh hầu” là một loại quyền thuật. Trong trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau, công việc gặp phải trở ngại, để cho công việc được nhất trí, pháp độ nghiêm minh, người mà trong tay nắm đại quyền sinh sát có thể dùng cách “sát kê cảnh hầu” để đạt mục đích tạo lập uy tín, nhằm quán triệt chấp hành.

          Khương Tử Nha 姜子牙là người thích “sát kê cảnh hầu”. Theo truyền thuyết, nhà Chu diệt Thương Trụ 商纣, cần gấp một số nhân tài để trị lí quốc gia. Đương thời tại nước Tề có một vị hiền nhân tên Cuồng Quất 狂橘, người này rất được người dân địa phương kính trọng. Khương Thái Công mộ danh đến bái phỏng nhiều lần, nhưng đều bị ăn “bế môn canh” 闭门羹 (1). Khương Thái Công tức giận đã giết chết người này, về sau quả nhiên không còn ai dám không tiếp nhận lời mời gọi của triều đình.

Chú của người dịch

1- “Bế môn canh” 闭门羹: thường dùng để ví bị từ chối một cách khéo léo. Nhờ đối phương giúp đỡ mà đối phương không trả lời hoặc né tránh đóng cửa không tiếp, bạn chỉ có thể đợi ở ngoài cửa, ấy là đã ăn “bế môn canh” 闭门羹.

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 21/10/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN

中国文化 1000

Tác giả: Địch Văn Minh 翟文明

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2010

Previous Post Next Post