Dịch thuật: Đông - Đông Thi hiệu tần

 

ĐÔNG – ĐÔNG THI HIỆU TẦN 

Chữ “đông” lí thú

          Trong “Thuyết văn” 说文có nói:

          Chữ (đông) lúc ban đầu tạo chữ lấy ý nghĩa là di động. Tự hình có chữ (mộc) làm thiên bàng. Quan Phổ 官溥 cho rằng, tự hình dùng (nhật) và (mộc) kết hợp, biểu thị mặt trời từ trong khóm cây phía đông mọc lên. Người xưa dùng một tấm vải đem hành lí bọc lại, lấy một khúc cây gắn vào để tiện vác trên vai, thành (thác) (chỉ túi vải). Chữ (đông) trong giáp cốt văn giống hình dạng cột ngang cột dọc trên bao đồ. Trong giáp cốt văn cũng có chữ có hình dạng giống như trong bao lớn có đựng một bao nhỏ, biểu thị di động. Kim văn kế thừa tự hình giáp cốt văn. Lệ thư đem tự hình của triện văn chuyển hoá thành . Ở chữ giản thể đã giản hoá khải thư thành .

Câu chuyện Hán tự: Đông Thi hiệu tần 东施效颦

          Giải thích ý nghĩa

          “Tần” mang ý nghĩa là chau mày. Thành ngữ “Đông Thi hiệu tần” 东施效颦  (Đông Thi bắt chước chau mày) xuất xứ từ trong “Trang Tử” 庄子, ví với việc bắt chước những chỗ yếu kém của người khác, không những không có hiệu quả tốt mà lại có tác dụng ngược lại. Có khi cũng có thể dùng làm khiêm từ ý nói bản thân mình bắt chước chưa tới những ưu điểm của người khác.

Câu chuyện thành ngữ

          Tây Thi 西施 là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc thời cổ, người nước Việt thời Xuân Thu. Tây Thi lệ chất lan tâm, mọi người đều ngưỡng mộ. Lúc bấy giờ nước Việt bị nước Ngô đánh bại, bị bức phải xưng thần với nước Ngô, ngay cả Việt vương Câu Tiễn 勾践cũng bị bức làm nô bộc cho Ngô vương.

          Việt vương đem hai người đẹp là Tây Thi 西施và Trịnh Đán 郑旦 dâng cho Ngô vương Phù Sai 夫差để mê hoặc, còn Câu Tiễn thì nằm gai nếm mật, nuôi ý đồ phục thù. Cuối cùng nước Ngô bị nước Việt đánh bại.

          “Đông Thi hiệu tần” là câu chuyện được chép trong bộ “Trang Tử” nổi tiếng thời cổ. Theo truyền thuyết, Tây Thi lúc trẻ, tim có vấn đề, thường nhân vì tim đau mà ôm lấy ngực, chau mày với người đi đường. Người trong thôn nhìn bộ dạng đáng thương đó của Tây Thi đều cảm thấy Tây Thi vô cùng đẹp, khen ngợi không ngớt lời.

          Phía đông của thôn có một cô gái vô cùng xấu xí tên là Đông Thi 东施, cô ta đau buồn vì mọi người chê xấu xí, thế là cô ta chăm chú quan sát Tây Thi. Sau khi phân tích, cô ta cho rằng nguyên nhân Tây Thi đẹp là do động tác của cô ấy. Thế là Đông Thi bắt chước Tây Thi một cách cứng nhắc, cũng ôm lấy ngực, chau mày với người qua đường.

          Nhưng sự việc lại trái với nguyện vọng, mọi người thấy bộ dạng quái dị của cô ta không những không khen đẹp mà còn tránh né cô ta.

          Đông Thi biết chau mày là đẹp mà không biết nguyên nhân vì sao chau mày là đẹp. Ấy là do bởi dung mạo xinh đẹp của Tây Thi.

Tri thức: Đông đạo chủ 东道主

          Một nước tổ chức một sự kiện hoặc một ai đó mời khách thì được gọi là “đông đạo chủ” 东道主, đó là vì sao?

          Kì thực, từ này có nguồn gốc từ thời Xuân Thu, nước Tấn muốn liên hợp với Tần tấn công nước Trịnh. Hình thế nước Trịnh nguy cấp, thế là quốc quân nước Trịnh phái Chúc Chi Vũ 烛之武 đến Tần du thuyết. Chúc Chi Vũ nói với quốc quân nước Tần, nước Trịnh tình nguyện trở thành tôi tớ tốt của Tần, làm chủ nhân của “đông đạo thượng” 东道上 (nước Trịnh ở phía đông của nước Tần), tiếp đãi sứ tiết của Tần thường lui tới, xưng là “đông đạo” 东道, “đông đạo chủ” 东道主. Về sau dùng từ này để chỉ vị chủ nhân tiếp đãi khách, hoặc chỉ người mời khách đến.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                                          Quy Nhơn 11/5/2024

Nguồn

HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ

汉字的故事

Tác giả: Khúc Quân Vĩ 曲君伟, Lưu Di Phàm 刘怡帆

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2021

 

Previous Post Next Post