Dịch thuật: Tây - Đông thực tây túc

 

TÂY – ĐÔNG THỰC TÂY TÚC

Chữ “tây” 西 lí thú

          Trong “Thuyết văn” 说文có nói:

          Tây, điểu tại sào thượng. Tượng hình. Nhật tại tây phương nhi điểu thê, cố nhân dĩ vi đông tây chi tây.

          西, 鸟在巢上. 象形. 日在西方而鸟栖, 故因以为东西之西.

          (Tây nghĩa là chim nghỉ trong tổ, thuộc chữ tượng hình, giống hình dạng chim ở trên tổ. Khi mặt trời chuyển về phía tây thì chim bắt đầu nghi ngơi, cho nên dùng để biểu thị hướng tây trong đông tây.)

          Nghĩa gốc khi sáng tạo chữ “tây” 西 là khi mặt trời về núi thì chim về tổ nghỉ ngơi. Tự hình trong giáp cốt văn giống hình chiếc túi bện bằng dây mà người phụ nữ mang theo về nhà. Kim văn kéo dài tự hình giáp cốt văn. Lệ thư kế thừa tự hình kim văn. Cách viết của lệ thư biến hình nghiêm trọng, đem tự hình viết thành 西.

          Nghĩa gốc khi tạo chữ: chiếc túi đựng hành lí của phụ nữ cổ đại.

Câu chuyện Hán tự: Đông thực tây túc 东食西宿

          Giải thích ý nghĩa

          Thành ngữ “Đông thực tây túc” 东食西宿, bản ý là chỉ việc ăn cơm ở nhà phía đông mà ngủ ở nhà phía tây; ví với người tham lam, phương diện nào cũng muốn, chỉ biết có lợi, tham không biết chán.

Câu chuyện thành ngữ

Thời Xuân Thu tại nước Tề có một cô gái nhà nọ vô cùng xinh đẹp. Cô này nhan sắc trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa, tiếng đồn lan truyền khắp thôn. Đến lúc phải lập gia đình, có hai nhà đưa người làm mai đến cầu hôn.

Hai nhà này mỗi nhà có một thế mạnh, người con trai nhà ở thôn bên đông tướng mạo xấu xí nhưng gia cảnh vô cùng giàu có; người con trai nhà ở thôn bên tây tướng mạo vô cùng xinh đẹp nhưng gia cảnh bần hàn. Điều này khiến cha mẹ cô gái lo buồn, cảm thấy không có người nào có thể khiến họ hài lòng cưới con gái của mình. Họ do dự chưa quyết, thế là bèn hỏi ý kiến con gái, để con gái tự quyết định muốn được gả cho nhà nào.

Lúc bấy giờ cô gái ngại ngùng nói thẳng ý kiến của mình, thế là cha mẹ cô liền hỏi:

-Nếu con ngại không tự miệng nói ra muốn lấy ai, thì không cần nói, thích nhà bên đông thì vén tay áo bên trái lên; thích nhà bên tây thì vén tay áo bên phải lên, cha mẹ sẽ rõ ý của con.

Cô gái suy nghĩ một lúc rồi vén cả hai tay áo. Cha mẹ cô cảm thấy kì lạ, liền hỏi rốt cuộc là chọn người con trai nhà nào. Câu trả lời của cô gái khiến họ cười, cô ta nói rằng:

-Con muốn ăn cơm ở nhà người con trai giàu có bên đông, buổi tối ngủ ở nhà người con trai xinh đẹp bên tây.

Tri thức: Tây phương cực lạc thế giới 西方极乐世界

          “Tây” 西, nhiều khi được xem là điểm cuối cùng của Phật pháp đại thành hoặc của con người sau khi mất, chúng ta thường nghe nói “Nhất mệnh quy tây” 一命归西, “Tây phương cực lạc thế giới” 西方极乐世界, là nhân vì mặt trời lặn về phía tây, thế là tây được xem là điểm cuối cùng. Trong “Phật thuyết A Di Đà Kinh” 佛说阿弥陀經có nói:

          Tùng thị tây phương, quá thập vạn ức Phật thổ, hữu thế giới danh viết Cực lạc.

          从是西方, 过十万亿佛土, 有世界名曰极乐.

          (Từ phương tây này, đi qua thập vạn ức Phật thổ, sẽ có một thế giới tên là Cực lạc.)

          Người sáng lập Phật giáo Thích Ca Mâu Ni 释迦牟尼 năm đó khi ở tại Ấn Độ, từ địa cầu hướng về phương mà mặt trời lặn xuống núi, quan sát được vị trí của thế giới cực lạc. “Tây phương cực lạc thế giới” từ đó mà sinh ra.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                                          Quy Nhơn 17/5/2024

Nguồn

HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ

汉字的故事

Tác giả: Khúc Quân Vĩ 曲君伟, Lưu Di Phàm 刘怡帆

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2021

Previous Post Next Post