Dịch thuật: "Hoàng bào" có phải hoàng đế chuyên dùng

 

 “HOÀNG BÀO” CÓ PHẢI HOÀNG ĐẾ CHUYÊN DÙNG

“HOÀNG BÀO CÓ NHẤT ĐỊNH PHẢI MÀU VÀNG

          Năm 960. Triệu Khuông Dận 赵匡胤thống lĩnh quân bắc phạt, khi đến trạm Trần Kiều 陈侨, một số tướng lĩnh dưới tay, dẫn quân sĩ đến thẳng nơi ngủ của ông. Triệu Khuông Dận vừa mặc xong y phục, chưa kịp phản ứng. các tướng lĩnh đã cưỡng ép, kéo ông đi ra, đem hoàng bào đã chuẩn bị sẵn từ trước khoác lên người ông. Tiếp đó, mọi người quỳ xuống hô to “vạn tuế”.

          Đó chính là điển cố “hoàng bào gia thân” 黄袍加身về Tống Thái Tổ 宋太祖nhân sự biến ở Trần Kiều. Từ đó về sau, hoàng đế mặc hoàng bào được mọi người biết đến một cách rộng rãi.

          Thế thì, “hoàng bào” 黄袍có phải là của hoàng đế chuyên dùng? Có phải chỉ có hoàng đế mới mặc y phục màu vàng?

          Trung Quốc thời cổ, y phục màu vàng lưu hành rộng rãi, ai cũng có thể mặc, chỉ là đến thời Tuỳ Đường, nhân vì cho màu vàng là tôn quý, “hoàng bào” mới thành áo mà hoàng đế chuyên mặc. Đặc biệt là vào thời Đường, hoàng đế không muốn mình mặc áo màu vàng như dân thường nên đã ban bố mệnh lệnh:

Cấm sĩ thứ bất đắc dĩ xích hoàng vi y phục.

禁士庶不得以赤黄为衣服

(Cấm kẻ sĩ thứ dân không được dùng màu đỏ màu vàng để may y phục)

          Trong “Dã khách tùng thư – Cấm dụng hoàng” 野客丛书 - 禁用黄có nói:

          Đường Cao Tổ Vũ Đức sơ, dụng Tuỳ chế, thiên tử thường phục hoàng bào, toại cấm sĩ thứ bất đắc phục, nhi phục hoàng hữu cấm tự thử thuỷ.

          唐高祖武德初, 用隋制, 天子常服黄袍, 遂禁士庶不得服, 而服黄有禁自此始.

          (Thời gian đầu niên hiệu Vũ Đức đời Đường Cao Tổ, theo chế độ triều Tuỳ, thường phục của thiên tử là hoàng bào, bèn cấm kẻ sĩ thứ dân không được mặc, màu vàng bị cấm mặc bắt đầu từ đó.)

          Đời Đường Cao Tổ lại ra lệnh “nhất thiết bất hứa trước hoàng” 一切不许著黄 (tất cả không được mặc màu vàng). Nhưng quy định lúc bấy giờ không nghiêm lắm, bách tính mặc áo vàng vẫn còn tương đối nhiều.

          Đến thời Bắc Tống, sau khi Triệu Khuông Dận lên ngôi, “hoàng bào” chính thức trở thành tượng trưng cho hoàng quyền. Thời Tống Nhân Tông 宋仁宗còn quy định: nhân sĩ thường dân mặc áo không được dùng hoàng bào làm nền hoặc phối với hoa. Từ đó, không chỉ hoàng bào là hoàng đế độc chiếm, mà ngay cả màu vàng cũng của hoàng đế chuyên dùng.

          Kì thực, trước thời Đường Tống, quân vương, hoàng đế đối với việc mặc bào phục màu gì không hề có quy định rõ ràng. Thời Tây Chu, Đông Chu, theo ghi chép trong “Lễ kí – Nguyệt lệnh” 礼记 - 月令, thiên tử “mặc thanh y”. Thời Xuân Thu, các chư hầu quốc phân tranh, bào phục của quốc quân lại càng đa dạng. Đến triều Tần, do bời thịnh hành thuyết “ngũ hành” 五行, triều Tần chuộng “thuỷ đức” 水德, lấy màu đen làm tôn quý, cho nên, Tần Thuỷ Hoàng mặc bào phục màu đen. Đời Tấn, nhân vì chuộng “kim đức” 金德, lấy màu đó làm tôn quý, cho nên, hoàng bào đời Tấn đã dùng màu đỏ.

Tri thức liên quan

Lai lịch long bào

          Long (rồng) vào thời cổ chỉ là loài động vật thần dị trong mắt mọi người, mang tính bình dân nhất định. Đến đời Đường, Tống, để lợi dụng tâm lí sùng bái của mọi người đối với rồng, giai cấp thống trị không những tự khoe khoang long chủng, mà còn lũng đoạn quyền sử dụng hình tượng rồng, nghiêm cấm dân gian sử dụng đồ án rồng, thậm chí còn nghiêm cấm bách tính nhắc đến chữ “long”. Đến đời Minh, rồng càng trở thành huy hiệu của riêng hoàng đế, chính thức hình thành chế độ lễ nghi thêu hoa văn rồng trên phục trang của hoàng đế. Cho nên, y phục của hoàng đế gọi là “long bào” 龙袍.

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 19/7/2024

Nguồn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ 1000 VẤN

中国文化 1000

Chủ biên: Văn Nhược Ngu 文若愚

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2015

Previous Post Next Post