Dịch thuật: Vì sao gọi Đường Huyền Tông là "Minh Hoàng", gọi Dương Quý Phi là "Thái Chân"

 

VÌ SAO GỌI ĐƯỜNG HUYỀN TÔNG LÀ “MINH HOÀNG”

GỌI DƯƠNG QUÝ PHI LÀ “THÁI CHÂN”

          Đường Huyền Tông Lí Long Cơ 唐玄宗李隆基 còn được gọi là “Đường Minh Hoàng” 唐明皇, là vị hoàng đế nổi tiếng của triều Đường Trung Quốc. Thời kì đầu ông chấp chính, xã hội ổn định, chính trị trong sáng, kinh tế phồn vinh mà trước đó chưa từng có, triều Đường tiến vào thời kì đỉnh thịnh, người đời sau gọi thời kì đó là “Khai Nguyên thịnh thế” 开元盛世. Hậu kì thời Đường Huyền Tông, ông ham hưởng lạc, sủng tín Dương Quý Phi 杨贵妃, đồng thời còn nhậm dụng gian thần như Dương Quốc Trung 杨国忠, Lí Lâm Phủ 李林甫, dẫn đến phát sinh loạn An Sử 安史, triều Đường bắt đầu từ chỗ cường thịnh đi đến chỗ suy yếu.

          “Huyền Tông: 玄宗là miếu hiệu của Lí Long Cơ. Thuỵ hiệu của ông là:

Chí Đạo Đại Thánh Đại Minh Hiếu Hoàng Đế

至道大圣大明孝皇帝

Nói tắt là “Đường Minh Hoàng” 唐明皇.

          Dương Quý Phi 杨贵妃là phi tử sủng tín của Đường Minh Hoàng, một trong tứ đại mĩ nữ của Trung Quốc cổ đại. Dương Quý Phi tiến cung vào hậu kì thời Khai Nguyên 开元. Bạch Cư Dị 白居易trong “Trường hận ca” 长恨歌có viết:

Xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi

Tùng thử quân vương bất tảo triều

春宵苦短日高起

从此君王不早朝

(Buồn bực đêm xuân ngắn, mặt trời lên cao mới dậy

Từ đó quân vương không nghĩ đến việc chầu sớm nữa)

Miêu tả Dương Quý Phi sau khi nhập cung có được ân sủng. Đường Minh Hoàng đắm say mĩ sắc, dần bỏ phế việc triều chính.

          “Thái Chân” 太真là hiệu của Dương Quý Phi. Theo “Cựu Đường thư – Hậu phi truyện thượng – Huyền Tông Dương Quý Phi”  旧唐书 - 后妃传上 - 玄宗杨贵妃có chép:

Thời Phi ý Đạo sĩ phục, hiệu viết ‘Thái Chân’.

时妃衣道士服号曰太真

(Lúc bấy giờ Quý phi mặc y phục Đạo sĩ, có hiệu là ‘Thái Chân’)

Thi nhân La Ẩn 罗隐thời Đường trong bài thơ “Mẫu đơn” 牡丹có nói:

Nhật vãn cánh tương hà sở tự

Thái Chân vô lực bằng lan can

日晚更将何所似

太真无力凭栏干

(Đến lúc xế chiều hoa mẫu đơn như thế nào

Thấy giống như nàng Thái Chân uể oải dựa lan can)

          Vương Thực Phủ 王实甫đời Nguyên trong “Tây sương kí” 西厢记bản thứ 2, màn thứ 1 có câu:

          (Oanh Oanh) hữu khuynh quốc khuynh thành chi dung; Tây Tử, Thái Chân chi nhan.

          (莺莺) 有傾国傾城之容; 西子, 太真之颜.

          ((Nàng Oanh Oanh) dung mạo nghiêng nước nghiêng thành, có nhan sắc của Tây Tử, Thái Chân)

          Trong “Long cao kí” 龙膏记của Dương Đĩnh 杨珽 đời Minh có câu:

          Phong nhược hữu dư, nhu nhược vô cốt, trách trách Thái Chân, Phi Yến, khoáng thế kiêm trường.

          丰若有余, 柔若无骨, 啧啧太真, 飞燕旷世兼长.

          (Đầy đủ như có dư, mềm yếu như không có xương, tặc lưỡi ngợi khen Thái Chân, Phi Yến, có đủ cả hai điều đó mà trên đời này không ai có được)

          “Thái Chân” 太真vốn là khí hỗn độn. Theo “Văn tuyển” 文选:

Khải thái chân chi phủ cách hề, siêu di vật nhi độ tục.

启太真之否隔兮, 超遗物而度俗

(Khai thông chân khí bị che lấp, đưa di vật đến với thế tục)

Lí Thiện 李善đã chú câu này là;

Thái chân, thái cực chân khí dã.

太真, 太极真气也

(Thái chân là chân khí của thái cực)

          Trong “Tử Hoa Tử - Dương Thành Tư Cừ vấn” 子华子 - 阳城胥渠问 có ghi:

Thái chân phẩu cát, thông chi nhi vi nhất, li chi nhi vi lưỡng, các hữu tinh chuyên, thị danh âm dương.

太真剖割, 通之而为一, 离之而为两, 各有精专, 是名阴阳.

(Bổ đôi thái chân ra, thông với nhau thành một, tách rời ra làm hai, mỗi phần đều có tinh tuý riêng, đó gọi là âm dương)

          Đương Quý Phi thích mặc y phục Đạo sĩ, cho nên gọi là “Thái Chân”. Điều này đương nhiên có liên quan đến việc tôn Nho trọng Đạo của triều Đường. còn “Huyền Tông” là miếu hiệu của Minh Hoàng, cho thấy rõ ông là vị hoàng đế có hứng thú với Đạo giáo.

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 21/8/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN

中国文化 1000

Tác giả: Địch Văn Minh 翟文明

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2010

Previous Post Next Post