Dịch thuật: Lan Đài, Đông Quán, Nhân Thọ Các

 

LAN ĐÀI, ĐÔNG QUÁN, NHÂN THỌ CÁC

          Lan Đài 兰台là nơi tàng trữ thư tịch trọng yếu của nhà Hán, nhà Hán thiết lập Ngự sử Trung thừa 御史中丞để quản lí, nhân đó đời sau gọi Ngự sử đài 御史台là Lan Đài 兰台. Học giả thời Đông Hán là Ban Cố 班固từng giữ qua chức quan này, nhận chiếu biên soạn sử thư, vì thế đời sau cũng gọi sử quan là Lan Đài 兰台.

          Đông Quán 东观được xem là tên điện xuất hiện tương đối sớm trong sử thư Trung Quốc, theo truyền thuyết, khi Khổng Tử 孔子giữ chức Tư khấu 司寇nước Lỗ, từng giết Thiếu Chính Mão 少正卯ở Đông Quán (1). Sau này dùng “Đông Quán chi ương” 东观之殃 để chỉ cái hoạ sát thân này, điều mà gọi là:

          Vị đổ công danh sở chí nhi kiến Đông Quán chi ương, thân đắc trọng tội, bất đắc dĩ thọ chung. (2)

          未睹功名所至而见东观之殃, 身得重罪, 不得以寿终.

          (Công danh chưa thấy đến mà đã thấy cái hoạ Đông Quán, thân mắc trọng tội, không được hưởng thọ chung.)

          Tàng thư lâu Đông Quán của cung đình triều Đông Hán toạ lạc tại Lạc Dương Nam cung 洛阳南宮. Hán Minh Đế Lưu Trang 汉明帝刘庄lúc tại vị, từng lệnh cho nhóm học giả Ban Cố tại Đông Quán tu sửa Hán kỉ 汉纪, sau khi thành sách gọi là “Đông Quán Hán kỉ” 东观汉纪, đây là thành quả mà nhóm Ban Cố ra sức lợi dụng thư tịch phong phú của Đông Quán. Từ Hán Chương Đế Lưu Đát 汉章帝刘炟 (*) và Hán Hoà Đế Lưu Triệu 汉和帝刘肇về sau, Đông Quán trở thành nơi thu tập điển tịch chủ yếu trong cung đình. Năm Vĩnh Sơ 永初thứ 4 đời Hán An Đế 汉安帝, An Đế Lưu Hỗ 安帝刘祜chiếu lệnh cho yết giả Lưu Trân 刘珍và Ngũ kinh Bác sĩ 五經博士, hiệu chỉnh lại Ngũ Kinh, chư tử, truyện kí, bách gia nghệ thuật của Đông Quán (3). Từ đó về sau, Đông Quán trở thành danh từ chỉ nơi tàng thư và trứ thư của cung đình, dùng rộng rãi trong văn học. Như trong “Hoàng Hạ nhạc” 皇夏乐 của Dữu Tín 庾信triều Bắc Chu có câu:

Nam Cung nhạc dĩ khai, Đông Quán thư hoàn tụ (4)

南宮乐以开东观书还聚

(Nhạc Nam Cung đã mở, sách Đông Quán tụ về)

          Trong “Tấn thư” 晋书 của Phòng Huyền Linh 房玄龄đời Đường:

          (Tả) Khâu Minh kí một, Ban (Cố)  Mã (Tư Mã Thiên) điệt hưng, phấn hồng bút vu Tây Kinh, sính trực từ vu Đông Quán (5).

          () 丘明既没, (), (司马迁) 迭兴, 奋鸿笔于西京. 骋直词于东观

          (Tả Khâu Minh đã mất, Ban Cố, Tư Mã Thiên thay nhau nổi lên, vung bút viết nơi Tây Kinh, giục những từ trung trực nơi Đông Quán)

          Lan Đài 兰台, Đông Quán 东观 được xem là nơi tàng thư của cung đình trọng yếu triều Đông Hán. Học giả nổi tiếng Nguỵ Trưng 魏征đời Đường cũng đã ghi chép rõ ràng:

          Quang Vũ trung hưng, đốc háo văn nhã; Minh, Chương kế quỹ, vưu trọng kinh thuật, tứ phương hồng sinh cự nho phụ trật tự viễn nhi chí giả, bất khả thăng toán; Thạch thất, Lan Đài di dĩ sung tích, hựu vu Đông Quán cập Nhân Thọ Các tập tân thư, Hiệu thư lang Ban Cố, Phó Nghị đẳng điển chưởng yên (6).

          光武中兴, 笃好文雅; , 章继轨, 尤重經术, 四方鸿生鉅儒負帙自远而至者, 不胜算; 石室, 兰台弥以充积, 又于东观及仁寿阁集新书, 校书郎班固, 傅毅等典掌焉.

          (Quang Vũ trung hưng, rất thích văn nhã; Minh Đế, Chương Đế kế theo, càng coi trọng kinh thuật, hồng sinh cự nho bốn phương mang tráp từ xa đến, nhiều không kể xiết;  từ Thạch Thất, Lan Đài bổ sung đông đúc, lại như Đông Quán cùng Nhân Thọ Các thu tập tân thư, Hiệu thư lang Ban Cố, Phó Nghị cai quản nơi đó)

          Nhìn từ ghi chép của Nguỵ Trưng, nơi tàng thư trong cung đình triều Đông Hán. Trừ Thạch Thất 石室, Lan Đài 兰台, Đông Quán 东观ra, còn có Nhân Thọ Các 仁寿阁. Thạch Thất có thể là nơi tàng trữ hồ sơ án kiện triều Đông Hán. Về sau, triều Đông Hán còn có Bích Ung 辟雍, Tuyên Minh 宣明, Hồng Đô 鸿都đều là những nơi tàng trữ đồ thư trân quý.

Chú của nguyên tác

1-Thuyết uyển – Chỉ vũ 说苑 - 指武

2-Diêm thiết luận – Tụng hiền 盐铁论 - 颂贤

3-Hậu Hán thư – An Đế kỉ 后汉书 - 安帝纪

4-Dữu Tử Sơn tập – lục 庾子山集 -

5-Tấn thư – Trần Thọ truyện luận 晋书 - 陈寿传论

6-Tuỳ thư – Kinh tịch chí 隋书 - 經籍志

Chú của người dịch

*- Trong nguyên tác, tên của Hán Chương Đế in nhầm là “Lưu Huyễn” 刘烜, tôi theo “Từ điển Trung Việt” của Nxb Khoa học Xã hội ghi là “Lưu Đát” 刘炟.

                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                           Quy Nhơn 02/9/2024

Nguồn

LỊCH TRIỂU HOÀNG CUNG BẢO TỊCH

历朝皇宫宝籍

Tác giả: Hướng Tư 向斯

Bắc Kinh: Trung Quốc Văn sử xuất bản xã, 2002.

Previous Post Next Post