“LIÊU TRAI CHÍ DỊ” - ĐÀM HỒ THUYẾT QUỶ
“Liêu trai chí dị” 聊斋志异, nói tắt là “Liêu trai” 聊斋, tục
danh “Quỷ hồ truyện” 鬼狐传, là bộ đoản thiên tiểu thuyết
văn ngôn do Bồ Tùng Linh 蒲松龄 – tiểu thuyết gia nổi tiếng đời
Thanh sáng tác. Trong đó đa số tiểu thuyết là thông qua hình thức huyễn tưởng nói
về hồ li về quỷ, nhưng nội dung lại mọc rễ sâu trên mảnh đất hiện thực. Cho nên
Quách Mạt Nhược 郭沫若đánh giá rằng:
Tả
quỷ tả yêu cao nhân nhất đẳng, thích tham thích ngược nhập cốt tam phân.
写鬼写妖高人一等, 刺贪刺虐入骨三分.
(Viết về quỷ viết về yêu, tài cao hơn người một cấp, châm biếm tính tham lam, châm biến sự bạo ngược, đúng đến mức như chạm vào xương ba phần)
Bồ Tùng Linh
vị tú tài nghèo thi rớt
Bồ Tùng Linh 蒲松龄 (năm 1640 – năm 1715), tiểu
thuyết gia đời Thanh, tự Lưu Tiên 留仙, hiệu Liễu Tuyền Cư Sĩ 柳泉居士,
sinh ra trong một gia đình trung tiểu địa chủ kiêm thương nhân. Năm 19 tuổi,
thi đậu Tú tài của huyện, phủ, đạo, nổi danh một thời, nhưng sau đó nhiều lần
thi đều không đậu. Ông từng viết qua cặp đối tự khuyên mình rất nổi tiếng:
Hữu chí giả, sự cánh thành, phá phủ trầm chu, bách nhị Tần
quan chung thuộc Sở.
Khổ tâm nhân, thiên bất phụ, ngoạ tân thường đảm, tam thiên
Việt giáp khả thôn Ngô.
有志者, 事竟成, 破釜沉舟, 百二秦关终属楚
苦心人, 天不负, 臥薪尝胆, 三千越甲可吞吴
(Người có chí, sự sẽ thành, đập nồi đục thuyền, hai trăm ải
Tần rốt cuộc thuộc về nước Sở.
Người khổ tâm, trời chẳng phụ, nằm gai nếm mật, ba ngàn quân
Việt có thể nuốt nước Ngô)
Ông một đời nhiệt tình với khoa cử, nhưng trước sau bất đắc
chí, năm 71 tuổi mới phá lệ bổ làm Cống sinh. Do bởi trường kì chuyên tâm đọc sách,
ruộng vườn của gia đình không ai cày cấy, tài nguyên dần cạn kiệt, cả nhà lớn
nhỏ sống trong nghèo khổ cực độ. Ông từng viết bài văn trào phúng “Trừ nhật
tế Cùng thần văn” 除日祭穷神文:
Cùng thần, Cùng thần. Ngã dữ nễ hữu hà thân, hưng đằng đằng
đích môn nhi nễ bất khứ tầm, thiên bả ngã đích môn nhi tiến? Nan đạo thuyết, Gí
thị nễ đích nha môn, cư trú bất động thân? Nễ tựu thị thế tập tại thử, dã cai
biệt xứ quyền quyền ấn; ngã tựu thị nễ thiếp thân đích gia đinh, hộ giá đích tướng
quân, dã cai phóng giả khoan hạn thi thi ân.
穷神, 穷神. 我与你有何亲,
兴腾腾的门儿你不去寻,
偏把我的门儿进?
难道说,
这是你的衙门,
居住不动身?
你就是世袭在此,
也该別处权权印;
我就是你贴身的家丁,
也该放假宽限施施恩.
(Thần nghèo, Thần nghèo. Tôi với ông có quan hệ thân thiết
gì, những nhà vô cùng hưng vượng sao ông không tìm đến, mà cứ khăng khăng đến
nhà tôi? Lẽ nào, nơi đây chính là nha môn của ông, mà ông cư trú chẳng chịu rời
đi. Ông dù có đời đời thế tập ở đây, thì cũng phải ra oai xứ khác; tôi có chính
là gia đinh bên cạnh ông, thì cũng phải ra ơn buông tha chứ.)
Là một vị Tú tài nghèo thi rớt, Bồ Tùng Linh một đời chủ yếu dựa vào dạy học làm văn để duy trì cuộc sống. Ông trường kì dạy học ở những nhà thư hương có tiền. Như vậy, một mặt có thể mưu sinh, mặt khác lại cung cấp cho ông sách vở và điều kiện để sáng tác. Từ thời trẻ, Bồ Tùng Linh đã bắt tay vào việc sáng tác “Liêu trai chí dị”, gián đoạn rồi tiếp tục nhưng chưa thể kết thúc, đồng thời mấy lần sửa nguyên cảo, mãi cho đến lúc trước khi mất vẫn còn tăng thêm. Ngoài ra, Bồ Tùng Linh còn sáng tác thơ, từ, tả văn, lí khúc … Ông còn có bộ tiểu thuyết bạch thoại trường thiên “Tỉnh thế nhân duyên truyện” 醒世姻缘传.
Yêu ngôn quỷ
ngữ thuyết nhân tâm
Bộ “Liêu trai chí dị” tổng cộng có 491 thiên, nội dung rất
phong phú nhiều màu sắc, câu chuyện thu thập từ truyền thuyết dân gian và dã sử
dật văn, đa phần nói về hồ li, tiên nhân, quỷ yêu, nhân thú. “Liêu trai” 聊斋là tên
thư phòng của ông, “chí” 记mang ý nghĩa kí thuật, ghi chép, “dị” 异 chỉ những
câu chuyện kì dị.
