Dịch thuật: Sơ lược về tính thị Trung Hoa (tiếp theo kì 1)

 

SƠ LƯỢC VỀ TÍNH THỊ TRUNG HOA

(tiếp theo kì 1)

HOA NỞ HAI ĐOÁ TÍNH VÀ THỊ 

          Khác với “tính” vốn có nguồn gốc từ thị tộc mẫu hệ, “thị” lại có quan hệ với phái nam. Trịnh Tiều 郑樵 có nói:

Tam đại chi tiền,………  nam tử xưng thị, nữ tử xưng tính.

三代之前, ……. 男子称氏, 女子称姓.

(Trước thời tam đại, ………. đàn ông thì xưng thị, đàn bà thì xưng tính)

Nhưng, “nam tử xưng thị” 男子称氏không phải là nói “thị” là sản vật của xã hội phụ hệ, đồng thời cũng không mang ý nghĩa là chỉ có thị tộc mẫu hệ đương đại sau khi được thị tộc phụ hệ thay thế, mới có “thị” , điều này phải nói từ thực chất của “thị” .

Như trên đã nói, “thị” là tượng trưng cho địa vị chính trị tộc quần, cũng tức là tượng trưng cho quyền lực và tài phú. Trong “Tả truyện” 左传có nói:

胙之土而命之氏

Tộ chi thổ nhi mệnh chi thị.

(Ban cho đất đai và lấy nơi đó ban cho làm thị)

          Điều mà gọi là “tộ chi thổ” 胙之土, không đơn thuần lí giải là đất đai được ban cho để cày cấy săn bắn hoặc nơi để nghỉ ngơi, mà nên giải thích theo nghĩa rộng là ban cho tài phú, nhân dân và số tài phú sử dụng, cùng quyền lực thống trị dân này. Trung Quốc từ rất sớm đã tiến vào nền kinh tế nông nghiệp, đất đai là tài phú chủ yếu của xã hội nông nghiệp, và đất đai ban cho, thực tế cũng bao gồm việc ban cho cả cư dân khác họ sinh sống trên mảnh đất đó. Nhân đó, gọi là “tộ chi thổ” 胙之土thực tế cũng chính là có được kinh tế nhất định, quyền lực chính trị, “tộ chi thổ nhi mệnh chi thị” 胙之土而命之氏, thị đi theo quyền lực, thị là tượng trưng cho quyền lực.

          Hoạt động ban quyền lực thể hiện ở “tộ chi thổ” này, tại xã hội thị tộc mẫu hệ trước vương quốc phong kiến đã xuất hiện rồi. Người ta khi nghe đến xã hội mẫu hệ sẽ đương nhiên cho rằng, đó là xã hội nữ quyền khác với xã hội trung tâm nam quyền hiện tại, mà kinh tế và quyền lực chính trị trong đó là do giới nữ nắm giữ. Đây quả thực là hiểu sai. Thực tế, trong lịch sử chưa từng tồn tại qua xã hội mẫu hệ mang ý nghĩa như thế. Gọi là xã hội mẫu hệ, chỉ là chỉ một thế hệ huyết thống thị tộc do phía nữ truyền thừa, không hề mang ý nghĩa chính trị, quyền lực kinh tế của thị tộc do giới nữ nắm giữ. Đó là nhân vì, cho dù trong xã hội mẫu hệ, những sự vụ công cộng liên quan đến quyền lực chính trị của thị tộc, như chiến tranh, ngoại giao, săn bắn, nghi thức tôn giáo … vẫn là do giới nam với điều kiện sinh lí ưu việt nắm giữ. Giới nữ do bởi luôn bận bịu những việc như mang thai, cho con bú, nuôi dạy con cái, đương nhiên không có duyên với quyền lực chính trị. Nhân đó, một xã hội thị tộc, mặc dù có thể truy nguyên đến tận vị thuỷ tổ là nữ, nhưng vị tù trưởng thực hiện vẫn là nam, quyền lực do nam nắm giữ đồng thời do nam truyền thừa, thành viên nam kế thừa quyền lực đồng thời cũng kế thừa “thị” được tượng trưng cho quyền lực.

          Từ đó có thể thấy, “tính” và “thị” nhìn từ phương thức hình thành có nguồn gốc khác nhau rất xa, sự ra đời của “tính” trên cơ sở huyết thống, lúc ban đầu bắt nguồn từ huyết thống mẫu hệ; còn sự ra đời của “thị” thì trên cơ sở quyền lực, từ đầu đến cuối có nguồn gốc ở nam giới.

