Dịch thuật: "Nho lâm ngoại sử" - Mẫu mực của văn học phúng thích

NHO LÂM NGOẠI SỬ

MẪU MỰC CỦA VĂN HỌC PHÚNG THÍCH 

          “Nho lâm ngoại sử” 儒林外史là tiểu thuyết trường thiên do Ngô Kính Tử 吴敬梓 đời Minh sáng tác, là mẫu mực của văn học phúng thích cổ đại Trung Quốc. Đối với cuộc sống, Ngô Kính Tử đã sáng tạo thành công hình tượng văn nhân dưới chế độ khoa cử và chế độ phong kiến lúc mạt thế, đồng thời miêu tả sinh động chế độ khoa cử hung ác như ăn thịt người, cùng với lễ giáo và sự thế hủ bại, khiến ông trở thành một trong những tác gia kiệt xuất của chủ nghĩa hiện thực phê phán trong lịch sử văn học Trung Quốc.

Ngô Kính Tử một đời gian khổ

          Ngô Kính Tử 吴敬梓 (năm 1701 – năm 1754), tự Mẫn Hiên 敏轩, hiệu Lạp Dân 粒民. Cả cuộc đời của ông đầy đau thương, nghèo khó và gian khổ. Ngô Kính Tử xuất thân từ thư hương thế gia, trong gia tộc của ông mấy vị tiền bối từng là những người nổi trội trong khoa cử khảo thí. Năm 1723, năm mà Ngô Kính Tử thi Tú tài, phụ thân của ông bệnh và qua đời, và theo đó, cuộc sống của ông cũng phát sinh những biến hoá to lớn.

          Ngô Kính Tử kế thừa một di sản phong phú, người trong tộc khinh ông thế đơn lực cô, có ý muốn chiếm đoạt, thậm chí thân tộc xung đột với người nhà cướp đoạt tài sản. Ông thấy nhân tình thế thái đen bạc, từ đó sinh ra ác ý và sự phản kháng đối với gia tộc. Ông từ chỗ kích động biến thành ngông cuồng phóng túng, phóng đãng không kiềm chế, một mặt ông qua lại giữa quê nhà và Nam Kinh 南京, bước chân vào chốn gió trăng hoa liễu, mặc ý tiêu xài; mặt khác tuỳ ý phát tán tiền tài cho những người cầu xin ông trợ giúp, đến nỗi tài sản mà phụ thân lúc qua đời lưu lại cũng tiêu hao gần hết, từng bước rơi vào cảnh nghèo khó, nhân đó mà ông bị người trong làng xem là “bại gia tử” mà còn lấy đó “truyền nhau răn con cháu mình”. Dưới áp lực của dư luận thế tục và sự chê cười của bà con trong làng, năm ông 33 tuổi, đã quyết tuyệt tình cảm, bán hết tài sản mà tổ tiên để lại, bắt đầu bán chữ để sinh nhai.

          Ngô Kính Tử cũng đã từng muốn bước lên con đường khoa cử vinh thân, nhưng từ sau khi thi đỗ Tú tài lúc còn trẻ chưa đến 20 tuổi, trước sau không thi đỗ khoa nào. Năm 29 tuổi, ông đến Trừ Châu 滁州tham gia khoa khảo, nhân vì hành vi cuồng phóng của ông bị người ta bẩm báo lên khảo quan, cuối cùng lấy cớ “văn chương đại hảo nhân đại quái” 文章大好人大怪 (văn chương thì hay mà con người lại kì quái) mà đánh rớt. Bị một cú đánh trầm trọng, khiến ông càng hoài nghi sâu đậm về chế độ khoa cử, không muốn bước lên con đường khoa cử nữa, hát câu:

Ân bất thậm hề khinh tuyệt, hưu thuyết công danh.

恩不甚兮轻绝, 休说功名

(Ân huệ không nhiều thì d dứt bỏ, chớ nói đến công danh)

Cam tâm tình nguyện sống một cuộc sống nghèo khổ cho đến già. Ông nhìn thấu thói đời ấm lạnh, đem chế độ khoa cử mà mấy chục năm thấy được viết thành bộ “Nho lâm ngoại sử” với nhiều màn bi kịch, để đả kích chế độ hung ác này.

          Ngày 28 tháng 12 âm lịch năm Càn Long 乾隆 thứ 19 (năm 1754), Ngô Kính Tử tại Dương Châu 扬州sau khi hội họp vui chơi cùng bạn bè, đã đột ngột qua đời.

