Dịch thuật: Cách đặt tên và biệt hiệu của rượu (kì 6)

 

CÁCH ĐẶT TÊN VÀ BIỆT HIỆU CỦA RƯỢU

(kì 6)

BÁT NHÃ THANG

般若汤 

Bát nhã thang

          Nhà Phật cấm chỉ tăng nhân uống rượu, nhưng có tăng nhân lại lén uống, cho nên “Bát nhã thang” 般若汤 là ẩn ngữ của hoà thượng đối với rượu. Đậu Cách 窦革 đời Tống trong “Tửu phổ - Dị vực cửu” 酒谱 - 异域九viết rằng:

          Thiên Trúc quốc vị tửu vi tô, kim bắc tăng đa vân Bát nhã thang. Cái sấu từ dĩ tị pháp cấm nhĩ, phi Thích điển sở xuất.

          天竺谓酒为酥, 今北僧多云般若汤. 盖瘦词以避法禁尔, 非释典所出.

          (Nước Thiên Trúc gọi rượu là tô, nay tăng nhân phương bắc đa phần gọi là Bát nhã thang, từ này dùng để tránh phép cấm, không phải xuất phát từ kinh sách nhà Phật.)

          Tô Thức 苏轼trong “Đông Pha chí lâm – Quyển nhị - Tăng văn huân thực danh” 东坡志林 - 卷二 - 僧文荤食名có viết:

          Tăng vị tửu vi ‘Bát nhã thang’ ngoại, hoàn xưng ngư vi ‘thuỷ thoa hoa’, kê vi ‘toản li thái’, đô thị ta yểm nhĩ đạo linh, tự khi khi nhân nhượng thế nhân trào tiếu đích bả hí bãi liễu.

          僧谓酒为般若汤, 还称鱼为水梭花’, 鸡为钻篱菜’, 都是些掩耳盜铃, 自欺欺人让世人嘲笑的把戏罢了.

          (Tăng nhân ngoài gọi tửu là “Bát nhã thang” ra, còn gọi cá là ‘thuỷ thoa hoa’, ‘gọi gà là ‘toản li thái’, đều là “bịt tai trộm chuông”, dối mình dối người như vở kịch để người đời chê cười mà thôi).

          Về khởi nguyên của từ “Bát nhã thang”, trong “Thích thị hội yếu” 释氏会要có chép một truyền thuyết thú vị:

          Vào những năm niên hiệu Trường Khánh 长庆đời Đường, có vị tăng nhân du phương đến một tự viện “quải đơn” 挂单 (đơn chỉ “danh đơn” 名单của tăng đường; vị tăng hành cước đem tăng y của mình treo dưới danh đơn, ý nói vị tăng hành cước muốn nghỉ lại qua đêm ở tự viện), bảo thị giả trong tự viện mua rượu về, tự tăng đại nộ trách người nọ không tuân thủ quy củ, bèn đoạt lấy bình rượu nhắm đến cây bách mà vất, trong phút chốc bình rượu bị vỡ còn rượu toàn bộ lại ngưng đọng trên cây, vị du tăng đó nói rằng: ‘Ta tụng ‘Bát nhã kinh’, cần uống một li rượu, thì âm thanh mới vang.’ Bèn đem bình rượu hợp lại thu hồi rượu đã đổ, một giọt cũng không mất, sau đó ung dung đem rượu đổ vào bụng. Kì thực, đem rượu gọi là “Bát nhã thang” còn có một tầng ý nghĩa nữa: Bát nhã là danh từ trọng yếu nhất trong Phật học, nó là dịch âm từ Phạm văn, ý nghĩa là trí tuệ. Người ham thích rượu tất cho rằng rượu xuống bụng, tuy trầm tuý dễ quên đi phiền não nhưng mà biểu hiện lại đắc ý vong hình, thường vào lúc đó đột nhiên đốn ngộ được chân đế nhân sinh mà thường ngày không phát giác ra, giống như được “điểm hoá” mà tâm trí tăng lên gấp bội.

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 12/8/2024

Nguồn

TỬU TỤC

酒俗

Tác giả: Từ Cẩn 徐谨

Thiên Tân: Thiên Tân nhân dân xuất bản xã, 2012.

 

Previous Post Next Post