Dịch thuật: Khí - Nhất cổ tác khí

 

KHÍ – NHẤT CỔ TÁC KHÍ 

Chữ “khí” lí thú

Trong “Thuyết văn” 说文có nói:

Khí, vân khí. Tượng hình.

, 雲气也

(Khí là khí mây. Loại chữ tượng hình)

          Ý nghĩa của chữ (khí) là giống như khí mây lưu động, chữ tượng hình. Chữ (khí) , lúc ban đầu trong giáp cốt văn có tự hình giống chữ (tam). Chữ (nhị) vào thời cổ biểu thị trời và đất. Khi tạo chữ, thêm một nét ngang trên chữ (nhị), dùng để chỉ luồng khí lưu động giữa trời và đất. Để khu biệt với chữ (tam), kim văn đã đem phần dưới của chữ ở giáp cốt văn biến thành nét gãy. Triện văn theo tự hình của kim văn, xác định tự hình của chữ (khí) ngày nay.

Câu chuyện Hán tự: Nhất cổ tác khí 一鼓作气

          Giải thích ý nghĩa

          Thành ngữ “nhất cổ tác khí” 一鼓作气dùng để ví, khi làm một việc có sự phấn chấn, trong phút chốc hoàn thành. Hàm ý động viên khuyến khích. Cổ ở đây có nghĩa là đánh trống trận, phấn chấn lên.

Câu chuyện thành ngữ

          Thời Xuân Thu có một lần, đại quốc là Tề đánh lân quốc là Lỗ. Binh đến dưới thành, quốc quân nước Lỗ là Lỗ Trang Công 鲁庄公phát động đàn ông con trai trong cả nước ở độ tuổi đi lính đều tham gia quân dội chuẩn bị chống địch. Lúc bấy giờ có một người tên Tào Quế 曹刿phấn dũng, xin được cùng Lỗ Trang Công đi đánh.

          Lỗ Trang Công sau khi cùng Tào Quế bàn luận qua, rất phục, mời ông cùng ngồi một chiến xa. Quân Lỗ dàn xong thế trận, Lỗ Trang Công mệnh lệnh đánh trống tiến công. Tào Quế liền ngăn lại, nói rằng:

          -Thưa chúa công. Thời cơ chưa đến, không thể tấn công.

          Lỗ Trang Công đành thôi.

          Đối mặt với quân Tề ba lần đánh trống, phát ba lần mệnh lệnh, Tào Quế quan sát kĩ mới nói với Lỗ Trang Công:

-Bây giờ có thể tấn công được rồi.

          Thế là, quân Lỗ đánh trống tiến công, binh sĩ như mãnh hổ từ trên núi xuống xông vào quân Tề, cuối cùng đánh bại được quân Tề.

          Lỗ Trang Công đang muốn hạ lệnh toàn quân truy kích, Tào Quế ngăn lại, đồng thời xuống xe quan sát dấu vết chiến xa của quân Tề, sau đó lại lên xe, quan sát kĩ tình hình quân Tề tháo chạy, sau đó nói rằng:

          -Bây giờ có thể truy kích được rồi đó.

          Thế là quân Lỗ thế như chẻ tre, đánh đuổi quân Tề ra khỏi biên giới nước Lỗ.

          Sau trận chiến, Lỗ Trang Công hỏi Tào Quế:

          -Vì sao khanh làm như thế?

          Tào Quế đáp rằng:

          -Khi đánh trận, chủ yếu là dựa vào khí thế. Lúc đánh hồi trống đầu tiên, chí khí của binh sĩ đang vượng nhất; đánh hồi trống thứ hai, sĩ khí đã có giảm đi một chút; đến hồi trống thứ ba, khí thế của binh sĩ hoàn toàn suy yếu. Đợi quân Tề đánh xong ba hồi trống, chúng ta mới xung phong công kích, dùng khí thế toàn thịnh để đối phó với quân Tề mà sĩ khí đang suy yếu, cho nên chúng ta giành được thắng lợi. Tề là đại quốc, nhân tài đông, rất khó dự đoán họ giả vờ chiến bại mà có mai phục. Thần xem vết bánh xe của quân Tề rối loạn, cờ xí nghiêng ngả, thế là xác định là không có mai phục, mới yên tâm truy đuổi.

          Nghe qua mấy lời, Lỗ Trang Công rất kính phục Tào Quế.

Tri thức: Hãng dới nhất khí 沆瀣一气

          “Hãng dới nhất khí” 沆瀣一气dùng để ví hai người hợp ý câu kết với nhau. Thời Đường, trong một lần khoa cử khảo thí, có một người tên Thôi Dới 崔瀣rất có tài học. Quan chủ khảo tên là Thôi Hãng 崔沆, khi phê quyển của Thôi Dới đã vỗ án khen hay, bèn thâu nhận làm môn sinh.

          Sau khi ra bảng, môn sinh Thôi Dới bái chủ toạ Thôi Hãng, hai người rất hợp nhau. Cũng khéo là, hai chữ “hãng” và “dới” hợp lại thành một từ, biểu thị ý nghĩa hơi nước, sương móc ban đêm. Thế là mọi người đùa rằng:

Toạ chủ môn sinh, hãng dới nhất khí.

座主门生, 沆瀣一气

(Toạ chủ và môn sinh, hãng dới thành một khí)

Ý nghĩa là, hai người họ một thầy một trò giống như hơi nước ban đêm, sương móc tụ lại với nhau. Đây vốn là nói đùa, nhưng lưu truyền đến đời sau biến thành từ mang ý nghĩa chê bai.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng

                                                                          Quy Nhơn 09/10/2024

Nguồn

HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ

汉字的故事

Tác giả: Khúc Quân Vĩ 曲君伟, Lưu Di Phàm 刘怡帆

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2021

 

Previous Post Next Post