Dịch thuật: Chuyết kinh

 

CHUYẾT KINH

          “Chuyết kinh” 拙荆 là từ khiêm xưng vào thời cổ của người có văn hoá đối với người vợ của mình, hiện tại, thỉnh thoảng bắt gặp, trong một vài bài văn của những người cao tuổi viết sẽ thấy từ này.

          Thế nào là “chuyết kinh” 拙荆? “Chuyết” (vụng về) ở đây không phải là hình dung từ, mà là khiêm xưng ngôi thứ nhất “ngã” (tôi).

          “Kinh” chính là bụi cây có gai mọc trên núi, ở đây cũng chỉ chiếc thoa dùng gai của cây để làm. “Thoa” là vật trang sức trên đầu của phụ nữ thời cổ.

          “Chuyết kinh” 拙荆 chính là người vợ vụng về của tôi.

          Tại sao lại lấy “kinh” để chỉ người vợ? Đó là từ một điển cố. Trung Quốc thời cổ, có một bộ sách chuyên giới thiệu những sự tích tiên tiến của những phụ nữ ưu tú của các triều trước gọi là “Liệt nữ truyện” 列女传. Trong bộ sách này, có giới thiệu nàng Mạnh Quang 孟光 – một phụ nữ mô phạm, giúp chồng dạy con, cần kiệm, giỏi việc nhà.

          Chồng của Mạnh Quang là ẩn sĩ nổi tiếng Lương Hồng 梁鸿 thời Đông Hán. Trong sách có câu:

Lương Hồng thê Mạnh Quang, kinh thoa bố quần.

梁鸿妻孟光, 荆钗布裙

(Vợ của Lương Hồng là Mạnh Quang, cài thoa bằng gai mặc váy vải thô)

          Câu đó có ý nghĩa gì? Chính là nói nàng Mạnh Quang vô cùng hiền thục, hết lòng chăm sóc gia đình, dạy con, cuộc sống vô cùng đơn giản. Đơn giản tới mức nào? Đó là lấy gai của cây làm thoa cài đầu, dùng vải thô để may làm váy mặc.

          Người phụ nữ đức hạnh như thế khiến đám đàn ông yêu quý, cho nên, đàn ông đời sau thường lấy sự tích nàng Mạnh Quang làm câu chuyện. Từ xưng hô  “chuyết kinh” đã ra đời như thế.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 26/9/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN ĐÍCH XƯNG HÔ

中国人的称呼

Biên soạn: Lưu Nhất Đạt 刘一达

Tranh vẽ: Mã Hải Phương 马海方

Bắc Kinh: Trung dịch xuất bản xã, 2022

Previous Post Next Post