CỬU GIẢ BẤT QUY
Trong “Mạnh Tử - Tận tâm thượng”
孟子 - 尽心上có đoạn:
Nghiêu Thuấn, tính chi dã; Thang
Vũ, thân chi dã; Ngũ bá, giả chi dã. Cửu giả nhi bất quy, ô tri kì phi hữu dã.
尧舜, 性之也; 汤武, 身之也; 五霸假之也. 九假而不归, 恶知其非有也.
Ý nghĩa của đoạn này là:
Nghiêu Thuấn thực hành nhân nghĩa là
xuất phát từ bản tính; Thương Thang, Vũ Vương thực hành nhân nghĩa là do ra sức
mà làm; còn Xuân Thu ngũ bá thì mượn danh nhân nghĩa để làm thành nghiệp bá. Nếu
trường kì mượn danh nhân nghĩa mà không chịu trả, thì làm sao biết được họ
nguyên vốn là loại người không có nhân nghĩa? Ví dụ như trong “Huy chủ lục hậu
kí” 挥麈录后记quyển 7 của Vương
Minh Thanh 王明清đời Tống có chép:
Ổi tẫn chi dư, sở tồn bất đa. Chư
điệt bối bất năng cẩn thủ, hựu vi thân thích đạo khứ, hoặc tha nhân cửu giả bất
quy.
煨烬之余, 所存不多. 诸侄辈不能谨守, 又为亲戚盜去, 或他人九假不归.
(Nấu xong còn lại tro, có không nhiều,
mà mấy đứa cháu không cẩn thận giữ, lại bị bà con lấy trộm, hoặc người khác mượn
đã lâu mà chưa trả)
Hiện tại, có người dùng thành ngữ “cửu
giả bất quy” 九假不归 biểu thị ý nghĩa là
xin nghỉ phép đã lâu mà chưa trở lại làm việc, rõ ràng ở đây đã hiểu nhầm và sử
dụng sai.
Chữ 假 jiǎ (âm Hán Việt đọc là “giả”) nghĩa gốc
là ‘tá” 借 (mượn). Ý nghĩa
này trong Hán ngữ hiện đại không thể dùng đơn độc, nó chỉ bảo lưu trong một số
ít từ như “giả tá” 假借 (mượn), “giả toạ” 假座 (mượn nơi biểu diễn
hoặc nơi thi đấu, yến tiệc), “giả công tá tế tư” 假公济私 (lấy danh nghĩa
công để mưu lợi tư). Hiện nay mọi người đều quen dùng nó với ý nghĩa “bất chân
thực”, đây là nghía hậu khởi xuất hiện thời trung cổ.
Chữ 假 jià (âm Hán Việt đọc
là “giá”), theo “Quảng Vận – Mã vận” 广韵 - 祃韵có chép:
Giá, hưu giả dã.
假, 休假也
(Giá là nghỉ ngơi)
Như trong “Khải Đoạn chúng công thụ
giá cố sự” 启断众公受假故事 của Phạm Ninh 范宁 đời Tấn:
Ngũ nguyệt cấp điền giá, cửu nguyệt
cấp thụ y giá, vi lưỡng phan các thập ngũ nhật.
五月给田假, 九月给授衣假, 为两番各十五日
(Tháng 5 cho nghỉ việc để về làm ruộng,
tháng 9 cho áo mặc để chống rét, hai đợt nghỉ này mỗi đợt là 15 ngày)
Cách đọc và ý nghĩa này cúng sau đời Tấn mới xuất hiện. Thành ngữ “cửu giả bất quy” 九假不归xuất xứ từ trong “Mạnh Tử”, thời Tiên Tần chữ 假 này chưa có ý nghĩa là “nghỉ”, “xin nghỉ”. Sở dĩ dùng nhầm chính là do bởi chỉ biết nghĩa hiện này là “hưu giá” 休假 (nghỉ, nghỉ ngơi) của nó, mà không biết nghĩa cố của nó là “tá” 借(mượn), đó là đã phạm vào lỗi lấy nghĩa nay để giải thích nghĩa xưa.
Phụ
lục của người dịch
Chữ 假 theo “Hán Việt tự điển” của Thiều
Chửu.
-
“GIẢ”: Giả, như giả mạo 假冒, giả thác 假託.
Ví, như giả sử 假使, ví khiến.
-“GIÁ”, nghỉ tắm gội, vì thế nên xin phép nghỉ gọi là thỉnh giá 請假, thưởng cho nghỉ gọi là thưởng giá 賞假v.v…
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 14/9/2024
Nguồn
GIẢO VĂN TƯỚC TỰ
THOẠI THÀNH NGỮ
咬文嚼字话成语
Tác giả: Triệu Phi
Kiệt 赵丕杰
Bắc Kinh: Hoa ngữ
Giáo học xuất bản xã, 2018