Dịch thuật: Sơ lược về tính thị Trung Hoa (kì 1)

 

SƠ LƯỢC VỀ TÍNH THỊ TRUNG HOA

(kì 1)

          Trung Quốc có lịch sử rất lâu đời, mấy ngàn năm biến thiên phức tạp, khiến cho khởi nguồn và sự phát triển của tính thị mơ hồ không rõ. Do bởi niên đại lâu đời và hoàn cảnh phức tạp, nguồn gốc cụ thể của tính thị trong lịch sử đã tồn tại nhiều thuyết khác nhau. Nhưng trong sự phát triển của tính thị Trung Hoa không phải là không có dấu vết để tìm thấy, nói một cách vắn tắt, chủ yếu bao gồm mấy nội dung sau.

HOA NỞ HAI ĐOÁ TÍNH VÀ THỊ

          Trung Quốc đương đại, tính (họ) chính là nói tắt của “tính thị” 姓氏, nhưng sự thật, “tính” và “thị” về nguồn gốc không tương đồng. “Tính” về nghĩa gốc thì trên cơ sở huyết thống mẫu hệ, còn “thị” thì lại trên cơ sở huyết thống phụ hệ. Do bởi chế độ hôn nhân ở sơ kì xã hội thị tộc là chế độ quần hôn. Quan hệ vợ chồng không phải là chế độ hôn nhân một đôi chuyên nhất, quan hệ hôn nhân không cố định, nhân đó, một đứa con sau khi sinh ra chỉ biết mẹ mà không biết đến cha, điều này đã quyết định, vào sơ kì của xã hội thị tộc chỉ có thế hệ quan hệ phía mẹ mới có thể xác định được. Nhân đó, sự hình thành tập đoàn thị tộc sơ kì nhất định là do mối liên kết quan hệ huyết thống mẫu hệ mà ra, đó là điều mà nói là “mẫu hệ thị tộc” 母系氏族. Thị tộc nguyên thuỷ đã là thị tộc mẫu hệ, thì “tính” (họ) là tiêu chí của thị tộc, cũng chính là tượng trưng cho mối quan hệ huyết thống nữ tính hoặc mẫu hệ, vì thế, chữ (tính) trong Hán tự là do chữ (nữ) và chữ (sinh) tổ thành. Chữ (sinh) biểu thị, “nhân sinh dĩ tứ tính” 因生以赐姓 (nhân sinh ra mà được ban cho tính), còn chữ (nữ) thì biểu thị “tính” thời sơ kì lấy mối quan hệ huyết thống nữ tính làm căn cứ. Các học giả thời cổ đã mối quan hệ giữa tính với mẫu hệ. Hứa Thận 许慎trong “Thuyết văn giải tự” 说文解字 giải thích chữ “tính” rằng:

Tính, nhân sở sinh dã. Cổ chi thần thánh, mẫu cảm thiên nhi sinh tử, cố xưng thiên tử. Tùng nữ, tùng sinh, sinh diệc thanh. “Xuân thu truyện” viết: ‘Thiên tử nhân sinh dĩ tứ tính.’

, 人所生也. 古之神圣, 母感天而生子, 故称天子. 从女, 从生, 生亦声. “春秋传: ‘天子因生而赐姓.’

(Tính là người do được sinh ra mà có. Thánh nhân thời cổ, mẫu thân cảm ứng từ trời mà sinh con, cho nên gọi là thiên tử. Thuộc chữ hội ý, lấy chữ “nữ” và chữ “sinh” biểu thị phụ nữ sinh dục; chữ “sinh” cũng là thanh phù. Trong “Xuân Thu truyện” có nói: ‘Thiên tử lập người có đức làm chư hầu, căn cứ vào sự thụ thai thần dị, nơi sinh ra, hoặc đức hạnh của họ mà ban cho tính.)

Sử học gia đời Tống là Trịnh Tiều 郑樵 trong “Thông chí” 通志cũng nói:

Tam đại chi tiền, tính thị phân nhi vi nhị, nam tử xưng thị, nữ tử xưng tính.

三代之前, 姓氏分而为二, 男子称氏, 女子称姓.

(Trước thời tam đại, tính và thị phân ra làm hai, đàn ông thì xưng thị, đàn bà thì xưng tính)

“Nữ tử xưng tính” 女子称姓hoàn toàn không mang ý nghĩa là đàn ông thời đó không có “tính” (họ), đàn ông rõ ràng cũng tất yếu có mối quan hệ huyết thống quy thuộc, nhưng do bởi mối quan hệ huyết thống của thị tộc mẫu hệ chủ yếu là do nữ tính truyền thừa, nhân đó, người ta đối với “tính” của nữ đặc biệt chú ý. “Tính” nhân nữ truyền, cũng nhân là nữ mà người ta biết. Trong xã hội mà huyết thống truyền từ nam hệ, phụ nữ cũng có “tính” , chỉ có điều là “tính” đó không phải là từ phái nữ ra mà thôi. Rõ được điểm này, thì có thể lí giải ý nghĩa chân chính vào thời đại mẫu hệ “nam tử xưng thị, nữ tử xưng tính”.

Tính nhân mẫu truyền, cũng nhân nữ mà rõ, cho nên chữ “tính” có chữ “nữ” và chữ “sinh” . Do bởi duyên do tương đồng, một số tính cổ xưa đều có chữ “nữ” bên cạnh, như trong truyền thuyết, Hoàng Đế 黄帝tính Cơ , Viêm Đế 炎帝tính Khương , Thiếu Bễ 少睥tính Doanh , Thuấn tính Diêu   (có thuyết nói là tính Phương ), Vũ tính Tự , mẫu thân của ông Tiết , thuỷ tổ của người Thương tính Nhung , người Chu tính Cơ , người Tề tính Khương , người Tần tính Doanh .

Do bởi tính nhân mẫu truyền, do đó trong văn hiến cổ đại ghi chép không ít thần thoại thị tộc cổ xưa hoặc thuỷ tổ mẫu của thị tộc (nữ tính thuỷ tổ 女性始祖) cảm ứng thiên sinh con mà có được tính. Như, theo truyền thuyết, mẫu thân của ông Vũ là Tu K 修己, con gái của thị tộc Hữu Sằn 有莘, do bởi bà nuốt ý dĩ mà sinh có thai sinh ra ông Vũ, nhân đó mà thị tộc của ông Vũ đã lấy chữ đồng âm với là “tự” làm tính. Cũng theo truyền thuyết, mẫu thân của ông Tiết, thuỷ tổ người Thương là bà Giản Địch 简狄, con gái của thị tộc Hữu Nhung , bà và em gái khi tắm ở bên sông, nhặt được trứng huyền điểu (chim yến) và ăn, từ đó có thai sinh ra ông Tiết, cho nên người Thương lấy “tử” làm tính. “Tử” ở đây nghĩa là trứng, hiện nay người ta gọi trứng gà là “kê tử” 鸡子. Ăn ý dĩ và ăn trứng chim đương nhiên là không thể mang thai, đó chỉ là thần thoại, nhưng những thần thoại này đã phản ánh vào thời đại mẫu hệ người ta chỉ biết mẹ chứ không biết đến cha, đó là chân tướng lịch sử của “tính” nhân mẫu thân mà truyền. …

                                                                        (còn tiếp)

                                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                                            Quy Nhơn 20/6/2024

Nguồn

KHỞI DANH HỌC THỰC DỤNG ĐẠI TOÀN

起名学实用大全

Tác giả: Kim Chí Văn 金志文

Bắc Kinh: Thế giới Tri thức xuất bản xã, 2006

 

Previous Post Next Post