Dịch thuật: Vì sao "ô sa mạo" trở thành biệt xưng của quan vị

 

VÌ SAO “Ô SA MẠO” TRỞ THÀNH BIỆT XƯNG CỦA QUAN VỊ 

          Ngày nay, “ô sa mạo” 乌紗帽 (mũ ô sa) đã trở thành danh từ chỉ “quan vị” 官位. Thế thì, vì sao “ô sa mạo” trở thành biệt xưng của quan vị. Điều đó bắt đầu từ lúc nào?

          Ô sa mạo nguyên vốn là một loại mũ thường trong dân gian, nó chính thức trở thành “quan phục” 官服 là bắt đầu từ triều Tuỳ, hưng thịnh vào triều Đường, đến triều Tống lại thêm “song xí” 双翅 (hai cánh chuồn). Từ triều Minh về sau, đội ô sa mạo mới chính thức là danh từ chỉ việc làm quan.

          Thời Thành Đế 成帝triều Tây Tấn, quan viên làm việc trong cung đình đều phải đội loại mũ dùng sa đen (hắc sa 黑紗) làm thành, đó chính là “ô sa mạo” 乌紗帽sớm nhất. Thời Minh Đế 明帝nhà Tống thời Nam Triều, đối với loại mũ này, Vương Hưu Nhân 王休仁đã có sự cải tiến. Ô sa mạo sau khi cải tiến rất lưu hành đương thời, quan viên và cả bách tính đều thích đội. Ô sa mạo đương thời màu sắc và kiểu dạng không cố định, chỉ dựa vào sự yêu thích của cá nhân.

          Mãi đến thời Tuỳ Đường, ô sa mạo vẫn được xem là loại thường phục. Theo ghi chép trong “Trung Hoa cổ kim chú” 中华古今注:

Năm Vũ Đức 武德thứ 9 nhà Đường (năm 626), Đường Thái Tông Lí Thế Dân 唐太宗李世民 ban chiếu rằng: ‘Từ nay về sau, thiên tử đội ô sa mạo, bách tính sĩ thứ cũng đội nó.’

Nhưng để thích ứng với chế độ đẳng cấp của xã hội phong kiến, triều Tuỳ đã dùng ngọc trang sức lên ô sa mạo để thể hiện quan chức lớn nhỏ.

Đầu triều Tống, để ngăn chận các quan khi lên triều ghé tai thì thầm với nhau, Triệu Khuông Dận 赵匡胤  đã nghĩ ra một cách, cải biến kiểu dáng của ô sa mạo. Loại ô sa mạo này, kì thực gọi là “phốc đầu” 幞头, có hình vuông, bên trên cao thêm một cấp, bên trái bên phải ở phía sau phốc đầu, mỗi bên dài ra một chân (cước ), dùng sợi thiếc hoặc tre làm sườn, về sau dần đem hai cước kéo dài ra. Hình dáng loại phốc đầu này có vẻ trang nghiêm, kì thực quan viên khi lên triều rất là không tiện lợi. Còn các công sai có địa vị tương đối thấp đều đội loại phốc đầu “giao cước” 交脚 hoặc cước ngắn. Nhạc quan thì đội phốc đầu “ngưu nhĩ” 牛耳 (tai trâu), phốc đầu “ngân diệp cung cước” 银叶弓脚.

Thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 明太祖朱元璋, số mệnh của ô sa mạo có sự đột phát mang tính then chốt. Do bởi quan viên đặc biệt yêu thích đội ô sa mạo, triều đình bèn chính thức đưa nó vào loại phục sức của vương công bách quan khi lên triều và khi xử lí công vụ, đồng thời quy định:

“Phàm văn võ bách quan khi lên triều và lúc làm việc, nhất loạt phải đội ô sa mạo, mặc áo cổ tròn, thắt đai.”

Từ đó, ô sa mạo trở thành tiêu chí đặc hữu của quan viên.

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 03/9/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN

中国文化 1000

Tác giả: Địch Văn Minh 翟文明

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2010

Previous Post Next Post