BẮC – THÀNH BẮC TỪ CÔNG
Chữ “bắc”
北 lí thú
Trong “Thuyết văn” 说文có nói:
Bắc, tùng nhị nhân tương bối.
北, 从二人相背
(Bắc là hai người quay lưng lại
với nhau)
Chữ “bắc” 北về tự hình lúc ban đầu khi tạo ra chữ là loại hội ý mang ý nghĩa hai người quay lưng lại với nhau. Vào thời cổ, chữ “bắc” 北và chữ “bối” 背nguyên là một chữ. “Bắc” 北trong giáp cốt văn giống hình dạng một người quay về bên trái và một người quay về bên phải, hai người đứng đâu lưng với nhau. Kim văn, triện văn đã kế thừa tự hình của giáp cốt văn. Sau khi hoá theo kiểu chữ lệ, tự hình của khải thư biến thành 北. Do bởi vào thời cổ khi thiên tử lên triều, mặt hướng về phương nam, nhân đó, phía mà lưng hướng về gọi là “bắc” 北.
Câu
chuyện Hán tự: Thành bắc Từ Công 城北徐公
Giải thích ý nghĩa
Thành ngữ “Thành bắc Từ Công” 城北徐公 (Từ Công phía bắc thành) xuất
xứ từ “Chiến quốc sách – Tề sách nhất” 战国策 - 齐策一 của Lưu Hướng 刘向thời Tây Hán:
Thành bắc Từ Công, Tề quốc chi
mĩ lệ dã.
城北徐公, 齐国之美丽也
(Từ Công ở phía bắc thành là
người đẹp trai của nước Tề)
Ý nghĩa là chỉ “mĩ nam”, người đàn ông
đẹp trai tuấn tú.
Câu chuyện thành ngữ
Thời Chiến Quốc, đại thần nước Tề là Trâu Kị 邹忌tướng mạo rất đẹp, khí vũ hiên
ngang. Nhưng người đương thời truyền nhau rằng phía bắc thành có một đàn ông họ
Từ 徐 là người anh tuấn nhất của nước
Tề, Trâu Kị thường cảm thấy không cam tâm.
Ngày nọ, Trâu Kị hỏi thê tử của mình:
-Tôi so với Từ Công phía bắc thành, ai anh tuấn hơn?
Nàng không cần nghĩ ngợi nói liền:
-Đương nhiên là phu quân anh tuấn hơn, Từ Công phía
bắc thành làm sao sánh với chàng được.
Trâu Kị có chút nghi ngờ, lại đi hỏi tiểu thiếp của
mình:
-Tôi so với Từ Công phía bắc thành, ai anh tuấn hơn?
Người thiếp nhìn qua rồi nói:
-Đương nhiên chàng anh tuấn hơn, Từ Công phía bắc
thành làm sao có thể sánh ngang cùng với chàng được.
Ngày hôm sau, có khách đến nhà. Trong lúc chuyện trò,
Trâu Kị ngẫu nhiên có nói đến Từ Công, liền hỏi khách rằng ông và Từ Công ai
anh tuấn hơn. Khách cười lớn đáp:
-Nói thực, Từ Công phía bắc thành không bằng ông.
Về sau, Từ Công phía bắc thành nhân vì công việc đến
thăm Trâu Kị. Vừa gặp mặt, Trâu Kị hoảng kinh, ông phát hiện, dung mạo của Từ
Công so với mình anh tuấn hơn rất nhiều! Hơn nữa lúc soi kính cảm thấy mình kém
xa.
Trâu Kị đem chuyện đó tâu với Tề Uy Vương 齐威王, nói rằng:
-Dung mạo của thần không bằng Từ Công phía bắc
thành, nhưng thê tử của thần nói thần đẹp, đó là bởi nàng yêu thần; tiểu thiếp
của thần nói thần đẹp, đó là bởi nàng sợ thần; còn người khách nói thần đẹp, đó
là bởi ông ta có việc muốn cầu cạnh thần. Nhà thần đã như thế, đại vương thống
cả nước, vuông tròn trăm dặm, thành trì đến cả trăm, phi tử trong cung, không
ai là không yêu ngài; thần tử của ngài, không ai là không kính sợ ngài; chư hầu
không ai là không muốn cầu cạnh ngài. Chiếu theo tình huống đó, sự mông muội
che lấp ngài nhất định là rất nhiều.
Tề Uy Vương gật đầu khen phải.
Về sau, Tề Uy Vương quảng khai ngôn lộ, để người trong nước nói lên ý kiến của mình. Qua mấy năm, ý kiến mà thần dân muốn tâu không còn nữa, nước Tề trở nên cường thịnh.
Tri thức:
Thái sơn Bắc đẩu
“Thái sơn Bắc đẩu” 泰山北斗xuất xứ từ “Tân Đường thư –
Hàn Dũ truyện tán” 新唐书 - 韩愈传赞:
Học giả ngưỡng chi như Thái sơn
Bắc đẩu vân.
学者仰之如泰山北斗云
(Các học giả ngưỡng mộ ông nói
ông như Thái sơn Bắc đẩu)
Thái sơn 泰山: Đông nhạc, tại thành phố Thái An 泰安tỉnh Sơn Đông 山东, từ xưa đã có xưng hiệu “ngũ
nhạc chi thủ” 五岳之首 (đứng đầu ngũ nhạc) (1).
Bắc đẩu 北斗: sao Bắc đẩu.
Đối với người xưa mà nói, địa vị của Bắc
đẩu vô cùng cao, nhân vì dựa vào Bắc đẩu mà phân bốn mùa và tiết khí. Chỉ cần
bách tính tìm thấy Bắc đẩu trên bầu trời thì có thể phân biệt được thời tiết để
gieo trồng cày cấy. Hơn nữa sao Bắc đẩu ngầm chỉ vận số hưng suy của thế gian,
thậm chí còn có thể trên cả đế vương.
Thành ngữ “Thái sơn Bắc đẩu” 泰山北斗dùng để ví bậc đại sư trên thế gian hoặc một người giỏi về một lãnh vực nào đó, có được sự tôn kính của mọi người.
Chú của người dịch
1-Ngũ
nhạc 五岳gồm:
-Đông nhạc Thái sơn 东岳泰山 tại Sơn Đông 山东
-Tây nhạc Hoá sơn 西岳华山 tại Thiểm Tây 陕西
-Nam nhạc Hành sơn 南岳衡山 tại Hồ Nam 湖南
-Bắc nhạc Hằng sơn 北岳恒山 tại Sơn Tây 山西
-Trung nhạc Tung sơn 中岳嵩山 tại Hà Nam 河南
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 21/5/2024
Nguồn
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Khúc Quân Vĩ 曲君伟, Lưu Di Phàm 刘怡帆
Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều
xuất bản xã, 2021