“KHƯ” LÀ PHẦN ĐẦU ỐNG TAY ÁO
Nói đến tay áo (y tụ 衣袖), trong văn ngôn có chữ 袪(khư),
cũng chỉ tay áo. Nhưng nếu phân tích mà nói, nó vốn chỉ phần đầu của ống tay
áo, tức nay là “tụ khẩu” 袖口. Chu Tuấn Thanh 朱骏声trong “Thuyết văn thông
huấn định thanh – Dự bộ” 说文通训定声 - 豫部,
dưới chữ 袪 (khư):
Tích ngôn chi, tắc tụ viết duệ, duệ khẩu viết khư.
析言之則袖曰袂袂口曰袪
(Phân tích ra mà nói, tay áo (tụ 袖) gọi là “duệ” 袂, phần đầu
tay áo là “khư’ 袪)
Trong Thi kinh – Đường phong – Cao cừu 诗經
- 唐风 - 羔裘có câu:
Cao cừu báo khư
羔裘豹袪
Tức dùng da con dê con là áo
cừu, dùng da báo làm phần đầu ống tay áo.
Khổng Dĩnh Đạt 孔穎达sớ rằng:
Duệ thị tụ chi đại danh, khư
thị tụ đầu chi tiểu xưng, kì thông giai vi duệ.
袂是袖之大名, 袪是袖头之小称, 其通皆为袂
(Duệ
là đại danh của “tụ” 袖 (tay áo), “khư” là tiểu xưng
của “tụ đầu” 袖(phần đầu ống tay áo) gọi thông nhau là “duệ” .)
Trong
Nghi lễ - Tang phục 仪礼 - 丧服:
Khư xích nhị thốn
袪尺二寸
(Khư dài 1 xích 2 thốn)
Trịnh Huyền 郑玄chú rằng:
Khư, tụ đầu dã.
袪, 袖头也
(Khư là phần đầu ống tay áo)
Nói một cách đơn giản, tay áo ở thời cổ khác với ống tay áo
ngày nay, chỗ cổ tay còn nối một đoạn dạng hình ống không ngắn, hợp lại gọi là
“duệ” 袂, bộ phận tiếp với phần trên là “tụ đầu” 袖头, chính gọi là “khư” 祛. Trong Thi
kinh – Trịnh phong – Tuân đại lộ 诗經 - 郑风
- 遵大路có câu:
Tuân đại lộ hề
Sảm chấp tử chi khư hề
遵大路兮
掺执子之袪兮
(Theo đường lớn mà đi
Em nắm lấy tay áo của chàng)
“Sảm” 掺là níu lấy. Ý nói níu lấy phần đầu tay áo của
đối phương, do vì dài mới có thể “sảm”.
Thời Xuân Thu, công tử lưu vong Trùng Nhĩ 重耳, lúc đầu
bị bức phải đào thoát đến Bồ Thành 蒲城, quan hầu cận là Phi 披phụng mệnh Tấn Hiến Công 晋献公đuổi theo bắt. Trong “Truyện” 传ghi rằng:
Công sử tự nhân Phi phạt Bồ. (Trùng Nhĩ) du viên nhi tẩu, Phi trảm kì khư, toại xuất bôn Địch.
公使寺人披伐蒲,(重耳) 踰垣而走. 披斩其袪,
遂出奔翟.
(Hiến Công sai quan hầu cận là Phi đánh Bồ Thành, (Trùng Nhĩ) vượt tường chạy, Phi chém đứt ống tay áo, (Trùng Nhĩ) chạy thoát đến đất Địch)
Quan hầu cận cắt đứt được chính là một đoạn ống tay áo, tức “khư” 袪. Chính là “khư” nên Trùng Nhĩ mới thoát được.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/3/2024
Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG
THỨC
中国古代文化常识
Tác giả: Hoàng Kim Quý 黄金贵
Bắc Kinh: Thương vụ ấn thư quán
Quốc tế hữu hạn công ti, 2022