Dịch thuật: Tại sao triều Hán phân là "Tây Hán" "Đông Hán, triều Tống là "Bắc Tống" "Nam Tống"

 

TẠI SAO TRIỀU HÁN PHÂN LÀ “TÂY HÁN” “ĐÔNG HÁN”

TRIỀU TỐNG LÀ “BẮC TỐNG” “NAM TỐNG”

          Trong lịch sử Trung Quốc có một hiện tượng thú vị, các triều đại thay thế nhau thành hình thức cặp đôi xuất hiện, ví dụ như sau “Tây Chu” 西周 có “Đông Chu” 东周, sau “Tây Hán” 西汉 có “Đông Hán” 东汉, sau “Tây Tấn” 西晋có “Đông Tấn” 东晋, sau “Bắc Tống” 北宋có “Nam Tống” 南宋. Nếu phân tích kĩ sẽ phát hiện. ban đầu lấy “tây” và “đông”, sau lại là “bắc” và “nam”. Như sau “Đường” có “Nam Đường” 南唐, sau “Minh” có “Nam Minh” 南明. Tuy thời gian tồn tại tương đối ngắn, nhưng nó đã phản ánh đặc trưng biến thiên của địa vực.

          Sau chiến tranh Hán Sở, Lưu Bang 刘邦đoạt lấy thiên hạ, định đô tại Trường An 长安, sử xưng là “Tây Hán” 西汉 (bắt đầu từ năm 202 đến năm thứ 8, khi Vương Mãng 王莽 soán Hán thỉ kết thúc). Sau khi Vương Mãng đoạt lấy chính quyền, thi hành một loạt những biện pháp kinh tế ổn định, nhưng hiệu quả thì ngược lại, dẫn đến đại khời nghĩa Lục Lâm 绿林 và Xích Mi 赤眉. Bà con xa của hoàng tộc nhà Hán là Lưu Tú 刘秀trải qua mấy năm cố gắng đã tiêu diệt mấy thế lực khác, thống nhất toàn quốc, sử xưng là “Đông Hán” 东汉.

          “Tây Hán” và “Đông Hán” tồn tại mối quan hệ trước sau nối tiếp nhau, cũng xưng là “Tiền Hán” 前汉 và “Hậu Hán” 后汉, Lưu Tú cũng không cho rằng mình kiến lập một vương triều mới, mà chỉ quang phục lại triều Hán. Ông tự cho rằng mình là người kế thừa của Hán Tuyên Đế 汉宣帝, sau khi kế vị, truy tôn Hán Tuyên Đế là Trung Tông 中宗, do bởi đương thời Trường An 长安trong chiến loạn bị phá hoại nghiêm trọng, cho nên định đô tại Lạc Dương 洛阳. Từ vị trí địa lí mà nói, Lạc Dương ở phía đông Trường An, cho nên người ta gọi triều đại mà Lưu Tú kiến lập là “Đông Hán” 东汉.

          Hậu kì Ngũ đại thập quốc, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận 赵匡胤 “hoàng bào gia thân” 黄袍加身 lên làm hoàng đế, định đô ở Đông Biện Lương 东汴梁 (nay là thành phố Khai Phong 开封Hà Nam 河南), sử xưng là “Bắc Tống” 北宋. Từ năm 960 lên ngôi, đến năm 1127 thì chấm dứt, trước sau trải qua 168 năm, truyền được 9 đời đế. Cuối thời Bắc Tống, quân Kim công phá thành Biện Lương 汴梁, bắt hai đế là Huy Tông 徽宗 và Khâm Tông 钦宗, người con thứ 9 của Huy Tông là Triệu Cấu 赵构lên ngôi tại phủ Ứng Thiên 应天, sau dời đô đến Lâm An 临安(nay là Hàng Châu 杭州 Chiết Giang 浙江), sử xưng là “Nam Tống” 南宋. Cách phân định “Bắc Tống” và “Nam Tống” còn là suy tính từ vị trí và biên vực của đô thành, Biện Lương 汴梁ở phía bắc Hoài Hà 淮河, Lâm An thì ở khu vực trung hạ du Trường Giang 长江, đại bộ phận đất đai Bắc Tống ở phía bắc, còn Nam Tống thì  Lâm An ở một góc phía nam.

          Từ giác độ chính trị và phát triển kinh tế mà nói, lãnh thổ Trung Quốc từ thời Hán Đường đến thời Tống Nguyên, có một quá trình mở rộng từng bước, đồng thời trung tâm kinh tế từ phía tây chuyến đến phía đông, từ phía bắc chuyển xuống phía nam. Để tăng cường khống chế đối với những khu vực này, tầng lớp thống trị dần từng bước đem đô thành dời sang phía đông. Khi dân du mục phương bắc lớn mạnh, thì có khả năng dời xuống phía nam. Điều này phản ánh ở sự thay đổi vương triều, chính là trước “Tây Hán” sau “Đông Hán”, trước “Bắc Tống” sau “Nam Tống”.

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 04/8/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN

中国文化 1000

Chủ biên: Văn Nhược Ngu 文若愚

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2015

Previous Post Next Post