Dịch thuật: "Phụng Thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết" có ý nghĩa gì

 

“PHỤNG THIÊN THỪA VẬN, HOÀNG ĐẾ CHIẾU VIẾT”

CÓ Ý NGHĨA GÌ

          Trong những bộ phim về đề tài lịch sử, chúng ta thường thấy cảnh: người truyền thánh chỉ hô lớn “Thánh chỉ đáo” 圣旨到, mọi người lập tức quỳ xuống, người truyền thánh chỉ đọc:

Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết…..

奉天承运, 皇帝诏曰

          Bất kể là triều đại nào, thánh chỉ dường như đều mở đầu bằng câu này. Điều này có phù hợp với sự thực lịch sử không?

          Đáp án là không phù hợp. Bởi vì theo khảo chứng, người sử dụng câu “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết” sớm nhất là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 明太祖朱元璋, y cứ chính là “Phụng thiên” 奉天trong “Phụng thiên thừa vận” 奉天承运, kì thực là chỉ “Phụng Thiên điện” 奉天殿 (điện Phụng Thiên), lấy ý là tuân theo ý trời, tức quyền lực của đế nhận mệnh từ trời. Mà Phụng Thiên điện chính là do Chu Nguyên Chương xây dựng đầu tiên. Năm 1368, Chu Nguyên Chương sau khi tại Nam Kinh 南京 xưng đế đã cho xây dựng một toà hoàng thành, gọi toà đại điện để triều hội có quy cách cao nhất đặt tên là “Phụng Thiên điện” 奉天殿. Yên Vương Chu Đệ 燕王朱棣 dời đô đến Bắc Kinh 北京, sau đó khi xây dựng Tử Cấm thành 紫禁城, đã đem nguyên “Phụng Thiên điện” “dời đến” Bắc Kinh.

          Về thuyết này, đại học giả Du Việt 俞樾triều Thanh cũng có khảo chứng. Trong quyển “Trà hương bảo tục sao” 茶香宝续钞, ông nói rằng: “Phụng Thiên thừa vận” là “luận bàn về tên gọi Phụng Thiên điện mà liên quan đến.

          Nói “Phụng Thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết” bắt đầu từ triều Minh, còn có một y cứ nữa, chính là trên ngọc khuê mà Chu Nguyên Chương cầm có khắc mấy chữ “Phụng Thiên thừa vận” 奉天承运. Thuyết này bắt nguồn theo thiên văn học gia Thẩm Đức Phù 沈德符 thời kì Vạn Lịch 万历 triều Minh.

          Kì thực, mở đầu của thánh chỉ triều Minh không phải là “Phụng Thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết” mà là “Phụng Thiên thừa vận hoàng đế chiếu viết”, ý nghĩa là chiếu thư của “Phụng Thiên thừa vận hoàng đế” Chu Nguyên Chương ban bố. “Thừa vận” là chỉ kế thừa khí vận mới, thực chỉ quân quyền thần trao cho. (Hoàng đế (Chu Nguyên Chương) ở điện Phụng Thiên kế thừa vận khí mới ban chiếu rằng - ND)

          “Phụng Thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết” đại ý chính là, hoàng đế tuân theo ý chỉ của trời, đối với mọi người ban xuống một số mệnh lệnh cần phải chấp hành. Mượn “thiên mệnh”, không nghi ngờ gì, là để tăng cường tập quyền trung ương.

Tri thức liên quan

          Triều Thanh sau khi tiến vào quan trung, nhân vì kế  thừa chế độ của triều Minh, cho nên chiếu thư đa phần cũng dùng “Phụng Thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết” để mở đầu.

          Cách thức của chiếu thư triều Thanh là:

          Mở đầu là “Phụng Thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết”, sau đó là nội dung mà chiếu thư cần thể hiện, kết là câu:

Bố cáo thiên hạ hàm sử văn tri.

布告天下咸使闻知

Hoặc:

Bố cáo trung ngoại hàm sử văn tri.

布告中外咸使闻知

          Đời Thanh còn có “chế từ” 制辞 (1), mở đầu cũng gần giống như chiếu thư, nhìn chung là

Phụng Thiên thừa vận, hoàng đế chế viết.

奉天承运, 皇帝制曰

          Về câu “Phụng Thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết” đến khi nào thì bắt đầu rút lui khỏi vũ đài lịch sử?  Vấn đề này kì thực rất đơn giản, đã là “Phụng Thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết”, không có hoàng đế đương nhiên sẽ không có “hoàng đế chiếu viết”. Nếu như nói một cách cụ thể thời gian câu “Phụng Thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết” rút lui khỏi vũ đài lịch sử, thì đó phải là năm 1912 ngày hoàng đế Tuyên Thống ban bố chiếu thư thoái vị.

Chú của người dịch

1-Chế từ 制辞: Triều Thanh gọi “chế” là “chế từ” 制辞mà không gọi là “chế thư” 制书 . Phàm các loại văn thư chiếu lệnh như chiếu, sắc, dụ … có lời của thiên tử đều gọi là “chế từ”.

                                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                                Quy Nhơn 05/7/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN

中国文化 1000

Tác giả: Địch Văn Minh 翟文明

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2010

Previous Post Next Post