Dịch thuật: Khí chất hình tượng của kì lân

 

KHÍ CHẤT HÌNH TƯỢNG CỦA KÌ LÂN

          Kì lân 麒麟, là linh thú trong truyền thuyết cổ đại Trung Quốc, cùng với phụng, quy, long hợp xưng là “tứ linh” 四灵. Con đực là “kì” , con cái là “lân” , gọi chung là kì lân.

          Kì lân có thân như thân hươu, móng trong như móng ngựa, vảy như vảy cá, đuôi như đuôi trâu, trên đầu có một sừng, trên sừng có cục thịt. Không biết các bạn có phát hiện hay không, hai chữ “kì” và “lân” có chung một đặc điểm, đó chính là lấy chữ “lộc” 鹿 làm thiên bàng. Điều này cũng nói rằng, người xưa khi tạo chữ này, kì thực đã cho chúng ta biết, kì lân là từ “lộc” 鹿 (hươu) diễn biến mà ra. Tính tình của “lộc” 鹿 ôn hoà, cử chỉ đoan trang nhãn nhặn. Tương truyền rằng, kì lân không bao giờ giậm lên côn trùng, không làm gãy cây cỏ, có sừng nhưng không làm nguy hại đến sinh linh, cho nên kì lân cũng được cho là “nhân thú” 仁兽. Người xưa cho rằng, kì lân là con vật cát tường nhất trong “tứ linh”, ngụ ý thái bình, trường thọ, cầu phúc, an hoà, tị tà, hoá sát, vượng tài… Nhân đó, người thời cổ luôn hi vọng kì lân làm bạn với mình, mang đến cho mình sự may mắn và tươi sáng, trừ khử những điều bất tường. Kì lân cũng được lọt vào mắt của các đế vương, được xem là điềm lành cho đất nước.

          Trước Từ Ninh môn 慈宁门với khí thế hoành tráng ở Cố cung  có một cặp kì lân mạ vàng, Cặp kì lân này chiều dài 1m37, cao 1,41, cũng gần cao gần bằng một nam sinh. Ngoại hình là đầu rồng, sừng hươu, trên thân còn có vảy rồng xếp liền nhau, móng ngựa, đuôi sư tử, bốn chân cùng phần lưng phủ lông hình ngọn lửa, hai mắt nhìn về phía trước, đầu ngẩng lên, lộ rõ thần thái.

Nguồn gốc của kì lân

          Sự xuất hiện của thần thú, thông thường là từ câu chuyện thần thoại mà ra. Kì lân sở dĩ có thể thành thánh thú trong mắt người xưa, nhận được sự yêu thích của mọi người qua các triều đại, đương nhiên là không thể thiếu sự xuất hiện cảnh tượng mang màu sắc kì ảo.

          Tương truyền, con kì lân đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc là vào thời Xuân Thu, Đêm trước của ngày Khổng Tử 孔子giáng sinh, có một con kì lân giáng xuống Khổng phủ, đồng thời miệng nhả ra một cuốn bạch thư, bên trên có viết:

Thuỷ tinh chi tử tôn, suy Chu nhi Tố vương, trưng tại hiền minh.

水精之子孙, 衰周而素王, 征在贤明.

          (Con cháu của Thuỷ tinh, sẽ là Tố vương (1) lúc nhà Chu suy, hiển hiện rõ đức hiền minh)

          Ý nói đứa bé này không phải là người phàm, mà là con cháu của tạo hoá tự nhiên. Đứa bé tuy không phải là đế vương, nhưng lại có đức của đế vương.

          Ngày hôm sau, Khổng Tử giáng sinh, người nhà Khổng Tử vô cùng vui mừng, cho rằng kì lân là điềm tường thuỵ, lền đem một quả cầu vải ngũ sắc buộc lên sừng kì lân để bày tỏ lòng cám ơn. Từ đó, có thuyết “lân thổ ngọc thư” 麟吐玉书 và “kì lân tống tử” 麒麟送子. Dân gian xem sự giáng lâm của kì lân là sự hưng vượng của gia tộc, tượng trưng cho con cháu hiền lương. Nhân vì kì lân luôn hiện thân cho thái bình thịnh thế, cho nên nó lại trở thành đại biểu cho trường thọ và tốt đẹp, cầu được mùa màng phong phú, phúc lộc dồi dào.

Chú của người dịch

1-Tố vương 素王: có đức của đế vương nhưng không ở ngôi vị đế vương.

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 24/10/2024

Nguồn

GIÁ LÍ THỊ CỐ CUNG

TRẤN THỦ THẦN THÚ

这里是故宮

鎮守神兽

Chủ biên: Hướng Tư 向斯

Bắc Kinh: Trung Quốc thuỷ lợi thuỷ điện xuất bản xã. 2020

Previous Post Next Post