Dịch thuật: Như thế nào là trà đạo

 

NHƯ THẾ NÀO LÀ TRÀ ĐẠO

Trà đạo 茶道là một đoá hoa đẹp, lấp lánh nhất trong văn hoá trà đương đại. Nó là là lễ nghi sinh hoạt lấy trà làm môi giới, đồng thời cũng là một phương thức tu thân dưỡng tính. Nó thông qua các hoạt động như pha trà, thưởng thức trà, bình phẩm trà biểu hiện một lễ tiết nhất định, một loại nghệ thuật uống trà thể hiện quan điểm mĩ học và tư tưởng tinh thần.

Dạo chơi trong thế giới trà đạo, bạn sẽ cảm thấy những tạp niệm riêng tư về những khốn khó ưu buồn trước đó đang ẩn đi nơi khác, một cảm giác thanh tĩnh điềm đạm trong lòng đang từ từ dâng lên. Chính vì như thế, trà đạo trở thành linh hồn của văn hoá trà, người yêu thích nó cũng phổ biến khắp nơi trên thế giới.

Trung Quốc là quê hương của trà đạo. Trà đạo đã có lịch sử phát triển gẩn hai ngàn năm ở Trung Quốc. Sớm từ triều Đường, tập tục uống trà vừa được xác lập, thì trà đạo liền xuất hiện trong lịch sử phát triển trà của Trung Quốc. Trong quá trình xuất hiện của nó, thi tăng Kiểu Nhiên 皎然đã có cống hiến không thể phủ nhận.

Thi tăng Kiểu Nhiên lần đầu tiên dùng hình thức thơ ca đề xuất khái niệm trà đạo, giải thích như thế nào là trà đạo. Theo thi tăng Kiểu Nhiên, “tam ẩm tiện đắc đạo” 三饮便得道. Điều mà gọi là “tam ẩm tiện đắc đạo” chính là chỉ “Ẩm trà chi đạo, ẩm trà tu đạo, ẩm trà đắc đạo” 饮茶之道, 饮茶修道, 饮茶得道. Thi tăng Kiểu Nhiên đem sự đốn ngộ Bát nhã thiền định của Phật gia, sự tu luyện vũ hoá của Đạo gia, và lễ pháp của Nho gia, kết hợp một cách hữu cơ, dung nhập “trà đạo” 茶道, mở ra con đường “trà đạo” Trung Hoa.

Ngoài thi tăng Kiểu Nhiên ra, thi nhân Lô Đồng 卢仝thời Đường cũng đã có cống hiến kiệt xuất cho sự hưng khởi trà đạo Trung Hoa. “Thất oản trà ca” 七碗茶歌 (1) của ông đem trà đạo do thi tăng Kiểu Nhiên khai sáng tiến thêm một bước phát dương quang đại, đồng thời trở thành điển tịch khai sơn của trà đạo Nhật Bản.

Trà đạo vào hai đời Tống và Minh đã đạt đến thời kì đỉnh thịnh. Đời Tống là thời đại toàn dân yêu thích uống trà, trên lên đến hoàng đế quý tộc, dưới xuống đến lê dân bách tính, đều xem uống trà là đại sự trong cuộc sống thường ngày. Phong tục đấu trà cũng cực thịnh một thời trong dân gian. Bất luận là hoàng đế quý tộc ở vào vị thế miếu đường cao quý, nhân sĩ phú quý với tài sản khổng lồ, hay là Phật đạo nhân sĩ thân ở nơi Đạo quán, văn nhân mặc khách tài hoa hoành dật đều là người tổ chức hoặc tham gia các loại trà yến, trà hội. Ngoài ra, vào đời Tống, trà đạo còn hính thành phép tắc phẩm trà “tam điểm” 三点 và “tam bất điểm” 三不点. Gọi là “tam điểm” chính là:

-Trà mới, nước suối, trà cụ thanh khiết là một.

-Khí trời tốt là hai.

-Khách quý phong lưu nho nhã, tâm đầu ý hợp là ba.

Ngược lại với ba điều đó chính là “tam bất điểm”.

          Sau đời Minh, theo sự hưng khởi của tán trà, trà đạo đã có được thời kì phát triển huy hoàng. Chu Quyền 朱权xuất thân hoàng tộc là đại biểu trà đạo đầu đời Minh. Ông chủ trương thuận theo tự nhiên, quay về bản tính. Hậu kì triều Minh, nhất là khoảng thời Sùng Trinh 崇祯, trà đạo biến thành trà cụ, tiêu bảng cho tự thân cao khiết, né tránh chính trị đương thời của văn nhân

          Sau đời Thanh, trà đạo tiến vào thời kì suy lạc toàn diện. Từ đương đại đến nay, trà đạo xuất hiện tình thế phục hưng toàn diện. Trà đạo hiện nay chủ yếu bao gồm nội dung hai phương diện:

          -Chuẩn bị trà để thưởng thức bình phẩm.

          -Nội hàm tư tưởng.

          Sau khi phẩm trà đến một cảnh giới nhất định, từ cảm thụ sinh lí lên đến cảm thụ tâm lí, tiếp đó lên đến cảm thụ tinh thần, chúng ta có thể tiến vào cảnh giới tu hành trà đạo.

Chú của người dịch

1-Thất oản trà ca 七碗茶歌: Cũng gọi là “Thất oản trà thi” 七碗茶詩, được xem là bộ phận tinh tuý trong “Tẩu bút tạ Mạnh Gián Nghị kí tân trà” 走筆謝孟諫議寄新茶, tác phẩm nổi tiếng của Lô Đồng 盧仝, nhà thơ đời Đường. Trong bài thơ có đoạn:

Nhất oản hầu vẫn nhuận. Nhị oản phá cô muộn. Tam oản sưu khô trường.  Duy hữu văn tự ngũ thiên quyển. Tứ oản phát khinh hãn. Bình sinh bất bình sự. Tận hướng mao khổng tán. Ngũ oản cơ cốt thanh. Lục oản thông tiên linh. Thất oản ngật bất đắc dã. Duy giác lưỡng dịch tập tập thanh phong sinh. Bồng Lai sơn, tại hà xứ? Ngọc Xuyên Tử thừa thử thanh phong dục quy khứ.

一碗喉吻润. 二碗破孤闷. 三碗搜枯肠. 唯有文字五千卷. 四碗发轻汗. 平生不平事. 尽向毛孔散. 五碗肌骨清. 六碗通仙灵. 七碗吃不得也. 唯觉两腋习习清风生. 蓬莱山, 在何处? 玉川子乘此清风欲归去.

(Li đầu tiên cảm thấy cổ họng tươi mát. Li thứ hai dẹp hết nỗi muộn phiền. Li thứ ba mở thông tâm cảnh. Chỉ có chữ nghĩa năm ngàn quyển sách. Li thứ tư mồ hôi tuôn ra. Những việc bất bình trong cuộc đời. Theo lỗ chân lông mà trôi mất. Li thứ năm gân cốt thanh tân. Li thứ sáu câu thông với cõi tiên. Li thứ bảy uống không nỗi nữa.  Chỉ cảm thấy hai bên nách gió mát nhè nhẹ sinh ra. Núi Bồng Lai, ở nơi đâu? Ngọc Xuyên Tử này cưỡi gió mát mà đi đến)

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 31/10/2024 

Nguồn

GIÁM TRÀ, PHAO TRÀ, TRÀ LIỆU

鉴茶, 泡茶, 茶疗

Biên soạn: Lí Xuân Thâm 李春深

Thiên Tân: Thiên Tân khoa học kĩ thuật xuất bản xã, 2018

Previous Post Next Post