Sáng tác: Tây giang nguyệt - Kiều hạ thanh thanh lưu thuỷ (HCH)

 

西江月

橋下清清流水

橋邊楊柳垂絲

池塘哇嘯落花飛

滿地月光千里

似箭如梭莫費

韶光綠暗紅稀

羅浮好夢總難知

便足心中得喜

TÂY GIANG NGUYỆT

Kiều hạ thanh thanh lưu thuỷ

Kiều biên dương liễu thuỳ ti

Trì đường oa khiếu lạc hoa phi

Mãn địa nguyệt quang thiên lí

Tự tiễn như thoa mạc phí

Thiều quang lục ám hồng hi

La Phù hảo mộng tổng nan tri

Tiện túc tâm trung đắc hỉ

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 27/9/2024

Trì đường 池塘: ao đầm.

Oa : con ếch

Tự tiễn như thoa 似箭如梭: ý nói thời gian qua nhanh. Trong “Tăng quảng hiền văn” 增广贤文có câu:

光阴似箭, 日月如梭

Quang âm tự tiễn, nhật nguyệt như thoa

(Thời gian nhanh như tên bắn, ngày tháng nhanh tựa thoi đưa)

Lục ám hồng hi 绿暗红稀: Tức “màu xanh rậm rạp, màu hồng thưa thớt”,  ý nói thời gian đã vào lúc cuối xuân đầu hạ. Cuối xuân hoa còn lại thưa thớt, đầu hạ cành lá đã rậm rạp. Mượn từ câu trong bài Mộ xuân Sản thuỷ tống biệt 暮春滻水送别  của Hàn Tông 韩琮 thời Đường:

绿暗红稀出凤城

暮云楼阁古今情

行人莫听宫前水

流尽年光是此声

Lục ám hồng hi xuất Phụng thành

Mộ vân lâu các cổ kim tình

Hành nhân mạc thính cung tiền thuỷ

Lưu tận niên quang thị thử thanh

(Đương lúc lá xanh đã rậm, hoa xuân đã thưa, rời khỏi Kinh thành

Mây chiều sà xuống nơi lầu các, ẩn chứa biết bao tình cảm u buồn xưa nay

Người đi xa chớ có nghe tiếng nước chảy ở trước cung

Bởi vì làm trôi hết năm tháng chốn nhân gian chính là tiếng đó)

https://baike.baidu.com/item/%E6%9A%AE%E6%98%A5%E6%B5%90%E6%B0%B4%E9%80%81%E5%88%AB

          Câu 370 “thưa hồng rậm lục” trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã dịch từ cụm “lục ám hồng hi” này.

Lần lần, ngày gió đêm trăng

Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua

(“Truyện Kiều” 369 – 370)

La phù 羅浮: Truyền thuyết kể rằng, khoảng niên hiệu Khai Hoàng 開皇 nhà Tuỳ, Triệu Sư Hùng 趙師雄đến núi La Phù 羅浮gặp được một cô gái xinh đẹp, cả hai cùng uống rượu chuyện trò. Sư Hùng cảm thấy mùi thơm vây lấy cô gái, ngôn ngữ thanh lệ, bèn uống đến say. Lúc tỉnh dậy, thấy mình đang nằm dưới gốc cây mai lớn. Về sau người ta dùng “La Phù mộng” 羅浮夢 để chỉ hoa mai. Ở đây mượn chỉ nơi an lạc hạnh phúc như chốn Đào nguyên.

Tiện túc 便足: tức “tri túc tiện túc” 知足便足biết đủ thì là đủ.

          “Tri túc” 知足xuất từ Đạo đức kinh 道德經 của Lão Tử 老子:

          Chương 44:

知足不辱, 知止不殆

Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi

(Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên dừng thì không nguy)

          Chương 45:

禍莫大於不知足

Hoạ mạc đại ư bất tri túc

(Không hoạ nào lớn bằng không biết thế nào là đủ)

          Trong “Cách ngôn liên bích” 格言联璧 bộ sách cách ngôn tập thành do Kim Anh 金缨 đời Thanh biên tập có chép:

要足何时足, 知足便足

求闲不得闲, 偷闲即闲

Yếu túc hà thời túc, tri túc tiện túc.

Cầu nhàn bất đắc nhàn, thâu nhàn tức nhàn.

(Muốn cho được đủ thì biết khi nào mới đủ, biết đủ thì là đủ.

Cầu cho được nhàn thì không thể có được nhàn, trong công việc bận rộn, tranh thủ lúc rảnh nghỉ ngơi thì đó là nhàn)

Trong bài “Chữ nhàn”, Nguyễn Công Trứ cũng đã viết:

知足便足, 待足何時足

知閒便閒, 待閒何時閒

Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc?

Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?

(Biết đủ thì là đủ, đợi cho đủ thì biết khi nào mới đủ?

Biết nhàn thì là nhàn, đợi được nhàn thì biết khi nào mới nhàn?) 

Tạm dịch

Dưới cầu, dòng nước trong đang chảy

Bên cầu, dương liễu buông rủ dây tơ

 Lũ ếch kêu trong ao, hoa rụng đang bay trong gió

Ánh trăng trải dài trên mặt đất 

Thời gian qua nhanh như tên bắn như thoi đưa, chớ lãng phí

Giờ đã là lúc rậm lục thưa hồng xuân qua hạ đến

Giấc mộng đẹp La Phù khó mà biết được

Thôi thì biết đủ là đủ, trong lòng cũng đủ vui 

 

Previous Post Next Post