Sáng tác: Ngư ca tử - Nhược thuỷ Bồng Lai bất khổ tầm (HCH)

 

漁歌子

弱水蓬萊不苦尋

茶船香起樂身心

吹竹管

弄梧琴

春花秋月古詩吟

 NGƯ CA TỬ

Nhược thuỷ Bồng Lai bất khổ tầm

Trà thuyền hương khởi lạc thân tâm

Xuy trúc quản

Lộng ngô cầm

Xuân hoa thu nguyệt cổ thi ngâm

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 31/8/2024

Nhược thuỷ Bồng Lai弱水蓬萊

          Nhược thuỷ 弱水: Tên sông thời cổ. “Nhược” là yếu, người xưa cho rằng nhân vì sông không chở nổi thuyền nên có tên là “Nhược thuỷ”.

          Nguyên ở thiên Vũ cống 禹贡trong Thượng thư 尚书 có từ “Nhược thuỷ”:

Đạo Nhược thuỷ, chí vu Hợp Lê, dư ba nhập vu lưu sa.

导弱水, 至于合黎, 余波入于流沙

(Khơi sông Nhược đến núi Hợp Lê, nơi hạ du chảy vào sa mạc)

          Và trong Sơn hải kinh 山海经có ghi:

          Côn Luân chi bắc hữu thuỷ, kì lực bất năng thăng giới, cố danh Nhược thuỷ.

          昆仑之北有水, 其力不能胜芥, 故名弱水.

          (Phía bắc Côn Luân có sông, sức của nước không chở nổi cộng cỏ, cho nên có tên là Nhược thuỷ).

          “Giới” ở đây là cọng cỏ, chỉ con thuyền nhỏ, thuyền nhỏ như cộng cỏ mà không thể chở nổi, nên có tên như thế. Về sau phiếm chỉ nơi xa xôi hiểm ác, hoặc nơi sông nước mênh mông.

          Trong thần thoại cổ đại Trung Quốc, “Nhược thuỷ” cũng chỉ nhưng nơi sông biển hiểm ác khó vượt, như ở Hải nội thập châu kí – Phụng Lân châu 海内十洲记 - 凤麟洲có câu:

          Phụng Lân châu, tại tây hải chi trung ương, địa phương nhất thiên ngũ bách lí, châu tứ diện hữu Nhược thuỷ nhiễu chi, hồng mao bất phù, bất khả việt dã.

          凤麟洲, 在西海之中央, 地方一千五百里, 洲四面有弱水绕之, 鸿毛不浮, 不可越也.

          (Châu Phụng Lân ở giữa tây hải, đất vuông một ngàn năm trăm dặm, bốn phía của châu có sông Nhược bao quanh, cộng lông chim hồng cũng không nổi được, không thể vượt qua)

https://www.baike.com/wikiid/8989950198749866529?prd=attribute&view_id=455zztmv45m000

Bồng Lai 蓬莱: Cũng gọi là Bồng Lai sơn 蓬莱山, Bồng Hồ 蓬壶, Bồng Khâu 蓬丘 là đảo tiên ngoài biển đông trong truyền thuyết thần thoại thời Tiên Tần ở Trung Quốc, là nơi mà các vị đế vương thời cổ Trung Quốc truy cầu trường sinh bất lão.

          Theo Sơn hải kinh – Hải nội bắc kinh 山海经 - 海内北经có ghi:

Bồng Lai sơn tại hải trung

蓬莱山在海中

(Bồng Lai sơn ở trong biển)

          Trong Sử kí – Phong thiện thư 史记 - 封禅书 cũng có ghi:

          Tự Uy, Tuyên, Yên Chiêu sử nhân nhập hải cầu Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu , thử tam thần sơn giả, kì phó tại Bột Hải trung.

          自威, , 燕昭使人入海求蓬莱, 方丈, 瀛州, 此三神山者, 其傅在渤海中.

          (Từ Tề Uy Vương, Tề Tuyên Vương, Yên Chiêu Vương sai người ra biển tìm Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu, ba ngọn núi thần này theo truyền thuyết là ở trong Bột Hải.)

          Và trong Sử kí – Hiếu Vũ Đế bản kỉ 史记 - 孝武帝本纪có đoạn:

          Kì bắc trị đại trì, Tiệm Đài cao nhị thập dư trượng, danh viết Thái Dịch trì, trung hữu Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu, Hồ Lương, tượng hải trung thần sơn quy ngư chi thuộc.

          其北治大池, 渐台高二十余丈, 名曰太液池, 中有蓬莱, 方丈, 瀛州, 壶梁, 象海中神山龟鱼之属.

          (Phía bắc làm ao lớn, Tiệm Đài cao hơn 20 trượng, tên gọi là Thái Dịch trì, giữa ao có Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu, Hồ Lương, giống loại rùa cá ở núi thần trong biển.)

