Câu đối: Xuân Vọng thi thiên, nhu bút ưu sầu tư Đỗ Phủ (HCH)

 

春望詩篇濡筆憂愁思杜甫

廣陵散曲弄琴放曠想嵇康

Xuân Vọng thi thiên, nhu bút ưu sầu tư Đỗ Phủ

Quảng Lăng tán khúc, lộng cầm phóng khoáng tưởng Kê Khang

Huỳnh Chương Hưng

Quy Nhơn 23/8/2024

Đỗ Phủ 杜甫 (năm 712 – năm 770): tự Tử Mĩ 子美, sinh tại huyện Củng Hà Nam 河南. Khoảng niên hiệu Khai Nguyên 开元đời Đường Huyền Tông 唐玄宗, Đỗ Phủ nam du Ngô Việt, bắc du Tề Triệu, sống một cuộc sống “cừu mã thanh cuồng” 裘马清狂 (cuộc sống dư dũ phóng dật không câu thúc). Năm Thiên Bảo 天宝 thứ 5 (năm 746), Đỗ Phủ đến Trường An 长安, không nơi nào tiến thủ được, khốn đốn 10 năm mới có được chức quan nhỏ. Loạn An Sử 安史 nổi lên, ông lưu vong khắp nơi, cuối cùng bị quân phản loạn bắt được; sau khi thoát hiểm, nhậm chức Tả thập di 左拾遗. Chẳng bao lâu lại bị biếm làm Ti công Tham quân 司功参军 ở Hoa Châu 华州. Năm Càn Nguyên 乾元thứ 2 (năm 759), Đỗ Phủ từ quan đi về phía tây, cuối cùng đến Tứ Xuyên 四川, định cư bên bờ Hoán Hoa khê 浣花溪ở Thành Đô 成都. Có một dạo ông làm việc cho Kiếm Nam Tiết độ sứ Nghiêm Vũ 剑南节度使严武, Kiểm hiệu Công bộ Viên ngoại lang 检校工部员外郎, cho nên người ta cũng gọi là Đỗ Công Bộ 杜工部. Khi về già, cả nhà dời sang phía đông, giữa đường lưu lại Quỳ Châu 夔州 2 năm. Năm Đại Lịch 大历 thứ 3 (năm 768), ông đưa cả nhà phiêu bạc vùng Ngạc , Tương , sau Đỗ Phủ qua đời trong cảnh nghèo khổ bệnh tật.

          Thi ca của Đỗ Phủ bác đại tinh thâm, trầm uất lên bổng xuống trầm, thương thời cảm thể, ưu buồn thiên hạ. Đọc thơ ông, có thể biết được thời cuộc, đương thời gọi ông là “Thi sử” 诗史. Thơ của Đỗ Phủ là tập đại thành tiền nhân, là mẫu mực cho hậu thế, cho nên ông được tôn là “Thi thánh” 诗圣 …..

Xuân Vọng 春望: là nhan đề một bài thơ của Đỗ Phủ.

国破山河在

成春草木深

感时花溅泪

恨別鸟惊心

烽火连三月

家书抵万金

白头搔更短

浑欲不胜簪

Quốc phá sơn hà tại

Thành xuân thảo mộc thâm

Cảm thời hoa tiễn lệ

Hận biệt điểu kinh tâm

Phong hoả liên tam nguyệt

Gia thư để vạn câm

Bạch đầu tao cánh đoản

Hồn dục bất thăng trâm

(Đât nước đã bị tàn phá

Nhưng núi sông vẫn như xưa

Thành đã vào xuân, cây cỏ đậm một màu thê lương

Cảm thương thời thế, hoa cũng rơi lệ

Hận cho nỗi biệt li, chim cũng kinh hồn

Chiến tranh liên miên đã qua ba tháng

Thư nhà gởi đến đáng giá cả vạn lượng vàng

Trong nỗi ưu sầu, đầu bạc càng gãi tóc càng rụng

Tóc thưa đến mức không thể cài được cây trâm)

          (Theo “Đường thi tam bách thủ” 唐诗三百首. Nhiếp Xảo Bình 聂巧平chú dịch. Sùng Văn thư cục, 2003)

Nhu bút 濡筆: chấm cho bút no mực.

Kê Khang 嵇康 (năm 223 – năm 263): Tự Thúc Dạ 叔夜, người quận Tiều nước Nguỵ thời Tam Quốc, nhân vì từng làm quan đến chức Trung tán Đại phu 中散大夫cho Tào Nguỵ cho nên đời sau gọi ông là Kê Trung Tán 嵇中散. Kê Khang là văn học gia, tư tưởng gia, âm nhạc gia nổi tiếng thời cổ, và cũng là một trong “Trúc lâm thất hiền” 竹林七贤, nổi tiếng ngang cùng Nguyễn Tịch 阮籍, gọi chung là Kê Nguyễn 嵇阮. Ông cũng là nhân vật đại biểu cho giới văn học và giới tư tưởng cuối thời Nguỵ. Kê Khang công kích kịch liệt quy phạm thế tục, chủ trương thuận ứng theo nguyên tắc của tự nhiên, bảo toàn thiên tính của con người, tích cực đẩy mạnh lí luận phục thực dưỡng sinh. Về sau nhân vì bị lôi cuốn vào vụ án Lữ An 呂安mà bị bắt giam vào ngục, quyền thần Tư Mã Chiêu 司马昭sợ sức ảnh hưởng ngôn luận của ông sẽ uy hiếp chính quyền họ Tư Mã, nên theo kiến nghị của Chung Hội 鍾会đã xử tử ông….. 

https://zh.wikipedia.org/wiki/%E5%B5%87%E5%BA%B7

Quảng Lăng tán 廣陵散: Tên một cổ cầm khúc, còn gọi là “Quảng Lăng chỉ tức” 广陵止息, “Nhiếp Chính thích Hàn Vương khúc” 聂政刺韩王曲. Tương truyền do Kê Khang 嵇康 hoặc Nhiếp Chính 聂政sáng tác. Cũng có thuyết cho rằng là nhạc khúc dân gian lưu hành ở Quảng Lăng 广陵 (nay là Dương Châu 扬州 Giang Tô 江苏).

          Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có câu:

Kê Khang này khúc Quảng Lăng

Một rằng lưu thuỷ, hai rằng hành vân

(câu 477 – 478)

Lộng cầm 弄琴: khảy đàn, đánh đàn.

 

Previous Post Next Post