NAM – NAM KHA NHẤT MỘNG
Chữ “nam”
南 lí thú
Trong “Thuyết văn” 说文có nói:
Nam, thảo mộc chí nam phương, hữu
chi nhâm dã.
南, 艸木至南方, 有枝任也
(Phương nam, thảo mộc đến phương
nam, lá tươi tốt, cành mạnh khoẻ)
Ý là nói, nghĩa gốc của chữ 南 (nam) là cây cỏ đến phương nam thì hoa tươi lá tốt. Nhưng lúc tạo chữ, ý nghĩa của chữ 南 (nam) không hề biểu thị phương vị, mà là một loại nhạc khí. Giáp cốt văn viết chữ 南 (nam) giống như sợi dây buộc cái trống. Trong kim văn, nửa phần dưới cái trống thêm vào một thứ giống cây dùi , biểu thị loại nhạc khí với hình dạng như dùng dùi đánh vào cái trống. Triện văn theo tự hình của kim văn. Lệ thư đem dây thừng ở phần trên viết thành chữ 十 (thập). Chữ 南 (nam) hiện đại được định hình từ đó.
Câu
chuyện Hán tự: Nam kha nhất mộng 南柯一梦
Giải thích ý nghĩa
Thành ngữ “Nam kha nhất mộng” 南柯一梦 xuất xứ từ câu chuyện “Nam
Kha Thái thú truyện” 南柯太守传 của Lí
Công Tá 李公佐thời Đường, ví nhân sinh như mộng,
phú quý đắc thất vô thường.
Câu chuyện thành ngữ
Tương truyền, vào thời Đường có một
người họ là Thuần Vu 淳于tên là
Phần 棼, ngày nọ đến sinh nhật của mình,
ông ta cùng với bạn bè yến tiệc dưới gốc cây hoè lớn ở trước nhà. Thuần Vu Phần
uống đến độ say mèm, bạn bè đã dìu ông đến hành lang ngủ.
Trong giấc ngủ mơ mơ hồ hồ, Thuần Vu
Phần dường như thấy có hai sứ giả mặc áo tím mời lên xe, chạy hướng đến bọng cây
dưới gốc hoè. Trong bọng cây có một thế giới khác, xe chạy chưa qua mấy chục dặm,
mà người đi đường tấp nập. Đến thành trì, trên thành có treo tấm biển bằng vàng,
bên trên viết mấy chữ “Đại Hoè An Quốc” 大槐安国, một vị Thừa tướng ra khỏi thành
nghinh đón, nói rằng quốc quân bằng lòng gả công chúa Kim Chi 金枝cho ông.
Thuần Vu Phần tuy cảm thấy không ổn,
nhưng lúc định thần lại thì hôn lễ đã hoàn thành, ông trở thành phò mã, đồng thời
được uỷ nhậm làm “Nam Kha quận Thái thú” 南柯郡太守. Đến nơi làm việc, ông siêng năng chính
sự, yêu mến nhân dân, trước sau được 20 năm, trị lí quận Nam Kha rất tốt, người
đi đường không nhặt của rơi, đêm đến không cần đóng cửa, bất luận là quân vương
hay là bách tính, ai nấy cũng đều yêu quý ông. Lúc bấy giờ ông đã có 5 người
con trai, 2 người con gái, sự nghiệp và gia đình đều muôn phần đắc ý.
Không ngờ láng giềng là Đàn La quốc 檀萝国đột nhiên đem binh xâm lược,
Thuần Vu Phần đánh nhau liên tiếp thất bại, thê tử là công chúa Kim Chi không
may lại mắc bệnh và qua đời. Thuần Vu Phần vô cùng đau buồn, từ bỏ chức vụ Thái
thú, đưa linh cữu thê tử về kinh, từ đó mất đi sự sủng tín của quốc quân. Quốc
vương phê chuẩn cho ông cáo lão hồi hương, ông theo hai vị sứ giả áo tím về nhà.
Vừa ra khỏi động huyệt, lại nhìn thấy
cảnh sắc quen thuộc. Thuần Vu Phần nhìn thấy thân mình vẫn đang nằm trên hành
lang, giật mình tỉnh lại, phát hiện thấy các nô bộc đang quét sân, hai người bạn
đang ở bên cạnh rửa chân. Kiếp sống mà ông trải qua, trong thế giới hiện thực
chẳng qua chỉ là trong chớp mắt.
Thuần Vu Phần kể cho mọi người nghe giấc
mộng của mình, mọi người cùng chạy đến gốc cây hoè, quả nhiên thấy một tổ kiến
rất lớn, rất có khả năng chính là “Hoè An Quốc” 槐安国mà ông ta nằm mộng thấy, còn cành cây ở tận cùng trên
cao, có khả năng là quận Nam Kha, nơi ông làm Thái thú.
Thuần Vu Phần nhớ lại tất cả những gì ở Nam Kha, cảm thấy đời người vô thường, thế là ông xuất gia.
Tri thức:
Chung Nam tiệp kính 终南捷径
Thời Đường có một người tên Tư Mã Thừa
Trinh 司马承祯ẩn cư ở núi Chung Nam 终南. Ông phẩm đức cao thượng, đạm
bạc với danh lợi. Đường Huyền Tông 唐玄宗nhiều lần
mời ông ra làm quan nhưng đều bị cự tuyệt. Về sau, Tư Mã Thừa Trinh tại Trường
An 长安gặp một vị quan tên Lô Tàng Dụng
卢藏用. Lô Tàng Dụng là kẻ ẩn sĩ giả,vì
để được làm quan y đã cố ý ẩn cư tại núi
Chung Nam cách kinh thành rất gần, về sau quả nhiên được như ý muốn.
Lô Tàng Dụng gặp Tư Mã Thừa Trinh, nói
rằng:
Trên núi Chung Nam quả thực là
có nhiều lạc thú.
Tư Mã Thừa Trinh châm biếm ông ta rằng:
Còn là con đường tắt để ra làm
quan.
Về sau người ta dùng “Chung Nam tiệp kính” 终南捷径để ví con đường tắt ngắn nhất để đạt được mục đích.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 07/6/2024
Nguồn
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Khúc Quân Vĩ 曲君伟, Lưu Di Phàm 刘怡帆
Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều
xuất bản xã, 2021