Dịch thuật: Cầu thần vấn tiên (Tư Mã Thiên)

 

CẦU THẦN VẤN TIÊN

          Trong lúc Tư Mã Thiên chăm chỉ viết, Hán Vũ Đế lại say mê vào phép thuật cầu thần vấn tiên để mong trường sinh bất lão.

          Có một vị đạo sĩ từ Sơn Đông 山东đến tên là Thiếu Ông 少翁, nói rằng ông ta có biện pháp để Vũ Đế vào ban đêm nhìn thấy được Phi tử Lí phu nhân 李夫人đã mất. Vũ Đế không cần hỏi thật giả, phong ông ta làm Tướng quân. Tay đạo sĩ với dáng vẻ trang nghiêm đạo mạo này giả thần tác quỷ, dùng đèn phóng ra những bóng quỷ, bản thân ông vẽ lên tấm lụa mấy chữ kì hình quái dạng, cho trâu nuốt vào bụng, lúc làm phép giả vờ nói là trong bụng trâu có “kì thư”.

          Vũ Đế lập tức hạ lệnh giết trâu, quả nhiên tìm được “kì thư”. Nhưng bị người khác nhìn ra, bút tích của bộ “kì thư” này và chữ của đạo sĩ giống nhau.

          Màn kịch dối gạt bị vạch trần, Vũ Đế tỉnh ngộ! Nhưng Vũ Đế giết vị đạo sĩ Sơn Đông, chẳng bao lâu lại hoài nghi là đã giết lầm, lại âm thầm tiếc vị đạo sĩ Sơn Đông chưa hoàn thành kế hoạch cầu tiên của mình.

          Vũ Đế dường như đã uống phải mê hồn dược, lúc tỉnh, lúc mơ hồ. Để lấy lòng Vũ Đế tham sống sợ chết, có tâm lí cầu trường sinh bất lão,  một số đại thần xu nịnh lại dâng lên nhiều đạo sĩ khác khéo ăn nói. Vũ Đế luôn chấp mê bất ngộ, cho nên mặc dù đã phát hiện đạo sĩ dối gạt và đã bị giết chết, ông vẫn cho rằng đạo sĩ có thể là pháp lực chưa đủ, nhưng thuật “trường sinh bất lão” của thần tiên nhất định là có.

          Một số đại thần trong triều, nắm được tâm lí này của Vũ Đế, đã ngầm câu kết với đạo sĩ cầu thần vấn tiên, lấy lòng tâm lí Vũ Đế. Bất luận tế điển lớn nhỏ trong triều, vốn do nhóm của Tư Mã Đàm 司马谈chuyên về thiên văn và các sử quan lo việc tế tự trù hoạch, giờ Vũ Đế lại tin theo những lời hồ đồ của những đại thần này.

          Lúc này, lại xuất hiện một tay đạo sĩ giảo hoạt, tên là Công Tôn Khanh 公孙卿, ông ta đi khắp nơi rêu rao rằng mình có thiên thư dự ngôn. Trong thiên thư dự ngôn này viết rằng:

“Vị hiền quân thánh minh của triều Hán chúng ta chính là Vũ Đế. Vị hiền quân thánh minh cần phải ‘phong Thái sơn’, đến Thái sơn báo cáo với Thiên Đế công lao trị lí quốc gia của mình, sau đó đến tiểu sơn bên cạnh Thái sơn, báo cáo với Thần, mình đã có biện pháp cai trị vĩnh viễn thiên hạ. Chỉ cần hiền quân thánh minh cử hành lễ tế “phong thiện”, thì có thể thành thần tiên, lên được thiên đình.”

Vũ Đế nghe mấy luận điệu đó, trong lòng phơi phới, bèn lập tức triệu kiến Công Tôn Khanh, hỏi làm thế nào để có thể thành tiên. Công Tôn Khanh đề xuất ba điều kiện:

-Vũ Đế phải thường tuần du đến các danh sơn.

-Tuần du càng có cơ hội gặp được thần tiên. Muốn thành thần tiên còn cần phải tu luyện để câu thông với thần tiên.

-Hoàng Đế 黄帝ngày xưa đã tu luyện hơn trăm năm mới có thể câu thông với thần tiên, cho nên phải kiên nhẫn, hơn nữa, cấm chỉ bách tính nghị luận phản đối.

Ba điều kiện này, bất kể người mắt thường nào cũng có thể nhìn ra, đó là con đường đi không bao giờ tới, cũng không thấy được kết quả. Công Tôn Khanh dùng hoa ngôn xảo ngữ gạt Vũ Đế, Vũ Đế nhìn không ra, vẫn tin cho là thật.

Như vậy, Vũ Đế tâm phục khẩu phục bắt đầu làm theo cách nói của Công Tông Khanh, tuần du đến các đại danh sơn và những nơi mà trước đây Hoàng Đế 黄帝 từng đi qua. Tư Mã Thiên với thân phận Lang trung 郎中có cơ hội đi theo Vũ Đế, đến rất nhiều nơi mà trước đây chưa từng đến.

Năm Tư Mã Thiên 34 tuổi (năm 112 trước công nguyên), theo Vũ Đế tuần du đến núi Không Động 崆峒 (nay là phía tây huyện Bình Lương 平凉tỉnh Cam Túc 甘肃). Vũ Đế với một lòng cầu tiên đi đến, Tư Mã Thiên nắm bắt cơ hội này, đã hỏi thăm các phụ lão địa phương, hiểu rõ một số truyền văn về Hoàng Đế 黄帝.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 07/9/2024

Nguồn

TƯ MÃ THIÊN

司马迁

 Tác giả: Đặng Tương Tử 邓湘子

Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.

 

Previous Post Next Post