TRỪ TỊCH
“Trừ tịch” 除夕cũng gọi là “trừ nhật” 除日, “trừ dạ” 除夜, “tuế trừ” 岁除, “tuế mộ” 岁暮, “tuế tận” 岁尽. “mộ tuế” 暮岁, tục gọi là “đại niên dạ” 大年夜 (một ngày trước trừ tịch là “tiểu trừ” 小除, gọi là “tiểu niên dạ” 小年夜. Trừ tịch là “đại trừ” 大除), ngày trước gọi là “niên quan” 年关, là đêm cuối cùng của năm âm lịch, tức đại niên tam thập, là tiết nhật truyền thống của Trung Quốc. “Trừ” 除trong trừ tịch có nghĩa là qua đi, thay đổi, thay thế, trừ tịch mang nghĩa là “nguyệt cùng tuế tận” 月穷岁尽.
Tương truyền vào thời cổ, có một con mãnh thú tên là “niên” 年, cứ đến cuối năm nó lại xuất hiện ăn thịt người. Một lần nọ, có một cơ hội ngẫu nhiên, người ta phát hiện con “niên” sợ những gì có màu đỏ, sợ lửa, sợ tiếng động lớn. Thế là cứ vào cuối năm, người ta mặc quần áo màu đỏ, đốt pháo để doạ con “niên”, khiến nó không dám xuất hiện. Người ta chúc mừng lẫn nhau, treo đèn kết hoa, uống rượu bày tiệc, chúc mừng thắng lợi. Về sau quần áo màu đó diễn biến thành câu đối xuân sắc đỏ. Lúc trừ tịch, phong tục các nơi cũng khác nhau. Phương bắc gói sủi cảo, phương nam làm bánh tổ (niên cao 年糕). Sủi cảo có hình dạng giống “nguyên bảo” 元宝 (thỏi vàng), bánh tổ (niên cao 年糕) có âm giống “niên cao” 年高 (năm sau cao hơn năm trước). Lúc ăn cơm đoàn viên, trên bàn nhất định phải có món cá (cá tiếng Hán là “ngư” 鱼 đọc theo âm Bắc Kinh là “yú” hài âm với chữ “dư”余), tượng trưng cho sự sung túc và “niên niên hữu dư” 年年有余. Sau bừa cơm, cả nhà ngồi quây quần bên nhau đến sáng. Sáng sớm mồng 1 đi chúc tết bà con bạn bè.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 09/02/2024
Trừ tịch năm Quý Mão
Nguồn
BẤT KHẢ BẤT TRI ĐÍCH 3000 CÁ VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
不可不知的3000个文化常识
Biên soạn: Tinh Hán 星汉