Cũng trong Sử kí – Hiếu Vũ Đế bản kỉ 史记 - 孝武帝本纪:

Kim Thượng phong thiện, kì hậu thập nhị tuế nhi hoàn, biến vu ngũ nhạc, tứ độc, nhi phương sĩ chi hậu từ thần nhân, nhập hải cầu Bồng Lai, chung vô hữu nghiệm.

今上封禅, 其后十二岁而还, 变于五岳四渎, 而方士之候祠神人, 入海求蓬莱, 终无有验.

(Đức kim thượng phong thiện, sau mười hai năm mới trở lại tế hết ngũ nhạc tứ độc. Còn các phương sĩ hầu thần nhân, ra biển tìm Bồng Lai, nhưng rốt cuộc không ứng nghiệm)

Còn trong Thập di kí – Cao Tân 拾遗记 - 高辛của Vương Gia 王嘉 đời Tấn có ghi:

Tam Hồ tắc hải trung tam sơn dã. Nhất viết Phương Hồ, tắc Phương Trượng dã; nhị viết Bồng Hồ, tắc Bồng Lai dã; tam viết Doanh Hồ, tắc Doanh Châu dã, hình như hồ khí.

三壶则海中三山也. 一曰方壶, 则方丈也; 二曰蓬壶, 则蓬莱也; 三曰瀛壶, 则瀛州也, 形如壶器.

(Tam Hồ là ba ngọn núi ở trong biển. Một là Phương Hồ tức Phương Trượng. hai là Bồng Hồ tức Bồng Lai; ba là Doanh Hồ tức Doanh Châu. Hình dạng giống như chiếc bình (hồ).)

https://baike.baidu.com/item/%E8%93%AC%E8%8E%B1/16543334

Trong quá trình truyền bá và phát triển, ý nghĩa “Nhược thuỷ” đã có sự cải biến, thường đi chung với Bồng Lai hoặc Đào nguyên để chỉ nơi tiên ở, và cũng dùng để chi nơi có phong cảnh đẹp. Thành ngữ “Bồng Lai Nhược thuỷ” 蓬萊弱水 (non Bồng nước Nhược). Trong văn học Việt Nam cũng thường sử dụng thành ngữ này, như trong bài Hương Sơn nhật trình của Chu Mạnh Trinh có câu:

Bồn bề bát ngát mệnh mông

Biết đâu nước Nhược non Bồng là đâu.

Theo tư liệu http://www.gocnhin.net/cgi-bin/viewitem.pl?5416, hai câu trong bài Hương Sơn nhật trình là:

Bầu trời man mác xa trông

Biết đâu nước Nhược non Bồng là đâu

Trong bài “Hương Sơn phong cảnh – Động Hương Tích” của Dương Khuê :

Chẳng Bồng Lai Nhược thuỷ cũng thần tiên

Rõ ràng “Đệ nhất Nam thiên”

          Hoặc trong Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái:

          Thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm làm một kiếp, mà ngơm ngớm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh.

          Và trong bài phú của Nguyến Bá Lân:

Nguồn Đào kia cũng nguồn Đào

Nước Nhược nọ cùng nước Nhược

          (Nguyễn Thạch Giang: “Tiếng Việt trong thư tịch cổ” quyển 1, nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2002)

Trà thuyền 茶船: Cũng gọi là “trà thác” 茶托, “trản thác” 盏托, “trà thác tử” 茶托子. Thời cổ Trung Quốc đã lưu hành một loại khay để đựng chén trà. Bắt đầu thừ thời Nam triều, để đề phòng tay bị phỏng, người ta đã làm ra một vật đựng có dạng như chiếc thuyền để đựng, gọi đó là “trà thuyền” 茶船 hoặc “trà chu” 茶舟.

Theo “Trung Quốc trà văn hoá” 中国茶文化của Kha Thu Tiên 柯秋先:

Lúc pha trà, đặt bình trà vào trong trà thuyền. Trước đây, khi pha trà thường đem nước đầu tiên đổ vào trà thuyền, nhưng sau khi nước trà trong trà thuyền nguội đi sẽ ảnh hưởng đến độ ấm của ấm trà, xem ra cũng không được vệ sinh, cho nên trà thuyền hiện nay đa phần thiết kế trẹt, cũng chính là chỉ có công năng đựng bình trà, không có công năng đựng nước trà……

“Trà thác” là dùng để đựng chén trà, để tránh nhân vì chén trà ướt mà làm ố bàn trà.

Tạm dịch

Chẳng cần phải khổ công tìm kiếm non Bồng nước Nhược

Một chén trà toả hương thơm cũng cảm thấy thân tâm an lạc

Thổi sáo trúc

Khảy đàn cầm

Xuân đến ngắm hoa, thu về thưởng nguyệt, ngâm đọc thơ xưa.

Previous Post Next Post