Dịch thuật: Trịnh Hoằng (Tể tướng Trung Quốc)

 

TRỊNH HOẰNG

          Trịnh Hoằng 郑弘 (? – năm 88), tự Cự Quân 巨君. Tể tướng thời Hán Chương Đế 汉章帝, một trong những hiền tướng nhà Đông Hán. Bệnh mất.

          Trịnh Hoằng 郑弘, người Cối Kê 会稽 Sơn Âm 山阴 (nay là thành phố Thiệu Hưng 绍兴 tỉnh Chiết Giang 浙江). Từ sớm đã nhậm chức Hương sắc phu 乡啬夫, sau được Thái thú Đệ Ngũ Luân 第五伦tán thưởng, triệu làm Đốc Bưu 督邮, cử làm Hiếu liêm 孝廉. Ông từng bái Thái thú Hà Đông 河东 là Tiêu Huống 焦贶 làm thầy. Sau Tiêu Huống bị liên luỵ vào vụ án Sở Vương Lưu Anh 楚王刘英, bị bắt thân vong, vợ ông cũng bị bắt khảo tra nhiều năm. Bạn bè cũ của Tiêu Huống ngày trước thấy cả nhà ông suy bại, sợ bị liên luỵ nên lần lượt tránh xa, thậm chí có người còn thay tên đổi họ. Riêng một mình Trịnh Hoằng đến kinh thành, đến trước cổng hoàng cung dâng thư kêu oan cho ông. Chương Đế rất cảm động, biết Tiêu Huống bị oan, bèn hạ lệnh phóng thích gia thuộc của ông, Trịnh Hoằng đích thân đưa họ về quê nhà . Từ đó, thanh danh của Trịnh Hoằng vang xa.

          Trịnh Hoằng trước sau từng nhậm qua các chức Huyện lệnh huyện Trâu , Thái thú Hoài Dương 淮阳. Trong thời gian nhậm chức, ông thi hành nhân chính, khoan sức dân, rất có chính tích. Trải qua nhiều lần được thăng chức, vào những năm đầu thời Kiến Sơ 建初được bái làm Thượng thư lệnh 尚书令, giữ việc cơ yếu, ông đồng thời đề xuất không ít chính kiến hay. Sau lại được giữ chức Đại tư nông 大司农. Thời gian nhậm chức Đại tư nông, kinh thành qua lại với Giao Chỉ 交趾 (nay là Việt Nam Nhân dân Cộng hoà quốc) chỉ dựa vào đường biển, vô cùng gian nan, Ông dâng tấu xin mở đường núi Linh Lăng 零陵, Quế Lăng 桂陵, rút ngắn cự li giữa hai bên, trong hai năm tiết kiệm được một khoản chi rất lớn, Đương lúc thiên hạ gặp nạn hạn hán, dân đói lưu lạc khắp nơi, ông lại dâng tấu xin giảm miễn dao dịch thuế khoá, giảm nhẹ gánh nặng cho bách tính.

          Năm 85, Trịnh Hoằng được bái làm Thái uý 太尉. Đương thời, Đệ Ngũ Luân làm Tư không 司空, xếp dưới ông. Ông cảm thấy lúc ban đầu Đệ Ngũ Luân đề bạt mình, nay mình ở vào vị trí trên Đệ Ngũ Luân, trong lòng ông bất an, mỗi lần triều hội, đối với Đệ Ngũ Luân đều khiêm nhường, cũng kính giữ lễ. Chương Đế sau khi biết rõ duyên do, liền đặc biệt cho làm một tấm bình phong có gắn vân mẫu. mỗi khi lên triều hai người được cách nhau, sự kiện này được truyền tụng.

          Trịnh Hoằng khi tại vị, ngoại thích Đậu Hiến 窦宪làm Thị trung 侍中. Thượng thư lệnh Trương Lâm 张林vì câu kết với Đậu Hiến, ra sức tham ô hối lộ, một đồ đảng khác của Đậu Hiến, Lạc Dương lệnh Dương Quang 洛阳令杨光, cũng là quan tham lam tàn nhẫn. Năm 88, Trịnh Hoằng lại dâng thư đàn hoặc bọn họ, nhưng bị một tên lại trong phủ của mình ngầm báo cáo với Dương Quang, Dương Quang lập tức báo lại với Đậu Hiến. Đậu Hiến dâng cáo trạng trước, vu Trịnh Hoằng tội tiết lộ cơ mật. Chương Đế chẳng hỏi cho rõ trắng đen, trách mắng Trịnh Hoằng, còn miễn chức Tướng của ông. Trịnh Hoằng giận dữ tự mình đến chỗ Đình uý chịu thẩm vấn, Chương Đế hạ lệnh xá miễn cho ông, ông lại dâng thư xin được cáo lão hoàn hương, Chương Đế không phê chuẩn, ông tức giận đến sinh bệnh, những vẫn dâng thư vạch trần hành vi bất pháp của Đậu Hiến, còn dặn người nhà sau khi ông mất, đem những tài vật mà Chương Đế ban thưởng toàn bộ quy về lại hoàng cung, bản thân chỉ dùng vải thô để liệm đưa về quê nhà an táng. Mấy ngày sau, Trịnh Hoằng mất vì bệnh.                                                                                                                                                                                                                                                                                       

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                  Quy Nhơn 06/8/2024

Nguyên tác Trung văn

TRỊNH HOẰNG

郑弘

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC

中国历代宰相录

Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇

Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999

Previous Post Next Post