          Lúc ban đầu, sở dĩ chế độ thị tộc ra đời, là do bởi theo sự phồn diễn tự nhiên của nhân khẩu thị tộc mẫu hệ, tài nguyên lãnh địa vốn có đã không thể thoả mãn nhu cầu sinh tồn vì nhân khẩu quá đông, nhân đó đã có nhu cầu đem thị tộc “phân gia” 分家, một vị nam lãnh đạo mạnh mẽ thống lĩnh một bộ phận thị tộc đi đến một địa phương mới dựng trại, người đàn ông đó chính là vị tù trưởng của thị tộc mới, ông ta bảo lưu “tính” vốn có của thị tộc, nhưng vì để phân khai thị tộc mới với những thị tộc đồng “tính” vốn có, đồng thời xác nhận quyền lực của vị tân tù trưởng (bao gồm với việc chiếm hữu quyền lực ở lãnh địa mới và quyền lãnh đạo đối với thành viên thị tộc của mình), cần phải đặt tên mới cho thị tộc. Danh hiệu tượng trưng đối với lãnh địa và quyền lực chính trị, kinh tế này chính là “thị” . Do bởi thị tộc không ngừng phân hoá, các “thị” mới cũng theo đó mà trổi dậy.

          Trong thị tộc nguyên thuỷ và xã hội bộ lạc, các chủng tộc khác nhau ở các nơi trên thế giới đều có phương thức truyền thừa quyền lực thị tộc riêng. Nhưng chế độ tiến cử dân chủ vị tù trưởng là phương thức tương đối lưu hành. Theo cổ sử, Trung Quốc trước đời nhà Hạ, đã áp dụng phương thức này, sử xưng là “thiện nhượng” . Theo ghi chép trong “Thượng thư” 尚书, Đế Nghiêu nhường ngôi cho ông Thuấn , Đế Thuấn lại nhường ngôi cho ông Vũ , còn ông Vũ lại truyền cho con mình là Khải . Sau khi chế độ phong kiến được kiến lập, thông hành chế độ kế thừa đích trưởng tử. quyền lực của thiên tử, chư hầu, khanh, đại phu chỉ có thể truyền cho trưởng nam của dòng đích. Đích trưởng tử khi kế thừa quyền lực của cha đồng thời cũng kế thừa “thị” của cha, vì thế, thuỷ tổ thị hiệu của thị tộc chỉ có thể do nhánh của đích trưởng tử nối đời truyền nhau, đích trưởng tử kế thừa thị hiệu xưng là “tông tử” 宗子, còn các người con khác chỉ có thể lập môn hộ khác, một thị mới. Chế độ kế thừa chung quanh đích trưởng tử đã hình thành nên một bộ pháp độ lễ chế phức tạp, tức điều mà gọi là “tông pháp chế độ” 宗法制度, còn chế độ đặt tên và kế thừa thị hiệu chính là nội dung trọng yếu của của chế độ tông pháp.

          “Tính” trên cơ sở huyết thống, nó là tiêu chí cho thị tộc, nhân đó, sự ra đời của tính tương đối đơn thuần, tức do totem của thị tộc diễn biến mà ra, chẳng qua là đem totem, tiêu chí cho thị tộc với hình thái vật thực chuyển biến thành hình thái văn tự mà thôi. Nhưng do bởi thời đại đã quá xa, văn hiến không đủ, trừ “tính” cá biệt ra, chúng ta khó mà khảo chứng mấy tính cổ hiện tồn từ totem đã diễn biến mà thành như thế nào.

          Con đường ra đời của “thị” không đơn thuần như “tính”. “Tộ chi thổ nhi mệnh chi thị” 胙之土而命之氏 chỉ là một trong những con đường ra đời của “thị”. “Thị” trên cơ sở quyền lực, do bởi một thị tộc có được quyền lực đồng thời vì thế mà con đường trở thành tộc rất đa dạng, nó đã quyết định con đường hình thành thị hiệu của tộc cũng vô cùng phong phú.  (hết kì 1)

                                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                                            Quy Nhơn 21/6/2024

Nguồn

KHỞI DANH HỌC THỰC DỤNG ĐẠI TOÀN

起名学实用大全

Tác giả: Kim Chí Văn 金志文

Bắc Kinh: Thế giới Tri thức xuất bản xã, 2006

 

Previous Post Next Post