Dịch thuật: Cải thi nan vu tác thi (Tuỳ Viên thi thoại)

 

改诗难于作诗

    改诗难于作诗,何也? 作诗,兴会所至,容易成篇; 改诗,則兴会已过,大局已定,有一二字于心不安,千力万气,求易不得,竟有隔一两月,于无意中得之者.刘彥和所谓富于万篇,窘于一字,真甘苦之言.荀子: “人有失针者, 寻之不得, 忽而得之, 非目加明也, 眸而得之也.” 所谓,偶睨及之也. 唐人句云: “尽日觅不得, 有时还自来.” 眸而得之之谓也.

                 (袁枚 - 随园诗话)

CẢI THI NAN VU TÁC THI

          Cải thi nan vu tác thi, hà dã? Tác thi, hứng hội sở chí, dung dị thành thiên;  cải thi, tắc hứng hội dĩ qua, đại cục dĩ định, hữu nhất nhị tự vu tâm bất an, thiên lực vạn khí, cầu dịch bất đắc, cánh hữu cách nhất lưỡng nguyệt, vu vô ý trung đắc chi giả. Lưu Ngạn hoà sở vị “Phú vu vạn thiên, quẫn vu nhất tự”, chân cam khổ chi ngôn. “Tuân Tử” viết: “Nhân hữu thất châm giả, tầm chi bất đắc, hốt nhi đắc chi, phi mục gia minh dã, mâu nhi đắc chi dã.” Sở vị “mâu” giả, nhẫu nghễ cập chi dã. Đường nhân cú vân; “Tận nhật mịch bất đắc, hữu thời hoàn tự lai.” Tức “mâu nhi đắc chi” chi vị dã.

                                                                  (Viên Mai – Tuỳ Viên thi thoại)

SỬA THƠ KHÓ HƠN LÀM THƠ

          Sửa thơ khó hơn làm thơ, sao lại như thế? Khi làm thơ, cảm hứng đến, dễ dàng viết thành bài; còn khi sửa thơ, cảm hứng đã qua, đại cục đã định, chỉ có một hai chữ cảm thấy không ổn, khiến trong lòng không yên, suy nghĩ hết tâm trí muốn sửa nhưng không thành, rồi cách sau đó một hai tháng, trong lúc vô ý mà lại sửa được. Lưu Ngạn và câu nói: “Có thể viết ra cả vạn bài thơ, nhưng lại bị một chữ làm cho quẫn bách.” quả thật xuất phát từ trong cam khổ vậy. Trong sách “Tuân Tử” có nói: “Có một người mất cây kim, tìm mãi mà không thấy, bỗng nhiên trong lúc vô ý lại tìm thấy, đó không phải là mắt sáng hơn trước đó, chẳng qua chỉ là vô ý tìm thấy mà thôi.” Điều mà gọi là “mâu” ý là ngẫu nhiên đưa mắt liếc qua mà tìm được.” Người thời Đường có nói: “Cả ngày tìm không thấy, có lúc nó lại tự đến.” Đó chính là nói “mâu nhi đắc chi” vậy.

Chú của người dịch

Tuỳ Viên thi thoại 随园诗话: bộ trứ tác của Viên Mai 袁枚 đời Thanh. Những vấn đề mà bộ sách này đề cập rất rộng, từ tư chất tiên thiên của thi nhân đến phẩm đức tu dưỡng hậu thiên, việc học tập thi thư cùng thực tiễn xã hội; từ tả cảnh, ngôn tình đến vịnh vật, vịnh sử; từ lập chí cấu tứ đến định thiên luyện câu; từ từ thái, vận luật đến tỉ hứng, kí thác, tự nhiên, không linh, khúc chiết, các thủ pháp biểu hiện và phong cách nghệ thuật, cùng với việc sửa đổi thơ, thưởng thức thơ, biên tuyển thơ và soạn viết thi thoại, phàm những vấn đề liên quan đến thơ, không gì là không nói đến.

          Tuỳ Viên thi thoại gồm 16 quyển và phần “Bổ di” 10 quyển. 

          Nguồn http://baike.baidu.com/view/121995.htm

Viên Mai 袁枚 (1716 – 1797): tự Tử Tài 子才, hiệu Giản Trai 简斋, một hiệu khác là Tồn Trai 存斋, người đời gọi ông là Tuỳ Viên tiên sinh 随园先生, về già lại có hiệu là Thương Sơn cư sĩ 仓山居士, Tuỳ Viên lão nhân 随园老人, người Tiền Đường 钱塘, Triết Giang 浙江 (nay là Hàng Châu 杭州). Viên Mai đậu Tiến sĩ năm Càn Long thứ 4 (năm 1739), được tuyển làm Hàn lâm viện Thứ cát sĩ. Năm Càn Long thứ 7, ông bị điều khỏi kinh thành, làm Tri huyện các huyện như Lật Thuỷ 溧水, Giang Phố 江浦, Mộc Dương 沐阳, Giang Ninh 江宁. Năm Càn Long thứ 13, lúc 33 tuổi Viên Mai từ quan về sống tại Tuỳ Viên 随园 tại Tiểu Thương sơn 小仓山 ở Giang Ninh 江宁. Trừ lúc làm quan ở Thiểm Tây 1 năm vào năm Càn Long thứ 17 ra, về sau ông không ra làm quan nữa. Viên Mai nổi tiếng về thơ văn, ông giao thiệp rất rộng, được mọi người trên thi đàn ngưỡng mộ gần 50 năm. Trứ thuật của Viên Mai cũng rất phong phú.

          Tuỳ viên 随园, tại Tiểu Thương sơn ở Giang Ninh (nay là Nam Kinh), là tên gọi biệt thự mà Viên Mai cất sau khi từ quan. Thi thoại của Viên Mai được viết ở đây nên có tên là Tuỳ Viên thi thoại 随园诗话.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                  Quy Nhơn 17/6/2024

Nguồn

TUỲ VIÊN THI THOẠI

随园诗话

Tác giả: Viên Mai 袁枚

Chú dịch: Lôi Phương 雷芳

Vũ Hán: Sùng Văn thư cục, 2007.

Previous Post Next Post