Dịch thuật: Lí Thanh Chiếu và Triệu Minh Thành

 

LÍ THANH CHIẾU VÀ TRIỆU MINH THÀNH

Triều Tống, người sáng tác thể loại từ rất nhiều. Thời Nam Tống, tuy chiến tranh liên miên, nhưng người sáng tác từ cũng rất nhiều, hơn nữa lại xuất hiện hai nữ tác gia nổi tiếng, một người là Lí Thanh Chiếu 李清照, người còn lại là Chu Thục Chân 朱淑真. Hai người không chỉ giỏi điền từ, mà còn giỏi cả làm thơ và tản văn. Tập “Thấu Ngọc từ” 漱玉词của Lí Thanh Chiếu và tập “Đoạn trường từ” 断肠词của Chu Thục Chân viết vô cùng hay, khiến người xem ngợi khen không ngớt.

Quê Lí Thanh Chiếu tại Lịch Thành 历城Sơn Đông 山东 (nay là thành phố Tế Nam 济南tỉnh Sơn Đông 山东). Phụ thân tên Lí Cách Phi 李格非, từng làm qua Lễ bộ Viên ngoại lang. Mẫu thân Vương thị 王氏rất giỏi điền từ. Khi Lí Thanh Chiếu còn nhỏ, cha mẹ của bà đã bắt đầu dạy bà điền từ, làm thơ và tản văn. Về sau, Lí Thanh Chiếu gả cho Thái học sinh Triệu Minh Thành 赵明诚làm vợ, năm đó bà vừa mới 18 tuổi. Triệu Minh Thành cũng là một người có học vấn, rất hợp với Lí Thanh Chiếu. Tình cảm hai vợ chồng đặc biệt tốt đẹp. Lí Thanh Chiếu thường động viên Triệu Minh Thành đọc sách. Về sau, Triệu Minh Thành làm quan. Bổng lộc mà ông có được, trừ việc chi dụng cho việc ăn mặc trong cuộc sống ra, còn lại dùng cho việc mua sách, mua tranh và mua cổ vật có giá trị. Triệu Minh Thành khi mua những thứ đó về, thì trời thường đã tối. Hai vợ chồng sau khi ăn cơm tối xong, đã thắp nến cùng nhau thưởng thức những món đồ mua về đó. Mãi cho đến lúc nến tàn mới đi nghỉ.

Lí Thanh Chiếu và Triệu Minh Thành đều thuộc nhiều cổ thư. Họ một khi rảnh liền bày trò chơi, một người nói ra một sự kiện thời cổ, người còn lại sẽ nói sự kiện đó được ghi chép trong sách nào, quyển thứ mấy, ai nói sai sẽ bị phạt một li rượu. Qua mấy năm, Triệu Minh Thành được phái ra ngoài làm quan, để Lí Thanh Chiếu ở lại nhà. Lí Thanh Chiếu rất muốn được ở bên chồng, cùng nhau điền từ, cùng bày trò chơi! Bà đã dùng hình thức từ viết thư cho Triệu Minh Thành. Từ trong những tờ thư này vô cùng ưu mĩ, bao hàm tình cảm thương nhớ. Triệu Minh Thành xem qua vô cùng cảm động, ông cũng thường viết từ lại cho bà.

Một năm nọ vào tiết Trùng Dương 重阳 (mùng 9 tháng 9 âm lịch), Lí Thanh Chiếu một mình uống rượu, ngắm nhìn hoa cúc, do bởi không có chồng bên cạnh, nên càng cảm thấy tịch mịch. Bà liền lấy bút, viết ra bài từ, theo điệu “Tuý Hoa âm” 醉花阴:

          Bạc vụ nùng vân sầu vĩnh trú, thuỵ não tiêu kim thú. Giai tiết hựu Trùng Dương, ngọc chẩm sa trù, bán dạ lương sơ thấu.

          Đông li bả tửu hoàng hôn hậu, hữu ám hương doanh tụ. Mạc đạo bất tiêu hồn, liêm quyển tây phong, nhân tỉ hoàng hoa sấu.

薄雾浓云愁永昼, 瑞脑消金兽. 佳节又重阳, 玉枕紗厨, 半夜凉初透.

            东篱把酒黄昏后, 有暗香盈袖. 莫道不消魂, 帘卷西风, 人比黄花瘦.