          Việc tang ma vội vàng ai lo liệu đây? Đáng thương là hãy còn chút tiền cầm chiếc áo. Kết thúc một đời lỗi lạc gập ghềnh trắc trở của ông một cách cực kì bi thảm.

Hình tượng văn nhân dưới chế độ khoa cử

          “Nho lâm ngoại sử” do nhiều câu chuyện sinh động liên kết lại, những câu chuyện này đều lấy nguyên mẫu người thật việc thật mà sáng tạo ra. Tình tiết câu chuyện trong toàn sách không có nhân vật chính, nhưng có một trung tâm xuyên suốt trong đó, đó chính là phản ánh sự độc hại của chế độ khoa cử và lễ giáo phong kiến, phúng thích nhân vì quá nhiệt tâm với công danh phú quý tạo thành hư nguỵ cực đoan, phong tục xã hội ác liệt.

          Như ở hồi thứ 2 viết về sự từng trải chìm nổi trong khoa trường của hai nho sinh nghèo Chu Tiến 周进và Phạm Tiến 范进: Họ vốn là lão “đồng sinh” 童生 lặn ngụp mấy chục năm trong khoa cử mà chưa ra khỏi, bình thường chịu sự khinh miệt và lăng nhục của người khác. Nhưng một khi thi đỗ trở thành người của giai tầng tấn thân, “chẳng phải thân nhân cũng đến nhận là người thân, không phải thân quen cũng đến nhận thân quen” nhà cửa, điền sản, vàng bạc, nô bộc, cũng tự đem đến tặng. Hai bên ngạch cửa khoa cử này là giàu với nghèo, sang với hèn, vinh với nhục. Cho nên, chẳng trách Chu Tiến khi vào cống viện tham quan, va phải hiệu bản mà bị ngất, sau khi được cứu tỉnh lại, đi qua từng gian từng gian hiệu phòng cũng khóc lóc, khóc cho đến khi thổ huyết. Còn Phạm Tiến ôm con gà mái ra chợ bán, khi biết tin thi đỗ, vui đến phát cuồng, may có một cái tát tay của nhạc phụ mà khôi phục lại thần trí.

          Dưới sự cám dỗ của công danh phú quý, nhiều sĩ tử đã tôn thờ khoa cử khảo thí như vị thần minh, như Lỗ Hàn Lâm 鲁翰林nói rằng:

          -Văn chương nếu làm được tốt, tuỳ theo anh làm theo loại nào, muốn thi thì thi, muốn phú thì phú, cũng đều là một roi một dấu vết, một cái tát một cái bạt tai; nếu văn chương thiếu đi sự chú ý coi trọng, cho dù anh làm như thế nào cũng đều là hồ li ma quỷ tà đạo.

          Khoa cử khảo thí không những gây độc hại đến phần tử tri thức đương thời, mà còn tạo thành một đám tham quan ô lại, thổ hào ác bá. Khoa cử khảo thí khiến một phận từ khi theo con đường làm quan này đã phóng túng chèn ép tàn hại bách tính. Tri phủ Nam Xương 南昌Vương Huệ 王惠chính là điển hình của loại này, Sự kiện đầu tiên khi ông ta nhậm chức, là tìm hiểu vùng đó có đặc sản gì, trong các loại án kiện có chỗ nào có thể dung thông, tiếp đó, chính là muốn dùng hết mọi cách để mọi người đem vàng bạc quy công – đó cũng chính là sự tham ô trong tiểu thuyết. Ông ta vốn là một kẻ tín điều nhưng lại là:

Tam niên thanh Tri phủ, thập vạn tuyết hoa ngân

三年清知府, 十万雪花银

(Ba năm làm Tri phủ liêm khiết, được mười vạn bạc trắng)

Khi triều đình khảo sát chính tích của ông, cũng nhất trí cho rằng ông là “Giang Nam đệ nhất năng quan” 江南第一能官 (Vị quan có năng lực đệ nhất vùng Giang Nam).

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 05/5/2024

Nguyên tác Trung văn

PHÚNG THÍCH VĂN HỌC ĐIỂN PHẠM - “NHO LÂM NGOẠI SỬ”

讽刺文学典范 -儒林外史

Trong quyển

NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG

TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ

(quyển 1)

一本书读懂中国传说文化

Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航

                   Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019 

Previous Post Next Post