Dịch thuật: "Đại phu", "Lang trung" là tên chức quan ....

 

“ĐẠI PHU” “LANG TRUNG” LÀ TÊN CHỨC QUAN

VÌ SAO LẠI DÙNG ĐỂ CHỈ THẦY THUỐC

          Trung y có rất nhiều biệt xưng, thời cổ có cách nói “Kì Hoàng” 岐黄, “hạnh lâm” 杏林. Từ đời Tống về sau, người ta dùng “đại phu” 大夫, “lang trung” 郎中để gọi “y sinh” 医生 (thầy thuốc).

          “Đại phu” 大夫, “lang trung” 郎中vốn là tên chức quan. Bắt đầu từ thời Tây Chu, đương thời, quan viên trong triều phân làm ba cấp, đó là khanh , đại phu 大夫, sĩ . Đại phu có thể thế tập lại còn có phong địa. Từ đời Tần Hán về sau, chức vụ quan trọng ở trung ương có Ngự sử đại phu 御史大夫, cấp thấp hơn có Gián nghị đại phu 谏议大夫, Trung đại phu 中大夫, Quang lộc đại phu 光禄大夫. Thời Đường Tống vẫn còn Ngự sử đại phu cùng Gián nghị đại phu, đến thời Minh thì phế bỏ.

          “Lang trung” 郎中lúc ban đầu là quan viên tuỳ tùng của hoàng đế. Thời Chiến Quốc bắt đầu thiết lập, chủ yếu đảm nhiệm chức năng bảo vệ, kiến nghị. Sau thời Tuỳ Đường, quốc gia thực hành chế độ “tam sảnh lục bộ” 三省六部, dưới các bộ thiết lập các ti , vị trưởng quan các ti là “Lang trung” 郎中. Chức năng cùng với thời Tần Hán có sự khu biệt rất lớn. Theo “Minh sử” 明史quyển 72 “Chức quan nhất” 职官一có chép:

          Dưới Bộ công thiết lập 4 Thanh lại ti là  “Doanh thiện” 营缮, “Ngu hành” 虞衡, “Đô thuỷ” 都水, “Đồn điền” 屯田, các ti có 1 Lang trung 郎中 (chánh ngũ phẩm), 1 Viên ngoại lang 员外郎 (tùng ngũ phẩm), 2 Chủ sự 主事 (tùng lục phẩm).

          Có thể thấy, danh xưng hai từ này vốn chỉ chức quan, có từ rất sớm. Thế thì đến lúc nào bắt đầu dùng “đại phu”, “lang trung” để gọi “y sinh” (thầy thuốc)? hàm nghĩa lúc ban đầu của “y sinh” gì?

          “Y sinh” hiện phiếm chỉ tất cả những người hành nghề y, nhưng lúc ban đầu dùng để chỉ học sinh học ngành y, được thấy đầu tiên ở “Đường lục điển” 唐六典:

Y sinh tứ thập nhân

医生四十人

(Y sinh 40 người)

          Triều Đường, trường học bắt đầu mở ngành y, thu nhận học sinh.

          Triều Tống, chế độ y sự và giáo dục y học phát triển cao độ, chức quan nắm giữ các sự vụ về y liệu không ngừng tăng nhiều. Đương thời, quốc gia đem các quan về ngành y của “Hàn lâm Y quan viện” 翰林医官院  định làm 7 cấp, 22 loại, như: Hoà An đại phu 和安大夫, Thành Hoà đại phu 成和大夫, Thành Toàn đại phu 成全大夫, Bảo An đại phu 保安大夫v.v… Do đó, người ta bắt đầu gọi y sinh là “đại phu”. Sau thời Ngũ Đại, chức quan dần phiếm lạm. Để biểu thị sự tôn kính đối với chức nghiệp của y sinh, người ta bèn gọi y sinh là “lang trung”, “đại phu”.

          Về địa vực sử dụng, tồn tại sự sai biệt nhất định. “Đại phu”, nói chung được sử dụng ở phía bắc, “lang trung” được sử dụng phổ biến ở phía nam. Từ đây chúng ta có thể thấy, chức nghiệp của y sinh vào thời cổ có địa vị tương đối cao, từng có câu:

Bất vi lương tướng, tắc vi lương y.

不为良相, 則为良医

(Không làm lương tướng, thì làm lương y) 

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 02/10/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN

中国文化 1000

Tác giả: Địch Văn Minh 翟文明

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2010

Previous Post Next Post