Dịch thuật: Bế môn canh

 

BẾ MÔN CANH 

          “Bế môn canh” 闭门羹thường dùng để ví bị từ chối một cách khéo léo. Nhờ đối phương giúp đỡ mà đối phương không trả lời hoặc né tránh đóng cửa không tiếp. bạn chỉ có thể đợi ở ngoài cửa, ấy là đã ăn “bế môn canh” 闭门羹. “Canh” ở đây là loại gì? Phía sau nó lại có một câu chuyện như thế nào?

          “Canh” vào thời cổ chỉ món canh thịt dê, sau này những thứ như lương thực,  rau củ quả cũng có thể làm canh, như hiện nay chúng ta ăn “túc mễ canh” 粟米羹, “liên tử canh” 莲子羹 v.v… Hiện tại chúng ta đem những món phổ thông có nước gọi là canh.

          Từ “bế môn canh” 闭门羹được thấy đầu tiên trong “Vân Tiên tạp kí” 云仙杂记 của Phùng Chí冯贽 đời Đường. “Vân Tiên tạp kí”  đã dẫn một đoạn trong “Thường tân lục” 常新录:

          Sử Phụng, Tuyên Thành kĩ dã.  Đãi khách dĩ đẳng sai ….. hạ liệt bất tương kiến, dĩ bế môn canh đãi chi.

          史凤, 宣城妓也. 待客以等差 ….. 下列不相见, 以闭门羹待之.

          (Sử Phụng là kĩ nữ ở Tuyên Thành. Tiếp đãi khách dựa theo cấp bậc. ….. Loại khách cấp thấp thì không cho gặp, lấy bế môn canh để đãi họ.

          Theo truyền thuyết, vào thời Đường, Sử Phụng 史凤 ở Tuyên Thành 宣城là một danh kĩ, không chỉ tư dung tuyệt đẹp, mà tài nghệ cũng không ai sánh bằng. Ví dụ như cô ta từng làm bài thơ:

Đăng toả liên hoa hoa chiếu lôi

Thuý điền đồng tuý Sở đài ngôi

Tàn hôi dịch bãi huề tiêm thủ

Dã thắng kim liên tống khước hồi

灯琐莲花花照罍

翠钿同醉楚台巍

残灰剔罢携纤手

也胜金莲送却回

(Giá đèn đỡ hoa sen trên trụ, hoa sen chiếu vào li rượu

Trên đầu trang sức “thuý điền” cao cao như Sở đài

Với đôi tay nhỏ nhắn, sau khi nàng khêu hết tim đèn

Đã quay trở về với bước đi uyển chuyển hơn cả gót sen)

          Thế là có rất nhiều đàn ông con trai nghe tiếng nàng mà tìm tới, hi vọng được kết giao. Nhưng không phải ai cũng được toại nguyện, bởi nàng đã có quy định: Những ai muốn gặp nàng phải làm một bài thơ, nếu thơ không hay, sẽ bị nàng cho người đem bát “canh” ra để cự tuyệt.

          Lấy canh đãi khách mang ý nghĩa từ chối tiếp kiến, cho nên người ta đem loại canh này gọi là “bế môn canh” của Sử Phụng. Sau khi câu chuyện này được lưu truyền, người ta đã đem “bế môn canh” chỉ sự cự tuyệt. Hiện chỉ dùng “bế môn” 闭门mà không có “canh” để đãi.

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 14/10/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN

中国文化 1000

Tác giả: Địch Văn Minh 翟文明

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2010

Previous Post Next Post