Dịch thuật: Khảo thí xưng hùng - "Học bá"

KHẢO THÍ XƯNG HÙNG – “HỌC BÁ”

          “Học bá” 学霸có hai hàm nghĩa:

          -Chỉ một người bình thường khắc khổ nỗ lực, khi thi luôn được điểm cao.

         -Chỉ người nắm giữ giới học thuật, giới giáo dục hoặc bá chủ có vị cao quyền trọng trong giới học thuật và giới giáo dục.

          Nhưng, được xem là từ ngữ lưu hành, người ta nói “học bá” 学霸thường dùng để chỉ loại người thứ nhất.

          Chữ “bá” , người ta rất dễ dàng liên tưởng đến những từ như “bá đạo” 霸道 “bá chiếm” 霸占, “bá vương” 霸王.

Chính xác. Bất luận là trong Hán ngữ cổ đại hay Hán ngữ hiện đại, “bá”  đều là “biếm nghĩa từ” (từ mang ý chê bai).

          Nhưng, lúc ban đầu trong giáp cốt văn, “bá” có nghĩa là ánh sáng trăng có sắc trắng. Cho nên, có học giả cho rằng: chữ ‘bá” cổ đại và chữ “bạch” là từ đồng nghĩa.

          Trong “Quốc ngữ” 国语giải thích chữ “bá” là:

Bá, bả dã; bả trì chư hầu chi quyền.

, 把也; 把持诸侯之权

(Bá là nắm giữ, nắm quyền chư hầu)

          “Bá” ở đây ý nghĩa là vị thủ lĩnh của liên minh chư hầu ở thời Xuân Thu.

          Từ đời Nguyên về sau, “bá” lại dẫn đến ý nghĩa chỉ người cậy quyền thế hoặc thực lực hoành hành một phương. Như trong “Đại Minh hội điển” 大明会典có đoạn:

          Gia Tĩnh thập niên đề chuẩn, sinh viên nội hữu điêu bát vô sỉ chi đồ, hiệu xưng học bá, tứ ý phi vi …..

          嘉靖十年題准, 生員內有刁泼无耻之徒, 号称学霸恣意非为.

          (Năm Gia Tĩnh thứ 10 tấu kinh qua hoàng đế phê chuẩn, trong đám sinh viên có bọn điêu toa ngang ngược vô sỉ, xưng là “học bá”. Mặc tình làm bậy …..)

          Trong “Nhị khắc phách án kinh kì – quyển tứ” 二刻拍案惊奇 - 卷四cũng có chép:

          Kì thời thuộc hạ hữu cá học bá lẫm sinh, tính Trương danh Dần.

          其时属下有个学霸廪生, 姓张名寅.

          (Lúc bấy giờ trong đám thuộc hạ, có một lẫm sinh học bá, họ Trương tên Dần.)

          “Học bá” 学霸 ở đây là người nắm giữ giáo dục và chủ trì địa phương.

          Các xưng hô “học bá” 学霸 hiện đang lưu hành, hoàn toàn không xa rời hai ý nghĩa của chữ “bá” . Do đó, gọi một người có thành tích học tập ưu tú khác thường là “học bá” 学霸là có căn cứ lịch sử. 

                                                                      Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 25/10/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH XƯNG HÔ

中国人的称呼

Biên soạn: Lưu Nhất Đạt 刘一达

Tranh vẽ: Mã Hải Phương 马海方

Bắc Kinh: Trung dịch xuất bản xã, 2022 

Previous Post Next Post