(Khí mù thưa cùng với đám mây dày lướt qua, sầu trọn cả ngày dài, long não trong lò hương hình thú đã tan hết từ lâu. Tiết đẹp lại đến ngày Trùng Dương, gối ngọc màn sa đơn chiếc, nửa đêm hôm qua luồng khí lạnh tràn vào.

Bên giậu đông nâng chén rượu cho đến sau lúc hoàng hôn, mùi hương ngầm thấm đầy cả áo. Chớ bảo rằng không sầu không khổ. Gió tây thổi đến cuốn bức rèm buông,  thiếu phụ chốn phòng khuê còn gầy hơn cả hoa kia.)

Dịch thơ (HCH)

Mây dày sầu cũng dày thêm,

Lò hương long não êm đềm tan đi.

Trùng Dương tiết đẹp gặp kì,

Gối màn đơn chiếc đêm thì lạnh sao.

Giậu đông nâng chén rượu đào,

Chiều hôm hương toả tràn vào áo đây

Sầu kia trĩu nặng bủa vây,

Rèm buông động gió người gầy hơn hoa.

Ý của bài từ này là nói Lí Thanh Chiếu nhớ đến chồng, nhớ đến phát sầu, cũng vì đó mà ăn không được, ngủ không được, còn gầy hơn cả hoa cúc.

Lí Thanh Chiếu gởi bài này cho Triệu Minh Thành. Triệu Minh Thành sau khi xem xong vô cùng cảm động, cảm thấy bài từ viết rất hay. Ông quyết tâm viết một bài từ hay hơn bài này, bèn đóng cửa lại, không tiếp bất cứ ai, một mình trong phòng quên ăn quên ngủ, viết cả ba ngày ba đêm, cuối cùng viết được một bài 50 chữ. Triệu Minh Thành đem bài từ của Lí Thanh Chiếu cùng bài từ 50 chữ của mình hợp lại, đưa cho bạn bè xem, bảo họ bình xem bài nào hay nhất. Kết quả, bạn bè ông nói rằng, chỉ có 3 câu viết hay nhất là “Mạc đạo bất tiêu hồn, liêm quyển tây phong, nhân tỉ hoàng hoa sấu.” Đây chính là mấy câu của Lí Thanh Chiếu.

Về sau, quân Kim tiến đánh Nam Kinh 南京, Lí Thanh Chiếu cùng Triệu Minh Thành chạy xuống phương nam. Năm 1129, Triệu Minh Thành phải đến Hồ Châu 湖州làm quan, đi được nửa đường thì mất. Lí Thanh Chiếu vô cùng bi thương. Đương năm đó, quân Kim chiếm lấy Sơn Đông, quê hương của bà. Lí Thanh Chiếu đành phải mang những thư hoạ cùng đồ cổ của nhà mình đem đến Chiết Giang 浙江tìm người em trai là Lí Hàng 李迒. Từ đó về sau, Lí Thanh Chiếu cùng em là Lí Hàng tại vùng Triệu Châu 赵州, Đài Châu 台州, Hàng Châu 杭州và Kim Hoa 金华sống một cuộc sống rất gian khổ cô độc. Tai nạn của đất nước và sự bất hạnh trong cuộc sống đã biến Lí Thanh Chiếu thành một con người khác. Bà bắt đầu viết những bài từ bi sầu thê khổ, bộc lộ cảm khái về thân thế của mình. Bà còn viết một số bài thơ, thể hiện sự quan tâm của mình đến sự an nguy của đất nước.

Mùa hạ một năm nọ, bà đã viết một bài thơ rất có khí phách:

Sinh đương tác nhân kiệt

Tử diệc vi quỷ hùng

Chí kim tư Hạng Vũ

Bất khẳng quá Giang Đông

生当作人杰

死亦为鬼雄

至今思项羽

不肯过江东

(Sống nên làm người tuấn kiệt

Chết hãy hoá quỷ kiêu hùng

Đến nay vẫn luôn nhớ Hạng Vũ

Không chịu đến Giang Đông)

          Bài thơ này biểu đạt chí hướng anh hùng của Lí Thanh Chiếu, sống chốn nhân gian phải làm người hào kiệt, sau khi chết cùng phải là quỷ kiêu hùng.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng

                                                                      Quy Nhơn 15/7/2024

Nguồn

TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN

增广贤文

Thanh . Chu Hi Đào 周希陶  tu đính

Nam Kinh: Giang Tô Phụng Hoàng mĩ thuật xuất bản xã. 2015

 

Previous Post Next Post