Ma quỷ thần tiên hồ li trong tiểu thuyết hoàn toàn không phải
đáng sợ đáng giận như trong tưởng tượng của mọi người. Tương phản lại, trừ một
số ít ác quỷ, dâm hồ và yêu ma hại người ra, đa số đều là thiện quỷ, nhân hồ, và
tinh linh giúp người. Ví dụ như trong truyện “Vương Lục Lang” 王六郎,
Vương Lục Lang sẩy chân chết đuối, không thể tự mình hoàn dương, mà ngầm bắt một
bà mẹ thay làm quỷ, bỏ mặc đứa con nhỏ. Nhưng cuối cùng anh ta vì thương đứa bé nên
không bắt. Trên thân của Lục Vương lấp lánh
ánh sáng nhân tính.
Một số người trong tiểu thuyết, có lúc lộ ra một phương diện
ác. Như trong truyện “Hoạ bì” 画皮kể về một thư sinh họ Vương,
ra khỏi cửa gặp phải một cô gái trẻ xinh đẹp, bèn đưa về nhà giấu trong thư phòng.
Ngày nọ, Vương sinh ra ngoài gặp một vị lão đạo sĩ, lão đạo sĩ cho anh biết trên
người anh có yêu khí. Vương sinh ra sức biện bạch, đạo sĩ nói rằng:
-Hồ
đồ! Trên đời quả có kẻ đến lúc chết mà cũng không tỉnh ngộ.
Vương sinh về nhà quả nhiên phát hiện cô gái là loại quỷ dữ
đội lốt mĩ nhân, anh ta sợ hãi co chân bỏ chạy. Quỷ dữ đuổi theo, moi lấy tim của
anh ta. Vợ Vương sinh là Trần thị 陈氏đau đớn tột độ, quỳ cầu lão đạo sĩ cứu lấy chồng
mình. Lão đạo sĩ để thử Trần thị, đã chọc ghẹo Trần thị, đồng thời từ trong miệng
thổ ra vốc đờm bảo Trần thị ăn. Trần thị một lòng muốn cứu chồng, nên nhẫn nại.
Trần thị về đến nhà, lúc ôm lấy thây chồng mà khóc, đột nhiên từ miệng thổ ra một
vật, rơi vào họng của chồng, người chồng từ từ tỉnh lại. Đối với việc đó, Bồ Tùng
Linh đánh giá rằng:
Bi tai thế nhân!, minh minh yêu dã nhi dĩ vi mĩ. Mê tai
ngu nhân, minh minh trung dã nhi dĩ vi vọng.
悲哉世人! 明明妖也而以为美. 迷哉愚人! 明明忠也而以为妄.
(Đau buồn thay người đời! rõ ràng là yêu quái mà cho là đẹp.
Mê muội thay người ngu, rõ ràng là lời ngay mà lại cho là nói bậy)
“Liêu trai chí dị” đàm hồ thuyết quỷ, cũng là đang tả chân
thực về con người. Chính như Lão Xả (Xá) 老舍 (1) có nói:
Quỷ hồ hữu tính cách, tiếu
khốc thành văn chương.
鬼狐有性格,
笑哭成文章
(Ma quỷ hồ li có tính cách,
cười khóc thành văn chương)
Trong tác phẩm đa số thông qua thủ pháp đàm hồ thuyết quỷ, đối với sự hủ bại, hắc ám của xã hội đương thời đã tiến hành phê phán mạnh mẽ, ở một mức độ nhất định đã vạch trần mâu thuẫn xã hội, biểu đạt nguyện vọng của nhân dân.
Chú của người
dịch
1-Về cách đọc 老舍:
Với chữ 舍, Hán Việt tự điển
của Thiều Chửu có 2 âm đọc:
- “Xá”
với các nghĩa: quán trọ, tiếng để gọi các người thân hàng dưới mình, nghỉ.
- “Xả”
với các nghĩa: bỏ, thôi ngừng.
Về tên tác giả 老舍 (1899 – 1960)
Ông vốn người Mãn Châu Chính hồng kì,
tên Thư Khánh Xuân 舒庆春, bút danh Khiết Thanh 絜青, Hồng Lai 鸿来, Phi Ngã 非我, tự Xả Dư 舍予. Nhân vì sinh
vào tiết Lập xuân nên cha mẹ đặt cho ông tên là “Khánh Xuân”, hàm ý “vui mừng
xuân đến”, “tiền đồ tươi sáng”. Về sau ông tự đổi tên là “Thư Xả Dư” 舒舍予, hàm ý là “xả khí tự ngã” 舍弃自我 (vất bỏ cái
tôi), cũng tức là “vong ngã” 忘我 (quên cái
tôi). Hai chữ 舍 và 予 tách ra từ chữ
舒 (thư), họ của ông. “Xả” có nghĩa là bỏ; “dư” có nghĩa là
ta, tôi. “Xả Dư” tức vất bỏ cái tôi.
Như vậy tên của ông đọc là “Lão Xả” và
đọc “xả” cũng phù hợp với tên tự “Xả Dư”
và bút danh “Phi Ngã” của ông.
Theo http://baike.baidu.com/view/6507.htm
Ta quen đọc là “Lão Xá”.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 15/4/2024
Nguyên tác Trung văn
ĐÀM HỒ THUYẾT QUỶ - “LIÊU TRAI CHÍ
DỊ”
谈狐说鬼 - “聊斋志异”
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất
bản xã, 2012, tái bản 2019